Xuất khẩu LĐ “chui” sang Angola: Cay đắng giấc mộng đổi đời

17/04/2013 - 10:55

PNO - PN - Ngày 14/4, anh Hồ Cảnh Sơn (45 tuổi, trú tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã bỏ mạng tại Angola vì sốt rét ác tính. Trong vòng chưa đầy một tháng (tháng 4/2013), trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có bốn lao động...

Xuat khau LD “chui” sang Angola: Cay dang giac mong doi doi

Vợ anh Phan Văn Sơn (SN 1973, trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) ngất xỉu khi nghe tin anh đột tử

Tuyển dụng không cần trình độ

Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện chưa có đơn vị nào được cấp phép đưa lao động (LĐ) sang làm việc tại Angola song trên nhiều website vẫn đăng tuyển công nhân đi làm việc ở thị trường này với thu nhập hơn 1.000 USD/tháng.

Trong vai một người muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Angola, tôi gặp Bách - một người đăng thông tin tuyển dụng trên mạng. Theo Bách, anh cần tuyển cả nam và nữ, tuổi từ 18-50. Nam làm nghề thợ hồ, nữ may công nghiệp. Trình độ học vấn không quan trọng, nếu tốt nghiệp cấp II càng tốt. Tổng chi phí là 6.000 USD bao gồm phí visa, đi lại, máy bay... Thời gian làm giấy tờ khoảng hai tháng, người LĐ chỉ cần đặt cọc trước 1.000 USD. Nếu làm công nhân may thì thu nhập bình quân là 800 - 1.200 USD (tùy công việc), ngày làm chín tiếng, một tháng nghỉ hai ngày. “Em bảo đảm với chị đó là mức lương tối thiểu cho LĐ phổ thông người VN ở bên đấy. Thường thì mọi người đều làm thêm ngoài giờ nên thu nhập còn cao hơn”, Bách khẳng định. Khi tôi hỏi chi tiết hợp đồng, công ty bên đó thì Bách cứ ậm ừ: “Chị không phải lo, cứ nộp hồ sơ, ứng tiền trước đã. Em đã làm cho rất nhiều người đi trót lọt nên chị an tâm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ quảng cáo trên các trang mạng để tuyển người XKLĐ, một số đối tượng còn tung các “chân rết” xuống từng địa phương, đặc biệt nhắm tới nông thôn để mời chào đi XKLĐ, rằng môi trường làm việc ở Angola rất tốt, lương cao, công việc nhẹ nhàng…

Xuat khau LD “chui” sang Angola: Cay dang giac mong doi doi

Có ba người con đi XKLĐ nhưng ước mơ xây được căn nhà mới của bà Hân quá xa vời

Đi dễ, về khó

Theo ghi nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, trong năm 2012, tai nạn LĐ và dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 18 công dân Việt Nam. Và trong tháng 3/2013, đã có năm trường hợp phải tới Đại sứ quán xin cấp giấy thông hành, nhờ thông báo người nhà gửi tiền sang để về nước vì chủ lấy hết giấy tờ và tiền bạc.

Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng LĐ đi XKLĐ “chui” sang Angola khá lớn. Ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nghệ An cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, ở Nghệ An có khoảng 500 người xuất khẩu “chui” sang Angola và có bảy người đã chết.

Tháng 1/2013, anh Hồ Cảnh Sơn, 45 tuổi, trú tại xóm 7, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An được môi giới làm thủ tục sang Angola bằng đường du lịch và LĐ tại một công trường xây dựng. Chiều 13/4, sau hai tuần cấp cứu, điều trị tại bệnh viện Prenda Luanda, do bị sốt rét quá nặng nên anh Sơn đã qua đời. Anh Sơn mất để lại một khoản nợ rất lớn mà anh đã vay để “chạy” đi Angola.

Trước đó, ngày 12/4, anh Phan Văn Sơn, SN 1973, trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bị đột tử chưa rõ nguyên nhân trong khi đang làm việc tại một công trường xây dựng ở Angola. Cuối năm 2011, anh Sơn được người quen giới thiệu đi XKLĐ “chui”. Ngày anh Sơn đi, cả gia đình phải thế chấp sổ đỏ để vay mượn 6.000 USD đặt cọc cho chủ thầu; giờ việc đưa anh về với đất mẹ còn tốn kém hơn. Bà Nguyễn Thị Kính (70 tuổi) mẹ anh Phan Văn Sơn đau đớn nói: “Để đưa được thi thể con tôi về nước phải mất hơn 700 triệu đồng. Giờ có bán cả nhà đi cũng không có đủ số tiền trên”.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tỉnh Nghệ An đã có bốn LĐ “chui” tử vong ở Angola. Nỗi đau chồng chất lên xóm làng nghèo, người ở lại đang rối bời không biết làm sao có thể trả được món nợ XKLĐ.

Gia đình bà Phạm Thị Hân, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cũng lâm vào tình cảnh bi đát dù có ba người con đi XKLĐ “chui” tại Angola gần ba năm. Bà Hân nói trong nước mắt: “Khổ lắm, ai nấy đều tưởng tôi có ba đứa con đi XKLĐ là tiền phải nhiều lắm, nhưng thực tế có đồng nào đâu. Với mong ước đổi đời, gia đình đã phải vay nóng cho mỗi đứa gần 200 triệu đồng. Thời gian đầu, chủ có trả được vài tháng lương, sau đó, cứ đến mỗi kỳ lương, con tôi đòi tiền thì họ không chịu trả mà còn đe dọa sẽ báo công an vì không có giấy tờ, đi XKLĐ “chui”. Sợ quá, nên mấy đứa phải trốn ra ngoài để tìm công việc khác. Giờ số tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình tôi không biết tính sao nữa”.

Xuat khau LD “chui” sang Angola: Cay dang giac mong doi doi

Xuat khau LD “chui” sang Angola: Cay dang giac mong doi doi

Trên các trang mạng hiện có rất nhiều thông tin tuyển dụng đi XKLĐ sang Angola

Thị trường nhiều rủi ro

Trao đổi với PV về thực trạng LĐ Việt Nam tại Angola, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, cho đến nay, Bộ LĐ-TB-XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào đưa LĐ sang làm việc tại Angola. Thời gian qua, một số công ty và cá nhân người Việt Nam qua Angola với những hứa hẹn sẽ có công việc ổn định, mức lương hấp dẫn trong ngành xây dựng. Nhiều LĐ Việt Nam không có hợp đồng LĐ, khi đến Angola, nhiều người không có việc làm ổn định. Một số người buộc phải tự tìm việc làm, chấp nhận môi trường làm việc không an toàn, nhiều dịch bệnh...

Một đại diện của Cục Quản lý LĐ ngoài nước cho biết, Cục đã tổ chức đoàn khảo sát về điều kiện LĐ ở Angola, tuy nhiên, LĐ làm việc ở nước này rủi ro rất cao nên Cục chưa cấp phép XKLĐ. Cụ thể, Angola chưa có hệ thống bảo hiểm y tế, chưa có ban quản lý LĐ nên tất cả đều phải thông qua Đại sứ quán. Vị này còn cho biết thêm, ngoài các chi phí sinh hoạt và y tế tại Angola cực kỳ đắt đỏ, thì người LĐ sang bằng con đường không chính thức còn đối mặt với nhiều cạm bẫy khó lường như bị chủ ép, đánh đập, ốm đau bệnh tật… Hiện Việt Nam đang có các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục làm việc tại Angola nhưng đi theo các thỏa thuận về hợp tác LĐ ký giữa hai chính phủ từ nhiều năm trước.

Cục Quản lý LĐ ngoài nước khuyến cáo, nếu có ai mời LĐ sang Angola làm việc thì phải thông báo ngay cho cơ quan LĐ của địa phương, sở LĐ-TB-XH, hoặc gọi đường dây nóng của Cục Quản lý LĐ ngoài nước (043 8249517, máy lẻ 511, 512, 513) để kiểm chứng thông tin.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI