Xuất khẩu nước mắm truyền thống dễ mà khó

18/09/2020 - 06:33

PNO - Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng, hoàn toàn có thể xuất khẩu với số lượng lớn, nhưng họ sẽ phải thay đổi.

Tại tọa đàm “Nước mắm truyền thống từ bàn ăn gia đình Việt ra thế giới” diễn ra chiều 17/9 tại TP.HCM, ông Lê Bá Linh - thành viên sáng lập Công ty Link Nature Power (nước mắm Mami), đơn vị xuất khẩu nước mắm truyền thống sang Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản và là một trong số ít doanh nghiệp bán nước mắm truyền thống, gia vị trên kênh thương mại điện tử Amazon - đúc kết, có hơn 70% người da trắng sử dụng nước mắm truyền thống Việt Nam; khách hàng người Việt, châu Á chỉ chiếm 30%. Phần lớn người tiêu dùng ở nước ngoài dùng nước mắm để nấu ăn chứ ít dùng nước mắm làm nước chấm. 

Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống thừa nhận, rất khó nắm bắt được thị hiếu của số đông khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp muốn giữ nguyên hương vị đặc trưng của nước mắm truyền thống, không sử dụng phẩm màu, hương liệu, chất bảo quản nhưng như vậy, nước mắm sẽ có độ mặn cao, mùi vị nồng khiến ngay cả nhiều người tiêu dùng trong nước cũng e dè. 

Dù có nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhưng độ mặn, vị nồng cao... cộng với những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật từ các nhà nhập khẩu khiến nước mắm truyền thống khó xuất với số lượng lớn
Dù có nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhưng độ mặn, vị nồng cao... cộng với những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật từ các nhà nhập khẩu khiến nước mắm truyền thống khó xuất với số lượng lớn - Ảnh minh họa

Ông Trần Hữu Hiền - Giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-TM-DV Bảy Hồng Hạnh - thừa nhận, nước mắm truyền thống chỉ làm từ cá, muối nên có vị mặn nhưng ngọt hậu. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng lại không thích vị mặn của nước mắm truyền thống nên không ít nhà sản xuất phải sử dụng phụ gia để giảm vị mặn xuống.

Để thay đổi, ông Hiền cho rằng, doanh nghiệp cần truyền thông cho người tiêu dùng trong nước và thế giới biết rằng, nước mắm truyền thống phải có mùi đặc trưng và giữ đúng bản chất của nó. Nếu làm mất mùi nước mắm như cách của Thái Lan thì sẽ mất đặc trưng của nước mắm truyền thống. Nếu khử hết mùi, sản phẩm của mình sẽ na ná nước mắm Thái Lan, không có sự khác biệt để cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiện nay, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines... cũng sản xuất nước mắm nhưng với số lượng ít, quy mô không lớn. Đối thủ lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan; một doanh nghiệp Thái Lan có thể xuất bán 1.000 container nước mắm/tháng. Tuy nhiên, Thái Lan chủ yếu sản xuất nước mắm công nghiệp, Việt Nam có thế mạnh về nước mắm truyền thống, hoàn toàn có thể tự tin cạnh tranh, nhưng cần có quy chuẩn đầy đủ hơn để phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp. 

Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Lê Gia (nước mắm Lê Gia) - cho hay, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107:2018 về nước mắm lẽ ra có thể hỗ trợ hữu hiệu cho nước mắm truyền thống, nhưng ngược lại, đang hạ thấp tiêu chuẩn của nước mắm do định nghĩa không rõ ràng giữa nước mắm và nước chấm, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn giữa nước mắm pha chế và nước chấm... Ông Anh đề nghị, cần có quy chuẩn phân biệt rõ hơn.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định số 609/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Ông Linh cho biết, sắp tới, hiệp hội sẽ cho ra tiêu chuẩn để phân biệt nước mắm truyền thống, gắn logo vào sản phẩm để người tiêu dùng dễ nhận biết, đồng thời sẽ làm rõ tiêu chuẩn về hàm lượng histamine trong nước mắm. 

Cũng có ý kiến cho rằng, không nên đặt nặng yêu cầu xuất khẩu nước mắm, vì tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe và lợi nhuận không cao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu nước mắm truyền thống không chỉ vì kinh tế mà còn nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam. Theo ông Linh, dù xuất khẩu hay bán trong nước, chất lượng nước mắm truyền thống cũng đều giống nhau. Bên cạnh đảm bảo chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần nghiên cứu bao bì sản phẩm tinh tế, đơn giản, tiện nhẹ. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI