Xuất khẩu lao động chui, mạng sống trong tay người

10/07/2017 - 15:24

PNO - Hệ lụy của lao động “chui” không chỉ là bi kịch của những người Việt ngày đêm dịch chuyển chỗ ở, chỗ làm, trốn chạy sự truy đuổi của cảnh sát nước bạn mà còn ảnh hưởng đến diện mạo thị trường lao động Việt Nam.

Không rành tiếng nước bạn, không một xu dính túi dù sau vài tháng, thậm chí cả năm trời bôn ba, làm việc 14-16giờ/ ngày trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; bị đánh đập, bạo hành, thậm chí bị lạm dụng thể xác… là tình cảnh chung của lao động “chui” người Việt ở Hàn Quốc, Nga, Nhật, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc… Câu chuyện nhiều lao động quê ở miền đất nghèo miền Trung tử nạn do sự cố chìm tàu tại Trung Quốc trong những ngày này, lại lần nữa xới lên khúc bi ai về đời lao động chui. 

Xuat khau lao dong chui, mang song trong tay nguoi
Chị Hồ Thị Tiếp (vợ nạn nhân Hùng) quặn đau khi nhận tin dữ

Sống chết trong bóng tối

Anh Đào Sỹ Hùng (30 tuổi, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) bị tử vong trong sự cố chìm tàu tại Trung Quốc, được đưa về quê vào sáng ngày 6/7. “Mang tiếng đi lao động nước ngoài, thực chất đi “chui” sang Trung Quốc để kiếm tiền nuôi gia đình. Đi chui thì theo nhóm, theo bạn, không phải qua thủ tục nên tiền lệ phí không đáng bao nhiêu. Nghĩ cần tiền, nên gia đình đánh liều một phen. Không ngờ, hôm nay nhận cái kết đau thương này” - ông Đào Hữu Thiện (trú tại thôn Tân Phong, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bố nạn nhân Đào Sỹ Hùng đau đớn nói.

Cuối tháng 2/2017, nhóm lao động gồm 23 người ở các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Giang, Hải Phòng liên lạc với nhau rồi tập trung tại Hà Nội. Sau đó, mỗi người đóng một khoản tiền từ 40-50 triệu đồng cho một người ở Bắc Giang để đưa sang Trung Quốc. Sau khi sang Trung Quốc, đến chiều 31/3, nhóm người này mua một con tàu biển cũ để đi sang lãnh thổ Đài Loan, tuy nhiên khi ra giữa eo biển ở Chu Hải (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) thì không may gặp nạn.

Ông Thiện kể, anh Hùng đi ngày 26/2. Trước lúc đi, chỉ thấy Hùng liên lạc với một người tên Minh ở Lục Ngạn (Bắc Giang). “Trên đường từ nhà ra đến Hà Nội, khi sang Trung Quốc để chuẩn bị lên thuyền sang Đài Loan cháu có gọi điện về, sau đó thì mất liên lạc. Đến mãi khi Hùng sang bên Trung Quốc thì ở nhà tôi mới biết nó đi “chui”. Từ đó, ngày nào tôi cũng lo lắng. Gọi điện liên lạc suốt nhưng không được”.

Vợ chồng anh Hùng có một con trai (9 tuổi). Chị Hồ Thị Tiếp (30 tuổi, vợ anh Hùng) cho biết: “Trước đó, anh đi xuất khẩu Đài Loan nên cũng có được một ít vốn về xây nhà. Do tâm lý nghĩ quen địa bàn, chịu vất vả nên anh mới tự liên lạc với nhóm bạn ở các tỉnh khác để đi sang Trung Quốc. Tất nhiên, anh ấy đi thế nào đều giữ kín không cho tôi biết, tôi chỉ ngầm hiểu sự việc thôi. Tôi thật sự hối hận. Biết thế, ngày trước… tôi giữ chân anh lại. Tất cả vì đồng tiền!” - chị Tiếp khóc nức lên từng tiếng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tương - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Anh cho biết: “Toàn huyện Kỳ Anh, năm 2017 có 868 người lao động tại nước ngoài. Tuy nhiên, đây là con số lao động đi qua con đường chính thống, còn số lao động “chui” thì không thể nắm được”.

Một nguồn tin từ Sở Ngoại vụ Nghệ An cho biết, thông tin ban đầu có bốn người lao động quê ở Nghệ An bị thiệt mạng ở Trung Quốc gồm: anh Lê Đình Hiếu (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương), anh Hồ Đức Tiến (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu), anh Lưu Xuân Hoàng (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn), và anh Nguyễn Phúc Toàn (xã Văn Thành, huyện Yên Thành). Hiện Sở Ngoại vụ Nghệ An đang phối hợp cơ quan chức năng giải quyết sự việc đau lòng trên.

Ông Trần Đăng Dương - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nghệ An thông tin, hiện Sở chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về các lao động Nghệ An tử vong ở Đài Loan.

Xóm nghèo tan vỡ giấc mơ

Câu chuyện bi kịch này khiến chúng tôi liên tưởng đến “Nỗi đau Xóm Chùa” (báo Phụ Nữ ngày 6 và 8/7/2015) của gần 20 cô gái ở ấp Xóm Chùa, khu phố Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai khi đồng loạt bị lừa bán sang Trung Quốc. Họ ra đi với lời hứa hẹn sẽ giới thiệu việc làm tốt, lương cao, nhưng cuối cùng lại bị gả bán, làm vợ, đẻ thuê cho các gia đình nông dân ở xứ người. 

Khi báo Phụ Nữ phản ánh, công an vào cuộc điều tra, truy bắt tận gốc đường dây môi giới lao động, kết hôn bất hợp pháp, nhiều cô gái đã được đoàn tụ với gia đình sau tháng ngày tủi nhục. Tuy nhiên, đọng lại đằng sau cuộc giải cứu đó là nỗi ám ảnh cái nghèo luẩn quẩn của những khu xóm lao động như khu phố Hiệp Nhất vây bủa chúng tôi. Đó là những thôn xóm mà đa phần các bạn trẻ mới lớp 5, lớp 6 đã nghỉ học; trong từng mái nhà thấp thoáng ông bố, ông anh “trụ cột” nhưng nát rượu, bê tha, còn bạo hành vợ con cùng những người chị, người mẹ cam chịu, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. 

Mỗi lần xảy chuyện, hay nhận lời kêu cứu, phóng viên chúng tôi tìm gặp gia đình, người thân của nạn nhân, liên hệ cơ quan công an, Bộ Ngoại giao lẫn Đại sứ quán cùng vào cuộc. Những bài viết cảnh báo: đừng tin lời cò, đừng xuất khẩu lao động bất hợp pháp… được đăng tải liên tục. Vậy mà, nạn nhân của cò xuất khẩu lao động “chui” cứ liên tục “sập bẫy”… Chỉ trong hai năm 2015-2016, báo Phụ Nữ đã tiếp nhận hàng chục đơn thư của nạn nhân từ TP.HCM, Sóc Trăng, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương; nhiều đơn từ, email, tin nhắn qua Facebook, Viber… gửi về từ Nga, Malaysia, Hàn Quốc phản ánh tình trạng bị lừa xuất khẩu lao động. 

Đừng để nối dài bi kịch

Luật sư Huỳnh Minh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM, tham gia tư vấn pháp luật, giúp không ít nạn nhân bị lừa xuất khẩu lao động chia sẻ: “Ma lực của cụm từ “xuất khẩu lao động”, “tu nghiệp sinh”… và giấc mơ đổi đời với số tiền lương khủng từ lời hứa hẹn đã khiến nhiều người lao động quên mất phải xem lại hợp đồng, rà soát lại đường dây đưa mình sang đất bạn có hợp pháp không…”.

Mới đây, trong một chuyến công tác sang Hàn Quốc, chúng tôi gặp M. (21 tuổi, quê huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). M. sang Hàn theo một đường dây xuất khẩu lao động từ hai năm trước, khi hết hạn hợp đồng lao động, cùng nhiều người khác đã rủ nhau ở lại, tiếp tục mưu sinh. M. cho biết: “Từ ngày trở thành… lao động chui, cuộc sống của em vô cùng tủi nhục. Khi vào đợt truy quét của cảnh sát nước bạn, tụi em phải tìm mọi cách trốn. Có lúc cả nhóm hàng chục cô gái, chàng trai cùng chui vào những căn phòng trọ hẹp trốn cả 10 ngày. Đói rã”. 

Thống kê mới đây của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho thấy, hiện có khoảng 40.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Tính đến hết tháng 12/2016, số lao động cư trú bất hợp pháp là hơn 16.000 người.

Hệ lụy của lao động “chui” không chỉ là bi kịch cuộc đời của những người Việt ngày đêm dịch chuyển chỗ ở, chỗ làm, trốn chạy khỏi sự truy đuổi của cảnh sát nước bạn mà còn ảnh hưởng trầm trọng đến diện mạo thị trường lao động Việt Nam. Điều này không lạ khi chính phủ nước bạn từng ra quyết định cấm nhận lao động Việt Nam đến từ 58 quận, huyện (là những địa danh có đến 30% lao động hết hạn hợp đồng không về nước). 

Tại Nga, từ năm 2015, một người nước ngoài đến Nga với mục đích làm việc phải có giấy phép. Muốn vậy, trong vòng 30 ngày sau khi đến Nga người lao động cần nộp đơn cho Cơ quan Di trú liên bang và xuất trình hộ chiếu, giấy nhập cảnh, hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận không mắc bệnh truyền nhiễm và HIV, chứng chỉ về trình độ tiếng Nga và kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa Nga...

Thế nhưng, N.T.T. (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), một lao động chui được chúng tôi giải cứu mới đây cho biết, anh và hàng chục đồng hương đang làm việc ở một trang trại chuyên sản xuất củ hành đều xa lạ với những quy định này. Anh T. sang nước bạn chỉ bằng một tờ hộ chiếu, visa du lịch sau khi phải đóng cho "cò" hơn 30 triệu đồng. Bốn tháng làm việc trong nhà kính giữa mùa đông giá rét, anh bị quăng ra đường, khi trong túi chỉ có vài mươi rúp. 

Chuỗi bi kịch của người lao động bất hợp pháp khi trốn chạy những cuộc truy lùng của cảnh sát nước sở tại liên tục tái diễn. Hình ảnh cô gái quê Hải Phòng chạy băng mình, lao xuống dòng sông ngày đông giá rét trốn cảnh sát Nga giữa năm 2015, hay câu chuyện thê lương của H., một nữ lao động chui bị chết vùi trong tuyết ở ngoại ô TP Mátxcơva được người thân nhận thi thể về là nỗi ám ảnh nhiều người. Thế nhưng, dòng người lao động “chui” vẫn tiếp nối. Và vì thế, những "cò" lao động “chui” mới có cơ hội tung hoành. 

Luật sư Huỳnh Minh Vũ khẳng định: “Khi những quy định pháp luật không chặt chẽ, không xử phạt đến nơi đến chốn môi giới lao động bất hợp pháp, không xem "cò" lao động cũng là một biến dạng của vấn nạn buôn người thì những tay cò vẫn tiếp tục trục lợi trên sự cả tin, ngây thơ cùng giấc mộng đổi đời của nhiều người, đẩy họ và người thân rơi vào bi kịch”. 

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa  phát thông cáo về thông tin liên quan đến công dân Việt Nam thiệt mạng khi đang vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan bằng thuyền đánh cá. “Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), thời gian qua, ngư dân Trung Quốc tại Sán Vĩ, Chủ Hải (thuộc tỉnh Quảng Đông), đã vớt được thi thể của chín người nghi là công dân Việt Nam bị thiệt mạng tại vùng biển khu vực này”, thông cáo nêu.

Ngay sau khi nhận được những thông tin trên, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc và trong nước xác minh, sau đó phối hợp cùng gia đình các nạn nhân đối chiếu mẫu ADN. Qua đó đã xác định được bảy thi thể là người Việt Nam, hai thi thể chưa xác định được danh tính. Tổng Lãnh sự quán đã hỗ trợ thân nhân những người bị nạn đưa di hài về nước.

Hạnh Chi - Gia Hân - Phan Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI