Xuất hiện nhiều cuộc gọi giả mạo yêu cầu F0 đi cách ly

03/04/2022 - 07:14

PNO - Giai đoạn hiện tại, đa số F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên vẫn có những cuộc gọi giả danh yêu cầu người bệnh đi cách ly.

Dù tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM dần được kiểm soát, số lượng bệnh nhân ngày càng giảm. Đa số F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được ngành y tế khuyến khích cách ly, điều trị tại nhà nhưng vẫn bị các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự nhận là nhân viên y tế, yêu cầu người bệnh cung cấp thông tin vì “bệnh của ông/bà rơi vào nguy hiểm, phải đi điều trị”.

Mắc COVID-19 và khai báo y tế trực tuyến được vài ngày, anh T.T.T. (32 tuổi, ở Q.3) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 098xxxxx87, giọng nam giới thiệu là nhân viên của Trung tâm y tế quận 3 yêu cầu anh cung cấp thông tin gồm họ tên, số căn cước công dân... để đưa đi cách ly vì tình trạng bệnh của anh đang diễn tiến nặng. Tuy nhiên, anh T. không đồng ý.

Người bệnh có thể gọi tổng đài 1022, nhấn phím 5 để được bác sĩ tư vấn khám bệnh
Người bệnh có thể gọi tổng đài 1022, nhấn phím 5 để được bác sĩ tư vấn khám bệnh

“Trước đó một ngày, nhân viên Trạm Y tế địa phương đã liên hệ và nói tôi được cách ly, theo dõi bệnh tại nhà, nếu cảm thấy khó thở, mệt mỏi hay gặp các vấn đề sức khỏe khác, tôi chỉ cần gọi theo số điện thoại được cung cấp, bác sĩ sẽ đến nhà thăm khám trực tiếp cho tôi. Do đó tôi nghĩ ngay đến việc số điện thoại vừa gọi có vấn đề”, anh T. nói.

Theo anh T., sau khi anh liên tục hỏi lại họ tên, chức vụ, đơn vị làm việc của người ở đầu dây bên kia, người gọi cho anh liền cúp máy. 

Còn với gia đình anh N.V.L. (46 tuổi, ở Bình Chánh) do người lạ gọi vào số điện thoại của mẹ anh (hơn 70 tuổi) nên bà đã cung cấp thông tin bao gồm số nhà, họ tên, số điện thoại của anh, vợ anh, còn nơi vợ chồng anh làm việc và căn cước công dân của vợ chồng anh thì bà không biết nên chưa cung cấp cho “nhân viên y tế” được. 

Ngay sau khi nghe mẹ kể, anh L. lập tức gọi lại số điện thoại 0923xxxxxx nhưng thuê bao khóa một chiều. Mẹ của anh cũng không biết tên người gọi, chỉ nhớ được giới thiệu là nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM hỏi để đưa gia đình đi cách ly, điều trị COVID-19. Tuy nhiên, gia đình của anh L. là “cựu F0” từ tháng 1/2022, hiện tại không ai mắc bệnh. 

Anh L. nói: “Tôi không biết mục đích của người gọi là gì, và từ khi mẹ tôi nhận cuộc gọi đến nay đã gần 2 tuần nhưng nhà tôi chưa xảy ra sự cố hay thiệt hại gì nên tôi không báo chính quyền địa phương”.

Người dân nên lưu số điện thoại của các Trung tâm y tế tại địa phương
Người dân nên lưu số điện thoại của các Trung tâm y tế địa phương để tiện liên hệ hoặc xác minh số điện thoại

Về vấn đề này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết thời gian qua trung tâm cũng nhận được phản ánh của người dân về việc có người giả mạo nhân viên của trung tâm, yêu cầu người dân cung cấp thông tin để được đưa đi cách ly, điều trị COVID-19. Thậm chí có số điện thoại còn tự khẳng định người được gọi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính và phải đi cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Đại diện trung tâm khẳng định những số điện thoại này đều giả mạo.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM - khẳng định: "Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM không trực tiếp gọi điện thoại cho người bệnh để xác minh, yêu cầu cung cấp thông tin hay đến nhà đưa đi cách ly. Vì vậy, người dân hãy nâng cao cảnh giác trước những cuộc gọi này để tránh bị lợi dụng vào mục đích xấu”.

Hiện tại, một người khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, sẽ tự xét nghiệm nhanh tại nhà bằng KIT test. Nếu có kết quả dương tính (2 vạch), người bệnh có thể khai báo xác nhận là F0 trực tuyến. Sau khi khai báo thành công, F0 sẽ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nơi lưu trú. 

Ngoài ra, người dân có thể gọi y tế địa phương theo số điện thoại được cung cấp hoặc đường dây nóng để được hướng dẫn thêm khi cần thiết. 

Khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn có nội dung liên quan đến cán bộ y tế ở các đơn vị, cơ sở y tế... người dân yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân; hay có người đến tận nhà tự xưng nhân viên y tế, tình nguyện viên hỗ trợ phòng chống dịch, người dân xác minh, kiểm chứng bằng cách liên lạc ngay với trạm y tế, trung tâm y tế, tổ trưởng... chính quyền địa phương tránh bị lừa đảo. Quan trọng, hãy theo dõi thông tin chính thức từ ngành y tế để nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI