Xuất khẩu gạo bình thường từ ngày 1/5

28/04/2020 - 20:52

PNO - Từ 1/5/2020 hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Chiều 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về xuất khẩu gạo, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và quyền lợi của người nông dân.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, kế hoạch xuất khẩu năm 2020 là 6 triệu tấn gạo. Tuy nhiên do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cùng thiên tai, hạn hán nên chúng ta đã có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát để xem xét tình hình sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu; xem sản lượng, diện tích, năng suất cụ thể để trước hết bảo đảm lương thực cho đất nước, đề phòng bất trắc xảy ra.

Trong những ngày qua, nhiều đoàn công tác của các Bộ, ngành đã đi nắm tình hình các tỉnh về việc sản xuất lúa. Điều đáng mừng là trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL, nhưng nhờ chuyển thời vụ sớm, có cơ cấu cây trồng hợp lý cho nên năm nay vẫn được mùa lúa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến - Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2020 sản xuất ước đạt 43,5 triệu tấn lúa. Riêng vùng ĐBSCL, vụ Đông Xuân tới nay về cơ bản đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn lúa. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng lúa còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. 

Bộ Công thương và các Bộ, ngành kiến nghị Thủ tướng kể từ ngày 1/5/2020 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, do nước ta đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19, vì vậy cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh. Việc tổ chức sản xuất, hoạt động bình thường của người dân là yêu cầu cấp bách để bảo đảm việc làm, thu nhập, tăng trưởng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường, cần phải bảo đảm an ninh lương thực, không để đầu cơ, nâng giá, thiếu thốn lương thực. Cùng với an ninh lương thực, bảo đảm xuất khẩu lương thực để bảo đảm quyền lợi của người trồng lúa.

Vì vậy, qua báo cáo của đoàn công tác liên ngành do Bộ Công thương trình bày, Thủ tướng đồng ý với đề xuất về phương án điều hành xuất khẩu gạo. Theo đó, từ 1/5/2020 cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế.

Thủ tướng đã đồng ý để hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5/2020
Thủ tướng đã đồng ý để hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5/2020

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho xuất khẩu gạo trong tháng 5, 6 và các tháng tiếp theo, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp. Bộ Tài chính thực hiện mua đủ dự trữ quốc gia về gạo.

Bộ Công thương phối hợp với các bộ liên quan theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự trữ, xuất khẩu; nếu xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì báo cáo ngay Thủ tướng để có biện pháp xử lý phù hợp. Rà soát Nghị quyết 107 để đề xuất sửa đổi, khắc phục các bất cập đã và đang phát sinh trong thực tế, tránh tình trạng "tay không bắt giặc" của một số doanh nghiệp.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Công thương tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về vấn đề này.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI