Xuất hiện một vết loét nhỏ, cụ bà 81 tuổi rơi vào mê sảng, suy tim

22/06/2021 - 11:29

PNO - Khi vào bệnh viện, cụ bà 81 tuổi sốt cao, mê sảng, suy tim... bác sĩ phát hiện ở bẹn của bệnh nhân có 1 vết loét đã hoại tử.

 

Cụ bà nguy kịch chỉ vì 1 vết loét nhỏ ở bẹn
Cụ bà nguy kịch chỉ vì một vết loét nhỏ ở bẹn

Ngày 22/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết đã điều trị bệnh nhân T.T.N. (81 tuổi, trú tại Chí Tiên - Thanh Ba, Phú Thọ) khỏi bệnh sốt mò.

Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, mê sảng, khó thở, suy giảm chức năng gan, thận, suy tim, thể trạng gầy yếu, suy kiệt.

Khai thác bệnh sử được biết, trước khi nhập viện 8 ngày, sau khi đi làm về người bệnh thấy sốt cao liên tục, nhiệt độ thường xuyên 38,5-40 độ C, sưng hạch bẹn trái và đã tự điều trị tại nhà 3 ngày nhưng không đỡ. Tình trạng của bệnh nhân ngày càng diễn biến phức tạp.

Người bệnh được gia đình đưa đi khám và điều trị tại Trung tâm y tế và được chẩn đoán sốt cao chưa rõ nguyên nhân, nghi do viêm phổi. Tuy nhiên, sau thời gian 5 ngày điều trị, người bệnh vẫn sốt cao liên tục, khó thở ngày càng tăng, li bì, mê sảng, suy giảm chức năng gan, thận nên đã được chuyển tới bệnh viện.

Tại Đơn vị Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), bệnh nhân được chỉ định khám xét toàn diện, phát hiện có vết loét hoại tử vùng bẹn trái. Tổn thương ở vị trí rất kín đáo và khó phát hiện. Sau khi làm ngay các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bà N. bị mắc bệnh sốt mò.

Sau 9 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã hết sốt, các chức năng của cơ thể hồi phục hoàn toàn và có thể ra viện.

Vết loét nhỏ ở bẹn do bị mò đốt
Vết loét nhỏ ở bẹn do bị mò đốt khiến bệnh nhân mê sảng, suy tim...

Th.Bs. Bùi Mạnh Cường - Trưởng Đơn vị Hồi sức cấp cứu cho biết: “Sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Rickettsia orientalis (Orientia tsutsugamushi) gây nên, bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu. Đặc biệt, bệnh sốt mò có biểu hiện đa dạng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, hiện không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán”.

Sốt mò có những triệu chứng điển hình như sốt, đau đầu, đau mỏi khắp người, có vết loét ngoài da do mò đốt, phát ban, sưng các hạch, tổn thương đa cơ quan - đặc biệt là phổi, tim, gan, thận…

Để phòng bệnh sốt mò, người dân cần tránh không để ấu trùng mò đốt khi đi làm vườn, vào nương rẫy, đồi núi bằng cách mặc quần áo kín, tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt đồ dùng trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây... Đặc biệt, ở nơi sinh sống nên thường xuyên diệt chuột, sử dụng hóa chất diệt côn trùng để phòng bệnh.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI