Xuân xưa còn mãi

17/01/2025 - 06:17

PNO - Khi cuốn lịch trên tường mỏng dần, đĩa nhạc Giáng sinh được cất cẩn thận vào ngăn tủ để dành cho mùa sau, thay bằng những khúc xuân ca vang vọng khắp hang cùng ngõ hẻm, đấy là lúc mùa xuân đã về.

Ngày ấy, gia đình tôi sống trong một xóm lao động (thuộc phường 13, quận Tân Bình, TPHCM). Mỗi năm, cứ đến khoảng tháng Chạp là người trong xóm đã râm ran chuyện mua sắm tết. Gọi là mua sắm cho oai chứ thật ra cũng chỉ là chuyện sắm cho con quần áo mới, chuẩn bị một ít đồ cúng ông bà và thực phẩm cho 3 ngày tết.

Hồi còn nhỏ, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng 20 tháng Chạp, sáng cuối năm trời lành lạnh, mẹ mặc thêm áo ấm cho tôi rồi dẫn đi chợ tết. Từ nhà tôi đến chợ Tân Việt phải luồn lách vào những con hẻm đường đất um tùm cỏ dại. Chợ chỉ vài chục sạp, bán chủ yếu là lương thực, thực phẩm - gạo nước, mắm muối, đồ ăn sáng và một số đồ gia dụng thiết yếu như giày dép, quần áo…

Chợ nhỏ, gặp gỡ nhau hằng ngày nên người bán và người mua đều quen biết, thân thiện nhau. Bao giờ cũng vậy, mẹ luôn trừ hao, nên quần áo mua cho anh em tôi luôn dài, rộng hơn, còn dép thì thừa ra một khúc. Mẹ bảo: “Trẻ con lớn nhanh, mua rộng vầy, mặc đến cuối năm thì vừa”. Đôi dép mới mẹ mua cho, tôi mang về cất cẩn thận dưới gầm tủ, mỗi ngày đi tắm tôi đều mang ra ngắm nghía, chà rửa, dù nó chẳng có chút bụi nào. Từ lúc đó cho đến tết, hầu như ngày nào tôi cũng leo lên đếm từng tờ lịch trên tường, mong cho nó mau hết để đến tết, được diện đồ mới, mang dép mới.

Khi anh em tôi đã lớn, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 28 tết, nhà tôi cũng nấu bánh chưng. Buổi sáng, tôi được giao nhiệm vụ ra bến xe Đắc Lộ mua lá dong và lạt. Đến ngày gói bánh, mẹ vo nếp, đãi đậu, rửa lá dong, còn ba ngồi gói bánh đến trưa thì xong, xếp vào góc nhà, đợi chiều tối bắt đầu công đoạn nấu bánh.

Thức đêm canh nấu bánh chưng rất vui, vì trong xóm nhiều nhà cũng nấu. Đầu trên xóm dưới, cứ cách vài nhà lại có một nồi bánh đỏ lửa. Đám thanh niên vừa canh bánh chưng vừa ăn uống, nhậu nhẹt, đàn hát, chuyện trò rôm rả suốt từ đêm đến sáng.

Tối 30, khi những hồi chuông kết thúc đêm thánh lễ cuối năm của nhà thờ Tân Thành là bắt đầu giờ phút giao thừa. Nhà nào cũng mang mâm cỗ ra sân cúng rước ông bà. Khắp xóm đì đùng tiếng pháo nổ, nhà khá giả thì đốt cả thước pháo, nhà nghèo cũng 1-2 phong pháo đốt cho vui và xua đuổi cái xui rủi của năm cũ, đón may mắn của năm mới. Xác pháo đỏ hồng rải đầy khắp đường, khắp xóm. Mùi khói pháo quyện với mùi nhang trầm tạo thành một không khí rất riêng, khó quên của hương vị tết ngày xưa.

Suốt 3 ngày tết, mọi người cứ lần lượt đến nhà này nhà kia chúc tết và lì xì cho đám con nít. Đám trẻ con chúng tôi, sau khi trong túi rủng rẻng tiền lì xì là rủ nhau đi xem phim ở rạp Đại Lợi trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai). Còn buổi tối, năm nào cũng có chương trình đại nhạc hội do ông bầu có cái tên nửa Tàu nửa Việt - Ali Wong Hoàng Biếu tổ chức, về trình diễn ở khoảng đất trống, đối diện trường Đắc Lộ (gần ngã tư Bảy Hiền, sau làm bến xe lam).

Sân khấu chỉ là mấy tấm gỗ lắp ghép đơn giản, che chắn bằng mấy tấm vải bạt, người xem xúm đen xúm đỏ xung quanh. Ai không mua được vé, đứng ngoài nghe cũng rõ, chỉ là không thấy mặt nghệ sĩ. Hồi đó nhà cửa thưa thớt, buổi tối vắng vẻ, cách cả cây số cũng vẫn nghe được tiếng ca sĩ hát vọng ra.

Nghe nhạc chán, đám nhóc tụi tôi lại chạy ngược về hướng Bà Quẹo xem hát bội. Người ta bán vé trước lúc diễn, còn diễn được một lúc thì họ “xả dàn”, ai vào xem cũng được. Đoạn nào nghệ sĩ diễn xuất mùi mẫn, cảm động, khán giả lại ném tiền lên sân khấu tặng thưởng. Hình ảnh những đồng bạc cắc rơi rào rào trên sân khấu nghèo vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi đến tận bây giờ, như mới hôm qua…

Thời gian qua mau quá! Bây giờ ba tôi đã già rồi, không còn gói được bánh chưng. Anh em tôi người nào cũng có gia đình riêng, mỗi đứa một nơi. Gần tết, khi mọi công việc đã xong, tranh thủ thời gian rảnh, tôi chở vợ con lang thang trên những con đường quen thuộc ngày xưa, dạo quanh các chợ hoa kiểng bày bán trên vỉa hè, lề đường, ngắm cảnh phố phường chộn rộn đón tết. Tôi vẫn thèm cái cảm giác được mẹ dẫn đi chợ mua sắm quần áo mới, được thức đêm canh nồi bánh chưng.

Vẫn biết “không ai tắm 2 lần trên cùng một dòng sông”, nhưng mỗi năm, khi cái nắng hanh hao vàng, cái rét cuối đông se se lạnh ùa vào thành phố, tôi lại nhớ những ngày tết xưa, ngày có đông đủ người thân, ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè, làng xóm tụ họp, quây quần. Nỗi nhớ bùi ngùi, bâng khuâng, nhưng cũng lắm khi quay quắt đến nao lòng.

Phạm Xuân Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI