Vào xưởng đúc đồng mùa cao điểm
Vùng đất Sài Gòn từng có 3 làng nghề làm đồng nổi tiếng, nhưng vì nhiều lý do - trong đó có làn sóng đô thị hóa - 2 làng nghề đúc đồng Hòa Hưng (quận 10) và Tân Hòa Đông (quận 6) nay đã là dĩ vãng. Giờ chỉ còn lại duy nhất làng nghề đúc lư đồng An Hội nhưng quy mô cũng ngày một nhỏ dần.
Từ trục đường Quang Trung sầm uất nhất quận Gò Vấp quẹo vào một nhánh nhỏ là đến đường Nguyễn Duy Cung - nơi có làng nghề đúc đồng An Hội một thời vang bóng. 2 bên đường là các cửa hàng lớn trưng bày lư đồng của các nghệ nhân như Năm Toàn, Ba Cồ… Rẽ theo nhiều nhánh nhỏ khác là các tiệm lư đồng của nghệ nhân Quốc Kiển, Sáu Bảnh. Những nghệ nhân này có quan hệ anh em, họ hàng gần xa với nhau. Phía sau những gian hàng sáng loáng, vàng ánh này là một bảo tàng nghề quý giá mà thành phố hiện đại nhất nước may mắn gìn giữ được.
Tôi thật sự xúc động khi bước vào xưởng đúc đồng của nghệ nhân Năm Toàn. Một thế giới nhuốm màu thời gian. Mọi thứ được bố trí như hàng chục năm qua, mặc sự đổi dời của quá trình đô thị hóa như vũ bão. Các dãy lư đồng được chất cao chờ bàn tay tài hoa của nghệ nhân chạm trổ. Không khí hối hả của mùa cao điểm tết lan tỏa khắp xưởng đúc với tiếng đục, mài, giũa liên hồi.
|
Các nghệ nhân làng An Hội luôn xem việc cố gắng giữ nét xưa là niềm tự hào của mình |
Vào sâu phía trong là không gian xám màu đất sét của nơi chế tác khuôn mẫu. Nơi đây yên ắng hơn. Trên dãy kệ là hàng trăm khuôn đất sét đã được tạo tác, đang được phơi khô. Tạo khuôn đất sét là công việc thường dành cho các cô, các chị trong làng, còn việc làm khuôn sáp để tạo hoa văn cho lư đồng lại do cánh đàn ông phụ trách. Họ được ngồi ở nơi sáng và thoáng nhất xưởng để thoải mái sáng tạo.
Theo ông Năm Toàn, phần làm vỏ khuôn vẫn được làm theo cách truyền thống, được truyền lại từ hơn trăm năm trước, gồm khuôn ruột 2 lớp rồi đến lớp khuôn sáp, sau đó bọc lại bằng khuôn vỏ 2 lớp ngoài cùng.
Giữ nếp xưa trong sự thăng trầm
Mặc cho sự cạnh tranh từ các xưởng lư đồng công nghiệp, làng nghề An Hội vẫn giữ lại cách thức làm nghề thủ công truyền thống. Sau phần tạo khuôn đúc là đến khâu đổ đồng. Hầu hết như các lò vẫn giữ nếp xưa là đổ đồng vào lúc giữa đêm như một nghi thức thiêng liêng, quan trọng. Mỗi tháng, lò đồng chỉ nóng chảy từ 1-2 đêm tùy theo mùa. Mỗi đêm, các nghệ nhân sẽ hoàn thành khoảng 100 bộ lư. Sau đổ đồng là đến khâu chạm trổ của các nghệ nhân lâu năm. Có vài thay đổi nhưng về cơ bản, hình dáng và hoa văn của chiếc lư đồng An Hội vẫn tuân theo các chuẩn mỹ thuật xưa.
Theo nghệ nhân Quốc Kiển, cách thức vận hành lò gần giống như thời xưa. Mỗi người trong lò chỉ đảm trách một khâu chuyên môn và tập trung hết sức vào đó. Người ở phần làm khuôn đất, khuôn sáp ít khi chuyển sang làm các phần chạm trổ hoa văn. Chủ lò là người quán xuyến mọi việc, giúp công việc trong xưởng được vận hành nhịp nhàng. Ông Quốc Kiển cho biết: “Bộ lư đồng được làm thủ công không chỉ có chất lượng tốt mà còn thể hiện tay nghề thiện xảo và một chút ngẫu hứng sáng tạo của nghệ nhân. Người trong làng nghề An Hội chỉ cần nhìn vào bộ lư là có thể biết của lò nào làm, nghệ nhân nào chạm trổ. Đó là một giá trị khó lòng thay thế được”.
Các nghệ nhân trong làng nghề An Hội xem việc cố gắng giữ nét xưa là niềm tự hào của mình. Họ chấp nhận sự thử thách khốc liệt của đời sống. Số lò giảm dần nhưng họ luôn tâm niệm giữ nghề. Nghệ nhân Năm Toàn bộc bạch: “Từ năm 12 tuổi, tôi đã vào xưởng và dành trọn một đời ở đây, nên quyết bám nghề cho đến khi không còn sức nữa. Nghĩ đến cảnh chiếc lư đồng do mình làm ra được đưa lên bàn thờ ông bà của mọi nhà, tôi thấy tự hào, sung sướng lắm”.
|
Tạo khuôn đất sét là công việc thường dành cho các cô, các chị |
Trước năm 1975, làng nghề An Hội có hơn 60 lò đúc đồng lớn nhỏ. Đô thị hóa nhanh cộng với sự cạnh tranh dữ dội của đồ đồng công nghiệp đã khiến nhiều lò đóng cửa, chia đất, xây nhà. Giờ đây, làng nghề chỉ còn 5 lò sáng lửa đúc đồng.
Thế hệ thứ năm tiếp nối
Một điều đáng mừng là nhiều gương mặt trẻ đang tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Trần Duy Kha - 30 tuổi, kiến trúc sư - là người trẻ nhất trong làng nghề. Anh quyết định tiếp quản lò lư đồng Quốc Kiển từ năm 2021. Dù là con cưng của chủ lò nhưng khi quyết định vào làm chính thức, anh cũng gặp nhiều thách thức. Anh gần như phải học lại từ đầu các công đoạn để kiểm soát mọi thứ. Trần Duy Kha chính là thế hệ thứ năm của làng nghề đúc đồng An Hội.
Duy Kha nói về tiềm năng của làng nghề: “Khi mọi thứ được công nghiệp hóa quá độ, mọi người lại có xu hướng tìm về những điều mộc mạc, những sản phẩm thủ công mang đậm chất riêng của từng nghệ nhân”. Theo anh, trong tương lai, có thể làng nghề sẽ bắt tay với các công ty du lịch để làm điểm tham quan, hướng dẫn về chế tác đồ đồng. Hiện Trần Duy Kha đang mày mò chế tác thêm nhiều sản phẩm trang trí nội thất và gia dụng bằng đồng.
Với sự năng động của người trẻ, Trần Duy Kha chủ động xây dựng thương hiệu và làm truyền thông cho lò lư đồng của gia đình. Anh chăm chút cho trang web, trang Facebook, kênh TikTok, bởi “Mình phải cố gắng để nhiều người biết đến tinh hoa của làng nghề An Hội và trân trọng các sản phẩm lư đồng thờ cúng. Có rất nhiều phản hồi thích thú khi biết giữa thành phố năng động, hiện đại này vẫn còn làng nghề hơn trăm tuổi”. Hơn hết, anh muốn thông qua các kênh truyền thông của mình để tiếp cận, tuyển dụng, đào tạo các lứa thợ trẻ.
Quả thật, tìm, tạo đội ngũ kế thừa là một nhiệm vụ đầy thách thức của làng nghề. Anh Trần Minh Quốc - nghệ nhân trẻ của lò lư Năm Toàn - nhận định: “Cho mọi người thấy được tương lai và kích thích niềm đam mê là cách thu hút nhân lực hiệu quả nhất cho làng nghề”.
Làng nghề lư đồng An Hội không chỉ kể chuyện quá khứ mà còn tạo nên những chương mới từ sự kế thừa của lớp trẻ, để lưu giữ giá trị xưa trong lòng người Sài Gòn.
Vũ Zoãn Đoàn
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |