"Đào" thông tin người thân đã mất để... lừa đảo
Anh Thái Thiện Toàn (TP.HCM) cho biết vừa trải qua một trường hợp 'hy hữu' khi bị rơi vào tròng của tổ chức lừa đảo có quy mô quốc tế, thông qua giao dịch bitcoin.
Cụ thể, anh Toàn cho biết ngày 23/7/2018 anh nhận được mail mạo danh từ một ngân hàng ở Chicago, với nội dung xác nhận thân nhân.
Đi kèm email xác nhận là thông báo về việc anh được thừa hưởng mức tài sản mà trước đây cha của anh là ông Thái Thiện Thắng có gửi tại ngân hàng và hiện tại ông Thắng đã qua đời. Mức ký gửi là 1 bitcoin (tương đương tầm 9.000 USD theo giá trị hiện hành) nhưng giá trị 1 bitcoin gửi tại ngân hàng hiện tại đã nâng lên mức 6,2 bitcoin sau khoảng thời gian 4 năm.
Đáng ngạc nhiên là tất cả thông tin phía ngân hàng cung cấp từ tên tuổi, thời gian mất… của người cha quá cố đều hoàn toàn trùng khớp 100%. Điều này vô tình khiến anh Toàn tin tưởng vào chiêu thức lừa đảo và cung cấp những thông tin liên quan một cách tự nguyện.
|
Hình ảnh nhân vật cung cấp phiếu thông báo lãi suất quy đổi sau 4 năm gửi 1 bitcoin. Ảnh: NVCC. |
Sau khi lấy được lòng tin từ phía nạn nhân, nhóm lừa đảo lại tiếp tục yêu cầu anh Toàn cung cấp thông tin CMND, passport và các thông tin khác. Dựa vào CMND, nhóm lừa đảo lại tiếp tục tạo một ví blockchain (ví chứa bitcoin, dùng để chuyển tiền ảo nhanh và không mất phí). Theo đó, password của ví blockchain này cũng được phía lừa đảo cung cấp, dưới tên đăng nhập của anh Thiện Toàn.
“Đến gần cuối tháng 7, bên phía mạo danh ngân hàng nói là sắp hết hạn hợp đồng, để duy trì bitcoin phải làm theo hướng dẫn là chuyển vào tài khoản ví mà phía đơn vị tạo cho tôi 0,5 bitcoin, trị giá khoảng 100 triệu đồng để gia hạn hợp đồng”, anh Toàn chia sẻ.
Do đây là một số tiền lớn, nghi ngờ mình bị lừa, anh Toàn liên hệ với một người bạn tại Singapore có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kinh tế để tham khảo thì người bạn anh cho hay đơn vị này là lừa đảo, gửi tiền vào ví điện tử sẽ "mất trắng".
“Ban đầu tôi cũng tin tưởng một phần vì thông tin về người cha của mình hoàn toàn chính xác nên quyết định làm theo. Không thể tin được là nhóm lừa đảo này có thể tìm hiểu rõ thông tin nhân thân và người ba quá cố để cung cấp rất rành mạch”, anh Toàn nói.
Khôn khéo hơn, kịch bản lừa đảo này được thực hiện trong vài tuần, với những bước tuần tự để lấy lòng tin nạn nhân. Từ email xác nhận thông tin đến các email thông báo nhân thân đều được cung cấp rất rõ ràng. Điều duy nhất khiến anh Toàn nghi ngờ đó là, cách đây 4 năm thời điểm trước khi ba anh mất, công nghệ và bitcoin chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, ba anh lại không rành về công nghệ.
“Bản thân tôi cũng không rành về công nghệ, ngoại ngữ cũng yếu, đồng thời đi làm thường xuyên nên không có thời gian kiểm tra trước thông tin, chỉ nhờ người dịch các email bằng tiếng Anh mà đối tượng lừa đảo gửi qua”, anh Toàn nói thêm.
Biến tướng các chiêu trò lừa đảo
Nói về trường hợp của anh Thái Thiện Toàn, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena cho biết, trước đây, có rất nhiều các chiêu trò lừa đảo quốc tế thông qua hình thức gửi email đến cho người dùng Việt.
Phổ biến nhất là nhóm lừa đảo sẽ gửi email đến nạn nhân và tuyên bố rằng người nhận email là thân nhân của vua ở châu Phi, thân nhân của tỷ phú ở nước ngoài... Đồng thời nói rằng vì tin tưởng người nhận email nên sẽ chuyển cho người này 5, 10 triệu USD dưới dạng "ký gửi" để cho người này đầu tư.
Bên cạnh đó, muốn nhận được khoản tiền đầu tư này thì phải chuyển ngược lại cho bên lừa đảo 5.000, 10.000 USD để tiến hành làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng quốc tế qua Việt Nam. Kết quả là rất nhiều người sụp bẫy lừa đảo.
|
Cách hướng dẫn tạo ID trên ví tiền ảo blockchain mà ông Toàn nhận được. |
“Chuyển 5.000, 10.000 USD và "mất tích" luôn. Đây là cách trước đây tổ chức quốc tế đánh vào tâm lý người Việt Nam được cấp thân với hoàng thân, tỷ phú ở châu Phi và có tiền”, ông Võ Đỗ Thắng cho hay.
Còn riêng trường hợp của anh Thái Thiện Toàn, ông Thắng cho biết, qua công nghệ bitcoin giá đắt, các đối tượng lừa đảo sử dựng chiêu tương tự, nhưng ranh ma hơn là họ sẽ điều tra nhân thân người đã mất trong cùng gia đình dưới hình thức nhận được khoản tiền thừa kế.
“Nhóm lừa đảo sẽ cho biết thân nhân đã mất của người này đã đầu tư bí mật ở bên Mỹ với chi phí là 1 bitcoin, trong khoảng 4 năm trở lại. Sau một thời gian tới thời điểm này, số lượng bitcoin của người thân đã tăng lên 5, hoặc 6, 10 bitcoin. Quy ra tiền thì đã lên đến hàng tỷ đồng”, ông Võ Đỗ Thắng đánh giá.
Cũng theo ông Thắng, sau khi thu thập đủ thông tin, nhóm lừa đảo sẽ tạo ra một kịch bản hoàn chỉnh để dụ dỗ đối tượng vào tròng, hiện tại ông đã ghi nhận và nắm được trường hợp của nạn nhân Thái Thiện Toàn.
“Tinh vi ở chỗ, kẻ lừa đảo lợi dụng thông tin về người thân và thân nhân, rất chặt chẽ theo từng bước khiến người bị lừa rơi vào bẫy dễ dàng,… Chỉ ghi nhận được một trường hợp nhưng tôi nghĩ là còn rất nhiều người đã bị dính bẫy nhưng chưa phát hiện được”, ông Võ Đỗ Thắng cho biết thêm.
Đồng thời, ông Thắng khuyến cáo, khi nhận thông tin dạng này thì phải yêu cầu in sao kê, lịch sử, ngày người thân gửi tiền, chứ không thể thông qua lời nói, thông tin chưa xác thực mà đã vội tin.
“Việc nhận tiền thừa hưởng thì phải tới tòa án, chứng minh nhân thân thì mới có thể nhận được quyền thừa kế. Chứ không có bất kỳ tổ chức nào cũng có quyền nói tới việc thừa kế này”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, chưa kể thừa kế ở các quốc gia khác đều phụ thuộc hoàn toàn vào tòa án, chứ không riêng lẽ thông tin từ một đơn vị ngân hàng, hay tổ chức tài chính nào. Riêng tại Việt Nam, quy định này vẫn còn khá lỏng lẻo nên một số nạn nhân dễ dàng sụp bẫy mà không biết.
Thái Nguyễn