Nhiều ca xuất huyết tiêu hóa phải truyền máu
Khoảng hai tuần gần đây, số ca nhập viện do xuất huyết tiêu hóa tăng cao. Các ca nhập viện đa phần đều phải truyền máu, nội soi dạ dày để kẹp clip khu tổn thương.
|
Sau đợt sốt xuất huyết vừa qua, nhiều bệnh viện ở TP.HCM đều thiếu máu dự trữ |
Thường xuyên đau bụng, mệt mỏi, sốt nhẹ, anh P.H.L. (ở tỉnh An Giang) nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa sau khi ăn hải sản nên ra tiệm thuốc gần nhà mua thuốc uống. Uống thuốc hơn ngày không đỡ, anh lại có cảm giác ăn không tiêu, bụng căng, nôn khan, trong nước bọt có ít máu, đi phân đen…
Ngày 9/12, anh đến bệnh viện (BV) địa phương khám, bác sĩ (BS) chẩn đoán bị xuất huyết dạ dày chỉ định nhập viện. Hôm sau, anh đau bụng dữ dội, chóng mặt, sốt cao, nôn ra máu nên được chuyển đến BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM.
Tiếp nhận anh L. trong tình trạng nôn, đi cầu ra máu liên tục, tụt huyết áp, BS lập tức truyền dịch, truyền máu cho anh. Qua thăm khám, BS phát hiện anh L. bị loét hoành tá tràng cần điều trị bằng kháng sinh nhiều ngày.
Vừa qua, các BS của BV này cũng cấp cứu cho ông N.V.T. (ở tỉnh Long An) bất ngờ bị nôn nhiều máu tươi, đi ngoài ra máu liên tục khiến ông rơi vào tình trạng sốc mất máu, huyết áp không ổn định phải truyền máu, hồi sức tích cực mới qua nguy kịch.
BS chẩn đoán ông T. bị xuất huyết tiêu hóa nặng do biến chứng xơ gan, tiên lượng rất xấu. Nhiều ngày sau đó, ông T. vẫn còn tình trạng nôn ra máu, mỗi lần nôn lượng máu lớn nên BS phải liên tục truyền máu cho ông. Tổng lượng máu BV đã truyền cho ông gần 10 đơn vị máu.
Ngày 3/12, anh Nguyễn Ngọc Toàn (ở tỉnh Đồng Nai) đã nhập BV Đa khoa Đồng Nai cấp cứu vì xuất huyết tiêu hóa. Đây là lần thứ hai trong vòng ba tháng, anh Toàn phải nhập viện vì cùng một căn bệnh. Và lần nào, anh cũng phải kẹp 3-4 clip (dụng cụ kẹp vết thủng dạ dày).
Sau lần nhập viện trước, anh Toàn đã “cạch” rượu bia, ăn uống đúng bữa nhưng chứng stress và mất ngủ lại không cải thiện. Hậu quả, 4g sáng ngày 3/12, anh Toàn đi vệ sinh thấy phân đen nên vội vàng gọi xe vào BV cấp cứu.
|
Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM quay ly tâm máu toàn phần từ người hiến |
Theo BS Hồ Chí Chung, Khoa Cấp cứu BV Đa khoa Đồng Nai, may mắn, bệnh nhân Toàn đến BV sớm nhưng vẫn phải truyền 0,7 lít máu do mất nhiều máu. Ngoài ra, BS cũng phải nội soi dạ dày và kẹp lỗ thủng.
Cơ thể gầy gò, ông Bùi Văn Bình (ở Đồng Nai) cũng đang phải truyền máu, nội soi dạ dày để kẹp clip bít lỗ thủng. Theo người nhà bệnh nhân, ngay khi ông Bình thấy chóng mặt, gia đình đã gọi xe cấp cứu đưa vào BV. Khi vừa vào BV, ông Bình bắt đầu ói ra máu, đi cầu phân đen. BS Chung cho hay, bệnh nhân có tiền sử bệnh xơ gan nhưng vẫn tiếp tục uống rượu nên xảy ra tình trạng thủng dạ dày.
Thiếu máu điều trị
Khoa Nội tiêu hóa BV Đa khoa Đồng Nai luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, trung bình gần 10 ca bệnh nhập mới/ngày. Các bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa thường do uống rượu bia quá mức, xơ gan, sử dụng thuốc giảm đau nhiều. Trong đó, tỷ lệ người trẻ bị xơ gan do uống rượu bia lâu năm, dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa cấp chiếm đến 50%.
BS Trần Ngọc Lưu Phương, Khoa Tiêu hóa - Gan - Mật BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết, thời gian gần đây, bệnh nhân mắc xuất huyết tiêu hóa gồm cả xuất huyết trên và dưới đang tăng. Hiện tại, mỗi tuần chỉ riêng khoa này có đến 30-40 ca mắc xuất huyết tiêu hóa nặng phải nhập viện điều trị. Một nửa phải truyền máu, trung bình hai đơn vị một ngày, khiến lượng máu truyền tại đây luôn thiếu.
|
Người dân TP.HCM hiến máu tình nguyện tại Nhà Văn hóa phường 1 (Q.10, TP.HCM) |
Theo BS Phương, với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nặng, chảy máu cấp, chảy máu khó cầm, rơi vào tình trạng sốc mất máu, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được truyền máu kịp thời. Thậm chí, đã có trường hợp bệnh nhân mất máu quá nhiều, tử vong trên đường tới BV.
Trong khi đó, ngày 11/12, tiến sĩ - BS Lê Hoàng Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy khu vực phía Nam, cho biết: “Sau đợt sốt xuất huyết vừa qua, nguồn máu dự trữ tại trung tâm còn rất ít. Nếu như trước kia trung tâm chỉ cử một, hai đoàn BS đi nhận máu hiến, thì hiện tại mỗi ngày phải có ba đoàn BS nhận máu hiến tại thành phố và các tỉnh Đông Nam bộ nhưng chỉ để sử dụng tạm thời chứ không đủ lưu trữ để sử dụng lâu dài được.
Chưa tính đến máu trữ cho dịp tết sắp tới, máu cần để cấp cứu. Nếu trong giai đoạn này xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết… xuất hiện thì sẽ rất khó khăn”.
Theo BS Oanh, kho máu tại trung tâm chỉ còn trên dưới 1.000 đơn vị máu dự trữ, các khoa lâm sàng cũng đang rất căng trong việc truyền máu cho bệnh nhân. Cụ thể, mỗi ngày BV Chợ Rẫy phải lưu trữ, phục vụ trung bình 400 đơn vị máu cho bệnh nhân đang điều trị tại đây. Mỗi tuần, cung cấp hơn 1.500 đơn vị máu cho các BV ở 5 tỉnh Đông Nam bộ, hỗ trợ những BV trong TP.HCM.
Tuy các đoàn BS được tăng cường, sẵn sàng đến địa bàn tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhận máu hiến, đi vận động nhiều trường đại học, công ty, cơ quan, xí nghiệp… trung tâm cũng chỉ có khoảng 400-700 đơn vị máu khiến kho dự trữ ngày càng cạn dần. Vì vậy, ngoài hỗ trợ máu, BS Oanh cũng yêu cầu BV ở các tỉnh thành phải tích cực vận động người dân hiến máu để có thể chủ động nguồn máu những khi cần thiết.
Người dân tuổi từ 18-55 tham gia hiến máu mỗi năm một lần, bệnh nhân cả nước sẽ có đủ máu điều trị, trung tâm cũng có nguồn máu lưu trữ ổn định hơn, kịp thời có máu cho các trường hợp cấp cứu.
|
Người dân TP.HCM hiến máu tình nguyện tại Nhà Văn hóa Phường 1 (Q.10, TP. HCM) |
“Nếu như mọi năm kho lưu trữ máu chỉ thiếu một, hai nhóm máu, thì hiện tại tất cả các nhóm máu đều gần như ở mức báo động. Sau đợt tăng cường kêu gọi sinh viên ở các trường đại học hiến máu vừa qua, kho máu của trung tâm chỉ mới tạm ổn cho những ngày sắp tới.
Chúng tôi cũng thông báo tình trạng thiếu máu tại trung tâm đến các BV tại TP.HCM và ở các tỉnh miền Đông Nam bộ để hạn chế tối đa lượng máu sử dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, những trường hợp cấp bách, trung tâm vẫn sẽ hỗ trợ các BV”, BS Oanh nói thêm.
Đồng Nai: Khan hiếm máu dự trữ trầm trọng Trước đây, mỗi tuần, BV Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai chỉ cho xe lên Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy khu vực phía Nam lấy máu một lần. “Nhưng hiện nay, họ cung cấp cho chúng tôi rất nhỏ giọt. Ngày nào, chúng tôi cũng phải điều xe lên “chờ” lấy máu nhưng vẫn không đủ số lượng mong muốn. Phía trung tâm cho hay, nguồn vào đang rất khan hiếm”, BS Hồ Thị Phương Anh, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, BV Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, cho hay. Tương tự, từ tháng Tám đến nay, BV Đa khoa Đồng Nai rơi vào tình trạng khan hiếm máu dự trữ trong ngân hàng máu. BV cũng lấy máu từ trung tâm nói trên, sau đó phân phối lại cho nhiều BV khác. BS Lê Văn Thống Nhất, Trưởng khoa Huyết học của BV, cho hay, BV thường dự trù các nhóm máu chính nhưng hiện nay tất cả các nhóm máu này đều thiếu. “BV không thể để nguồn máu dự trữ về 0 nhưng lượng máu dự trù chỉ còn 1/5 so với trước đây. BV đang ở mức “báo động đỏ” về thiếu máu”, BS Thống Nhất chia sẻ. BS Thống Nhất cho biết, BV đang phải sử dụng tiết kiệm máu truyền. BS phải cân nhắc việc truyền máu, theo dõi bệnh sát sao hơn trước. Trong trường hợp nguồn máu không đủ, BV phải huy động ngân hàng máu sống từ nhân viên BV, thân nhân bệnh nhân. |
Bệnh xuất huyết dạ dày ngày càng trẻ hóa Điều đáng chú ý, các ca xuất huyết dạ dày ở người trẻ ngày càng cao, nhiều ca suýt tử vong. Dù mới 29 tuổi, nhưng mới đây, N.T.V. (ngụ tại TP.Biên Hòa) đã phải nhập BV Đa khoa Đồng Nai khi ói ra máu đỏ tươi và phải truyền máu cấp, nội soi dạ dày tìm vết thủng trên nền xơ gan. Tuy nhiên, bệnh nhân la hét, không hợp tác với BS để làm nội soi dạ dày khiến tình trạng chảy máu ngày càng nghiêm trọng. BS phải đưa bệnh nhân lên phòng mổ đặt nội khí quản, nội soi dạ dày và phải kẹp đến 7 clip (người bình thường chỉ kẹp 2 clip). “Đa phần bệnh nhân bị bệnh này đều có “thâm niên” uống rượu hoặc stress, hút thuốc lá và thức đêm”, BS Hồ Chí Chung nói. |
Gia Huy - Phạm An