Xuất khẩu đi Trung Quốc, coi chừng mất trắng

28/06/2014 - 19:40

PNO - PN - Nhiều nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam “ngậm trái đắng” khi xuất khẩu cho đối tác Trung Quốc (TQ) nhưng không nhận được tiền thanh toán.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tiểu ngạch, chính ngạch đều sập bẫy

Cảng Mỹ Thới (An Giang) được xem là điểm tập kết của các đầu mối xuất khẩu gạo đi TQ. Thường thương nhân TQ đến tận vựa gạo để mua, hoặc đầu mối gạo của Việt Nam chuyển hàng đến nơi thỏa thuận. Hầu hết các “đối tác” nhập khẩu có tư cách pháp nhân không rõ ràng. Do vậy, việc giao dịch với các “đối tác” này đã để lại nhiều cay đắng cho thương nhân Việt Nam.

Sau khi đồng ý mua bán, thương nhân TQ thường chỉ giao trước 20% giá trị đơn hàng. Rủi ro ở chỗ: nếu gạo giao trực tiếp lên tàu của TQ, nhận hàng xong thì người bán có thể giữ tàu yêu cầu thanh toán hết mới cho đi, nhưng nhiều thương nhân TQ đã yêu cầu đóng hàng vô container, qua một công ty vận chuyển.

Nhà vận chuyển không căn cứ vào việc đã thanh toán hay chưa, đến hẹn là họ sẽ tự động đưa container gạo lên tàu chở đi. Khi đó, người bán đưa chứng từ yêu cầu người mua thanh toán, nhưng thanh toán hay không thì tùy thuộc vào uy tín giữa người bán với người mua.

Theo một đầu mối kinh doanh gạo tại An Giang, đã có nhiều trường hợp sau nhiều thương vụ mua bán sòng phẳng, đối tác đặt mua một lượng hàng lớn rồi “biệt dạng”.

Xuat khau di Trung Quoc, coi chung mat trang

Xuất khẩu tiểu ngạch ẩn chứa nhiều rủi ro. Ảnh: giao gạo cho thương nhân Trung Quốc tại cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn)

Tưởng chừng việc lừa gạt chỉ xảy ra đối với hình thức mua bán tiểu ngạch, nhưng ngay cả chính ngạch cũng không ngoại lệ. Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vietfood 2) cho biết: một doanh nghiệp thành viên của Vietfood 2 đóng tại Kiên Giang gần đây dù xuất gạo theo đường chính ngạch, có hợp đồng mua bán rõ ràng cũng vẫn bị lừa bằng chiêu thức tinh vi.

Hai tuần sau khi giao hàng, phía doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu đối tác thanh toán và được phía nhập khẩu yêu cầu gửi thông tin tài khoản. Thông tin tài khoản ngân hàng được doanh nghiệp Việt Nam gửi qua email. Nhưng thông tin này ngay lập tức bị hack, nội dung email bị thay đổi: thay vì thanh toán tại tài khoản do doanh nghiệp Việt Nam chỉ định thì email thông báo một tài khoản ở ngân hàng khác tại Hồng Kông hay Singapore.

“Người mua nói đã chuyển tiền rồi mà người bán chẳng thấy tiền đâu, cầu cứu cảnh sát quốc tế cũng không giải quyết được, vì mọi thứ hiện hữu đều chứng minh… không bên nào sai. Trong khi đó, số tiền hơn một trăm ngàn đô la thì đã bị rút toàn bộ khỏi tài khoản”, ông Trí kể.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (TQ), rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo chiếm đoạt hàng hóa, tiền đặt cọc do không nắm rõ lai lịch đối tác, nhất là khi các doanh nghiệp thực hiện giao dịch qua fax, email… do được đối tác hứa hẹn và đưa ra mức giá mua hàng hấp dẫn.

Riêng lĩnh vực nông, thủy sản, thời gian gần đây không ít trường hợp các nhà nhập khẩu tìm cách xù tiền. Trong đó, một công ty thương mại thủy sản của Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu thủy sản trị giá đến bốn trăm ngàn đô la cho một đối tác Hồng Kông, hàng đã giao nhưng nhà nhập khẩu cứ khất lần, trì hoãn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây khác cũng gặp chiêu tương tự với giá trị thiệt hại lên tới hàng chục ngàn đô la.

Cần nắm rõ thông tin đối tác

Chị Nguyễn Thị Nhân, một đầu mối từng có nhiều năm xuất khẩu gạo tiểu ngạch tại Lào Cai cho rằng hầu hết các loại nông sản xuất khẩu qua TQ hiện nay bằng đường tiểu ngạch, tập trung nhiều ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.

Để tránh rủi ro, nhiều đầu mối như chị Nhân thường áp dụng biện pháp hạn chế cho đối tác “gối đầu”, “đặt hàng phải đặt cọc 20-30%, với những đối tác lâu năm muốn "gối đầu" cũng cho nợ không quá 15%”, chị Nhân chia sẻ.

Đối với đường chính ngạch, ông Nguyễn Thọ Trí cho hay, khi nhu cầu nhập khẩu của TQ liên tục tăng, Vietfood 2 đã phải liên tục nhắc nhở các doanh nghiệp thành viên thực hiện giao dịch thanh toán qua L/C (thanh toán quốc tế bằng tín dụng thư).

Đây là hình thức thanh toán được xem là an toàn trong giao dịch xuất nhập khẩu, bởi có sự hỗ trợ từ hai ngân hàng của hai phía: Bên mua hàng sẽ mở L/C và sẽ thông báo cho ngân hàng của bên bán biết; hai ngân hàng sẽ làm nhiệm vụ giúp thu, chi cho hai phía. Ông Trí cũng lưu ý rằng, trong trường hợp giao dịch qua mail thì email gửi đi cũng phải được mã hóa để đảm bảo an toàn.

Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông khuyến cáo các nhà xuất khẩu trong nước cần nắm rõ tư cách pháp nhân, tiềm lực tài chính, uy tín đối tác nhập khẩu, nhất là những đối tác mới trước khi giao dịch làm ăn. Những thông tin về đối tác, có thể tìm hiểu qua thương vụ tại các thị trường theo cổng thông tin Bộ Công thương.

 Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI