Nông dân phấn khởi
Mấy ngày nay, cá tra nguyên liệu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hút hàng, giá liên tục tăng. Hiện thương lái và doanh nghiệp lùng mua cá tra loại tốt với giá 30.000-31.500 đồng/kg, giúp người nuôi thu lãi từ 3.000-5.000 đồng/kg.
|
Nông dân tỉnh An Giang thu hoạch cá tra xuất khẩu - Ảnh: Huỳnh Lợi |
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) - cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, người nuôi cá tra không lời nhiều do giá chỉ khoảng 26.500-27.500 đồng/kg, nhưng nay giá tăng mạnh. “Nhà tôi vừa bán 300 tấn cá, thu lợi nhuận gần 1 tỉ đồng, vừa có tiền đầu tư cho vụ kế tiếp, vừa dư dả để ăn tết Ất Tỵ” - ông khoe.
Có chung niềm vui, ông Võ Văn Thanh - thành viên HTX trên - kể, vài tuần trước, ông đã thỏa thuận bán 250 tấn cá tra nuôi theo chuỗi liên kết cho Công ty TNHH Cỏ May (tỉnh Đồng Tháp) với giá 29.000 đồng/kg: “Theo hợp đồng nuôi, nếu lúc thu hoạch, giá cá trên thị trường tăng thì giá mua bán cũng tăng lên nên mức lợi nhuận vụ này khá cao, tha hồ ăn tết”.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 2 tỉ USD, tăng 9,6% so với năm 2023. Đầu năm 2025, đơn hàng nhiều nên các nhà máy đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu, chế biến nhằm cung ứng kịp thời cho đối tác nhập khẩu khiến giá cá tăng, giúp người nuôi có lãi khá.
Chuyên nuôi tôm, nông dân Nguyễn Văn Thế (xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cho hay, thương lái đang thu mua tôm càng xanh loại 1 với giá 115.000-140.000 đồng/kg, tôm sú loại 20 con/kg với giá 220.000-230.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 20 con/kg với giá 225.000-235.000 đồng/kg nên người nuôi có lãi tốt. Gia đình ông vừa thu hoạch 1ha tôm càng xanh, giá bán bình quân 130.000 đồng/kg, lời khoảng 30 triệu đồng. Theo ông, năm 2024, xuất khẩu thủy sản thuận lợi nên tôm nguyên liệu có giá tốt, bà con có lời nên mạnh dạn đầu tư, năng suất lẫn giá bán đều đáng phấn khởi.
Hiện tại, nhiều nông dân ở tỉnh Cà Mau cũng đang thu hoạch tôm. Ông Lê Văn Năm (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) cho hay, vừa thu hoạch gần 2ha tôm càng xanh, giá bán gần 130.000 đồng/kg, lợi nhuận vài chục triệu đồng: “Năm nay, ăn tết thoải mái”.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 278.000ha tôm nuôi các loại, sản lượng khoảng 243.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 trên 1,1 tỉ USD, tăng gần 6% so với năm 2023. Nhờ xuất khẩu tăng trưởng, người nuôi tôm tăng thu nhập, đời sống được cải thiện đáng kể.
Cùng với thủy sản, trái cây cũng đang “được mùa, được giá”. Nông dân Nguyễn Vũ Linh (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) vừa thu hoạch 5 công vú sữa để cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ với giá 50.000 đồng/kg, thu lãi cao hơn các năm trước.
|
Nông dân huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang thu hoạch tôm |
Liên kết để đầu vào, đầu ra thuận lợi
Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long - thông tin, HTX có 45 thành viên trồng vú sữa và sầu riêng. Năm 2024, sầu riêng giống Ri6 có giá khoảng 120.000-130.000 đồng/kg, giống Monthong có giá 170.000 đồng/kg nên mọi thành viên đều có lợi nhuận, hộ trồng ít thì lời 400-500 triệu đồng, trồng nhiều thì lời 3-5 tỉ đồng.
Dẫn chúng tôi ra vườn sầu riêng Ri6 rộng khoảng 3ha của mình, ông Trần Văn Chiến cho hay, dù còn nhiều cây trong vườn chưa cho trái nhưng sản lượng vụ này vẫn ước đạt 45-50 tấn, dự kiến sẽ thu hoạch trong quý I/2025 để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo ông, để vườn trái cây của HTX thu về bạc tỉ như hiện nay là cả một quá trình dài kiên trì vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ sang hợp tác để “cùng làm, cùng hưởng”.
Ông nói: “Sầu riêng đang cho lợi nhuận lớn nhưng HTX yêu cầu không mở rộng diện tích tràn lan mà tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, cải thiện năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác để giảm giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan và các nước khác. Bên cạnh đó, HTX tăng cường liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nên đầu vào, đầu ra đều thuận lợi”.
Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, toàn tỉnh có hơn 2.600ha nuôi cá tra thương phẩm, năm 2024 đạt doanh thu hơn 8.800 tỉ đồng, tăng 2,86%. Để nghề nuôi và xuất khẩu cá tra bền vững, UBND tỉnh chủ trương liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp, đến nay đã thực hiện được hơn 83% diện tích. Ngành nông nghiệp của tỉnh đã cấp mã số nhận diện nuôi cho hơn 370 cơ sở, đồng thời mở rộng diện tích nuôi áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC để xuất khẩu dễ dàng.
|
Nông dân trồng sầu riêng ở TP Cần Thơ phấn khởi vì bán được giá |
Nhận thấy mô hình tôm - lúa rất phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) - đề xuất phát triển hơn nữa mô hình này. Mô hình tôm - lúa cho năng suất mỗi vụ từ 5-8 tấn lúa và 300 - 1.000kg tôm, cho thu nhập trung bình 500 triệu đồng và có thể lên tới 1 tỉ đồng/năm/ha nếu canh tác thành công. Tuy nhiên, ông khẳng định, để thành công với mô hình này, rất cần liên kết nông dân vào HTX để tạo thành những cánh đồng mẫu lớn từ 1.000 - 10.000ha, từ đó hợp tác với doanh nghiệp.
Chú trọng xây dựng thương hiệu, liên kết “5 nhà” Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,3%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỉ USD, thặng dư thương mại 17,9 tỉ USD, lập mức kỷ lục mới về tổng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại. Ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tập trung khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU đồng thời phát triển nhiều thị trường mới. Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 vào chiều 27/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, để phát triển các mặt hàng, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, cần tập trung xây dựng thương hiệu nông sản để khi nói đến cà phê, tiêu, điều, sầu riêng... người ta nghĩ ngay tới Việt Nam. Cùng với đó, cần quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, huy động nguồn vốn ngân hàng, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Thủ tướng đề nghị trong năm 2025, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3,5 - 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 70 tỉ USD: “Phải làm sao để nông dân được ấm no, hạnh phúc hơn, nông thôn hiện đại hơn, nông nghiệp phải tiên tiến hơn. Nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông nghiệp là động lực và nông thôn là nền tảng”. Ông cũng yêu cầu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh; ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, lợi thế; phát triển doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tăng cường liên kết giữa nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học; tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. |
Huỳnh Lợi