Xuất hiện loài muỗi đột biến gen kháng thuốc

10/10/2024 - 06:22

PNO - Nhóm nghiên cứu từ Scotland cảnh báo, xuất hiện loài muỗi đột biến gen kháng thuốc trừ sâu, làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến chống sốt rét.

Các nhà khoa học Tanzania cảnh báo, muỗi Anopheles Funestus đột biến đã phát triển khả năng chống chịu thuốc trừ sâu — Ảnh: AP
Các nhà khoa học Tanzania cảnh báo, muỗi Anopheles Funestus đột biến đã phát triển khả năng chống chịu thuốc trừ sâu — Ảnh: AP

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Glasgow ở Scotland và Viện Y tế Ifakara tại Cộng hòa Tanzania ở Đông Phi cảnh báo, họ có bằng chứng cho thấy muỗi Anopheles Funestus đột biến gen có khả năng chống chịu thuốc trừ sâu, báo hiệu thách thức và nguy hiểm mới trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét ở “lục địa đen”, theo báo Daily Mail đưa tin ngày 8/10.

Tiến sĩ Joel Odero - nghiên cứu sinh tại Đại học Glasgow, và là tác giả chính của nghiên cứu - cho biết muỗi thuộc loài anopheles funestus là tác nhân chính gây bệnh sốt rét ở miền Đông và miền Nam châu Phi.

Màn chống muỗi và hóa chất chống côn trùng là 2 biện pháp chính để người dân địa phương kiểm soát quần thể muỗi và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật, tránh được 633 triệu ca sốt rét mỗi năm.

Ông Odero chia sẻ, gần đây, khi các đồng nghiệp của ông lấy mẫu muỗi từ 10 khu vực trên khắp Tanzania, họ nhận ra rằng một số quần thể đã phát triển khả năng kháng thuốc trừ sâu DDT đáng lo ngại, nhờ đột biến gen có tên “L976F”.

Cụ thể, mẫu muỗi được thu thập từ vùng Morogoro ở phía đông Tanzania chỉ chết 68% sau khi tiếp xúc với thuốc DDT, so với gần 100% ở các loài muỗi khác.

Bằng cách giải trình tự gen của các mẫu muỗi trong khu vực Morogoro, nhóm nghiên cứu của ông Odero phát hiện ra rằng 90% muỗi ở vùng này đã phát triển gen kháng thuốc, tại một thời điểm nào đó trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2023. Đây là lần đầu tiên muỗi Anopheles Funestus tự phát triển khả năng kháng thuốc đối với phương pháp kiểm soát bằng hóa chất.

Ông Odero cho biết: “Phát hiện của chúng tôi làm dấy lên mối lo ngại về hiệu quả của các phương pháp kiểm soát bệnh sốt rét hiện nay, vốn chủ yếu dựa vào thuốc trừ sâu. Việc chúng ta hiểu được cơ chế để muỗi có khả năng kháng thuốc trừ sâu là chìa khóa để chống lại bệnh sốt rét, căn bệnh giết chết khoảng 600.000 người mỗi năm, chủ yếu ở Châu Phi”.

Tiến sĩ Odero nhận định: “Sự xuất hiện của các muỗi đột biến kháng thuốc mới có thể đảo ngược thành tựu mà chúng ta mất nhiều thập niên mới đạt được, trong việc giảm số ca bị lây và tử vong do sốt rét”.

Trường An (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI