Xuất bản phẩm điện tử: Chỉ mới bắt đầu

07/12/2020 - 06:40

PNO - Câu chuyện xuất bản phẩm điện tử một lần nữa được nhắc tại hội nghị toàn quốc Sơ kết 7 năm thực hiện Luật xuất bản 2012 (vừa diễn ra tại Hà Nội).

Những vướng mắc từ quy định pháp lý cũng như điều kiện, năng lực ứng dụng công nghệ trong xuất bản điện tử, sự cạnh tranh với ebook/audio books vi phạm bản quyền… Tất cả khiến cho bức tranh xuất bản hiện đại tại Việt Nam chưa thể có một diện mạo khả quan. 

Gỡ khó cho các nhà làm sách

Điều 45, chương V, Luật Xuất bản 2012 về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử quy định: “Nhà xuất bản thực hiện xuất bản điện tử khi có đủ các điều kiện: có đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản…”.

Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản tiếp tục nêu điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử (điều 17, chương IV): “Có máy chủ đặt tại Việt Nam, máy tính và các thiết bị khác để phục vụ xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; có đường truyền kết nối internet được đăng ký hợp pháp để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; có giải pháp kỹ thuật để kiểm soát việc xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, bao gồm việc phát hành, loại bỏ hoặc khôi phục để phát hành…”.

Một số đơn vị tư nhân bắt đầu khai thác làm sách kết hợp công nghệ AR  (trong ảnh: buổi nói chuyện chủ đề Thổi hồn cho mảng sách thiếu nhi bằng ứng dụng  công nghệ của công ty cổ phần JoiKid, vào tháng 11/2020) - Ảnh: T.Q.
Một số đơn vị tư nhân bắt đầu khai thác làm sách kết hợp công nghệ AR (trong ảnh: buổi nói chuyện chủ đề Thổi hồn cho mảng sách thiếu nhi bằng ứng dụng công nghệ của công ty cổ phần JoiKid, vào tháng 11/2020) - Ảnh: T.Q.

Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, phân tích: “Có nghĩa là, nhà xuất bản phải tổ chức hoạt động xuất bản và phát hành đi đôi với nhau. Nhưng “xuất bản” và “phát hành” là hai khái niệm khác nhau. Các nhà xuất bản muốn phát hành phải làm thủ tục đăng ký phát hành tại Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông. Phát hành không phải là chức năng mặc nhiên của nhà xuất bản. Việc buộc nhà xuất bản phải có các điều kiện đặc biệt như trên mới được đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử sẽ gây khó cho các nhà xuất bản”. Hai khái niệm “xuất bản điện tử” và “xuất bản phẩm điện tử” cũng được các nhà làm sách cho rằng cần phải làm rõ trong luật.

Trong các cuộc hội thảo/tọa đàm về xuất bản, nhiều ý kiến nhận định rằng việc xuất bản phẩm điện tử có dấu hiệu suy giảm trong những năm qua vì những lý do phổ biến: vấn đề cạnh tranh với sách điện tử vi phạm bản quyền, độc giả chủ yếu có thói quen đọc sách giấy… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Sách điện tử Trẻ (Ybook), rào cản đầu tiên nằm ở vấn đề pháp lý.

“Trong các năm 2012-2013, nhiều nhà xuất bản, công ty tư nhân cùng khai thác sách điện tử. Có thể nói, ebook giai đoạn này phát triển khá nhanh. Nhưng sau Nghị định 195/2013/NĐ-CP với những yêu cầu mới, hầu như hoạt động về xuất bản phẩm điện tử đều bị chậm lại. Mãi đến tháng 7/2020, Nhà xuất bản Trẻ mới chính thức có giấy phép cho xuất bản phẩm điện tử. Hai lý do khác khiến sách điện tử chưa thu hút bạn đọc: thứ nhất, vấn đề công nghệ, các app, định dạng ebook hiện nay vẫn chưa được cải tiến nhiều; thứ hai, tình trạng ebook hiện tại đang phân mảnh, mỗi đơn vị có một app riêng cũng là bất lợi cho độc giả” - ông Nguyễn Thành Nam nói. 

Tính đến đầu tháng 12/2020, có chín đơn vị được cấp phép kinh doanh xuất bản phẩm điện tử. Có thể nói, các nhà làm sách chỉ đang mới ở giai đoạn “được gỡ khó” về mặt giấy phép 
kinh doanh.

Nhiều thách thức 

Theo Quyết định 115/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển xuất bản in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có nêu: “Duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản phẩm điện tử. Số liệu năm 2019: sách giấy đạt khoảng 33.000 bản, sách điện tử khoảng 2.400 bản (chỉ khoảng 7,2% so với chỉ tiêu đề ra). 

Năm 2020, ngành xuất bản chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình kinh doanh sách giấy giảm nhưng với sách điện tử thì ngược lại. Theo chia sẻ của bà Diễm Phương, Trưởng phòng Sachweb, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, độc giả tìm đến các ấn bản điện tử trên trang sachweb.com của đơn vị tăng lên trong hai đợt dịch bệnh vừa qua. Nhất là ở giai đoạn các trường tổ chức học trực tuyến, nhu cầu tra cứu tài liệu của học sinh-sinh viên tăng cao, thể hiện qua các lượt truy cập ấn bản điện tử tại hệ thống thư viện các trường. Đánh giá từ phía Nhà xuất bản Trẻ, mảng sách kỹ năng, kiến thức bản điện tử của đơn vị cũng được bạn đọc yêu chuộng - nhiều hơn cả sách văn học. 

Nhiều nhà làm sách đều cho rằng xuất bản phẩm điện tử là tương lai của ngành xuất bản, không chỉ giới hạn ở ebook, audio books mà còn mở rộng sang các hình thức tương tác ảo (sách kết hợp công nghệ AR), sách in có tích hợp video (quét mã QR code để xem). Một số công ty sách tư nhân, công ty công nghệ đã thử sức với mảng sách kết hợp công nghệ AR, Clipbook, Joicard... Tuy nhiên, nhiều nhà xuất bản vẫn chưa dành mối quan tâm cho thể loại mới mẻ này.

“Chưa nghĩ đến”, “Thị trường của dòng sách tương tác ảo rất nhỏ, chủ yếu ở mảng sách thiếu nhi”, “Chưa đủ điều kiện ứng dụng công nghệ” là bày tỏ của một số nhà làm sách đối với các hình thức khai thác xuất bản phẩm điện tử còn mới mẻ. “Trước mắt chỉ có thể nói là tạm ổn định khi chúng tôi có được giấy phép kinh doanh xuất bản phẩm điện tử. Còn để nói đến “phát triển” phải cần thời gian một, hai năm sau nữa”, bà Diễm Phương thay lời cho tâm tư của nhiều nhà làm sách. 

Xuất bản thế giới đang ở giai đoạn chuyển dịch từ xuất bản điện tử (electronic publishing) sang hình thức xuất bản số (digital publishing). Nhưng xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam, nói như ông Nguyễn Thành Nam thì mọi thứ chỉ như mới bắt đầu. “Chúng ta vẫn cứ nói với nhau về thời đại 4.0, nhưng việc cần thiết nên làm là một cổng thông tin dành riêng để nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử cho đến nay vẫn chưa có. Lâu nay các nhà làm sách vẫn phải nộp theo hình thức lưu file vào đĩa CD, điều này rất dễ phát sinh tình trạng sao chép, ăn cắp bản quyền” - một nhà làm sách cho biết. Nếu vậy thì làm sao có thể bàn được gì đến những bước như “sử dụng AI trong công tác hậu kiểm”…

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI