PNO - Sau 10 ngày, hôm nay (20/1), Hội LHPN TP.HCM kết thúc chương trình “Xuân yêu thương - Ấm áp nghĩa tình”, trao tổng cộng trên 20.100 suất quà tết với tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội của TP.HCM còn có nhiều hoạt động phong phú, nhằm chăm lo cho phụ nữ (PN), trẻ em nghèo.
Phụ nữ nghèo Q.Bình Thạnh và Q.Phú Nhuận nhận quà tết từ Hội LHPN TP.HCM
MANG QUÀ TẾT ĐẾN VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC
Ngày 15/1, vượt hơn 170km, đoàn công tác gồm đại diện Hội LHPN TP.HCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - thường trực phía Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã trao 200 suất quà cho trẻ em và PN có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Khi đoàn đến hội trường thôn 3, xã Tân Đức, hàng trăm người đã có mặt. Cụ bà Nguyễn Thị Hời, 82 tuổi, không có con cháu, hơn 10 năm nay, sau ngày chồng qua đời, sống nhờ khoản trợ cấp xã hội dành cho người già. Ở một góc khuất khác là chị Huỳnh Thị Nhỏ, 54 tuổi, người dân tộc Châu Ro, người gầy gò, khuôn mặt đem sạm, khắc khổ. Chị có ba đứa con đều chỉ học hết lớp 3, lớp 4 đã phải nghỉ học đi làm thuê; bản thân chị dù sức khỏe kém, vẫn phải ngày ngày lên núi chặt cây buông (cây họ cọ, dùng làm nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, vật dụng gia đình). “Mấy hôm nay, trời lúc nắng lúc mưa, không đi làm được” - giọng chị rầu rầu. Đại diện chính quyền địa phương thông tin, trong thôn có hơn 200 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Châu Ro; dù xã đang xây dựng nông thôn mới, nhưng đời sống của đa số người dân vẫn còn cơ cực, thu nhập bấp bênh.
Rời Tân Đức, đoàn công tác đến thôn Suối Máu (xã Tân Hà). Hội trường thôn nằm lọt thỏm trong khuôn viên ngập cỏ. Ông Nguyễn Lý Hồng Đăng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Hà cho biết, Suối Máu là một trong những thôn khó khăn nhất của xã, nơi có gần 100% người dân tộc Raglai sinh sống trên đất đồi núi khô cằn.
Là một trong 100 chủ hộ được nhận quà (gồm 100.000đ tiền mặt và các loại thực phẩm trị giá 400.000đ), chị Nguyễn Thị Rỗ, 29 tuổi, mừng rơi nước mắt. Một tay ôm con gái ba tuổi, một tay xoa cái bụng bầu đã hơn 32 tuần tuổi, chị xúc động khi chúng tôi đề cập đến việc chuẩn bị đón năm mới: “Em và chồng đều làm thuê, đất đai không có. Mấy năm nay, em chỉ ở nhà chăm con. Gạo mắm còn phải lo từng bữa, nói gì đến mua sữa hay sắm tết”.
PHIÊN CHỢ TÌNH THƯƠNG
Sáng 14/1, từ Q.6, bà Tô Ngọc Huệ (SN 1950) và bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1957) đã rủ nhau đạp xe qua Q.5 mua quần áo. Tại gian hàng nhỏ của "Phiên chợ tình thương" trên đường Trần Hòa, P.10, Q.5, TP.HCM, hai PN này lựa chọn, mua gần 30 bộ quần áo, váy. Bà Huệ cho biết: “Tụi tôi đi bán vé số ngang qua đây thấy phiên chợ này hay quá. Đồ còn mới, đẹp mà giá có 2.000-5.000đ/cái thôi. Tụi tôi mua nhiều là để về chia cho tụi nhỏ xóm trọ mặc tết, mấy đứa từ quê lên đi bán vé số, đâu dám mua sắm gì”.
Với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn của chị em hội viên, PN, người lao động, Hội LHPN và Đoàn thanh niên P.10, Q.5 đã mở "Phiên chợ tình thương" này từ ngày 5/1, kéo dài đến hết ngày 22/1. Trước đó, hai đơn vị này đã vận động người dân ủng hộ đồ dùng gia đình, giày dép, quần áo đã qua sử dụng nhưng còn mới, sạch sẽ… để bán với giá rẻ nhằm gây quỹ chăm lo tết Đinh Dậu cho PN, đoàn viên thanh niên. Thấy hoạt động này nhân văn, không chỉ người dân địa phương mà các hộ gia đình từ quận khác cũng mang đồ đến góp. Ngoài quần áo, chợ còn có mũ, giày dép, vật dụng làm bếp.
Sau một ngày đứng bán, buổi tối, chị em cán bộ Hội, Đoàn lại phân loại trang phục mới, lựa chọn áo ấm tặng ngay cho PN nghèo. Chị Nguyễn Ngọc Uyên Phượng (SN 1993), thành viên Câu lạc bộ Nữ thanh P.10 chia sẻ: “Từ hôm mở cửa tới giờ, tụi tôi bán được hơn 3 triệu đồng, tặng 50 cái mũ và hơn 100 phiếu quà (áo ấm) rồi. Đứng bán liên tục từ sáng đến tối, nhưng tôi không thấy mệt bởi nhiều cô, chú cho quần áo còn rất mới, một số khác thì cẩn thận giặt giũ trang phục thật sạch rồi mới mang tới ủng hộ phiên chợ. Chính tình nghĩa này là động lực để ban tổ chức phiên chợ cố gắng nhiều hơn, mong góp phần mang lại một cái tết ấm áp cho PN, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn”.
Ngày 13/1, Hội LHPN Q.9 làm lễ bàn giao mái ấm tình thương (tổng kinh phí xây dựng 70 triệu đồng) cho vợ chồng chị Lê Thị Hồng Châu (SN 1973) và anh Nguyễn Văn Vân (SN 1969), ngụ tổ 5, KP.6, P.Phước Long A, Q.9. Giữa tiệc vui, chị Châu bật khóc. Mấy chục năm nay, căn nhà của vợ chồng chị chỉ có mái tôn, còn hai vách là “ké” tường hàng xóm. Năm 2013, anh Vân bị thoái hóa cột sống, không thể làm việc nặng. Chị Châu là công nhân, nhưng lại đau khớp gối, đi cà nhắc. Trước tình cảnh đó, con trai đầu của anh chị là Nguyễn Duy Khang phải bỏ học, kiếm việc làm phụ giúp cha mẹ, nuôi hai em. Mấy năm nay, cột nhà mục, tôn rách, nền lún, cứ mưa xuống lại ngập. Anh Vân kể: “Mấy tháng qua, ngày nào cũng phải tát nước như tát ao vậy. Bữa nghe tin Hội quyết định xây mái ấm cho cả nhà, chúng tôi vui mà nước mắt chảy hoài”.
Tại P.Phước Long B, khi đoàn cán bộ Hội LHPN Q.9 ghé khu trọ thăm, tặng quà tết, chị Trần Thị Trang (SN 1987) run run: “Mới đến đây thuê trọ chưa tròn năm, tôi rất bất ngờ vì được Hội quan tâm, hỗ trợ nhiều thứ”. Chị Trang là PN khuyết tật (mất hai cánh tay), một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ. Một giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Hát, Q.9 đã tặng chị xe nước mía làm phương tiện mưu sinh. Về phía Hội, chị Trần Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN P.Phước Long B cho biết: “Quà tết này chỉ là bước chăm lo khởi đầu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các gói hỗ trợ mẹ con chị Trang như học bổng, vốn làm ăn”.
Ngày 20/1, chương trình “Xuân yêu thương - Ấm áp nghĩa tình” khép lại, nhưng nhiều quận huyện Hội lại tất bật với các hoạt động như nấu bánh chưng, bánh tét tặng bộ đội, tổ chức các hội thi dành cho nữ công nhân xa nhà… Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, cho biết, tết Đinh Dậu năm 2017, Hội LHPN TP.HCM đã phối hợp cùng các đơn vị chăm lo tết cho nhiều đối tượng PN: cán bộ, hội viên, PN dân tộc, PN có đạo, nữ công nhân, PN có chồng/con đang thực hiện nghĩa vụ tại các vùng biên giới, hải đảo, PN khiếm thị… Khi tận tay trao những món quà tết, mới thấy nhiều nơi, PN và trẻ em vẫn còn cơ cực và việc hỗ trợ, chăm lo này thật ý nghĩa. Qua đây, chúng tôi xin được tri ân những đơn vị, cá nhân hảo tâm đã đồng hành cùng Hội LHPN các cấp trong chương trình “Xuân yêu thương - Ấm áp nghĩa tình” để nhà nhà, người người đều có cái tết ấm áp, vui tươi”.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.