Nắng vàng, gió hiu hiu trong những ngày tháng Chạp báo hiệu mùa xuân lại về. Những nẻo đường Sài Gòn nhuộm thắm sắc màu rực rỡ, tươi tắn của mùa xuân phương Nam.
|
Bến Bình Đông lưu giữ không khí ngày tết giữa lòng Sài Gòn hoa lệ. |
Những ngày giáp tết, Bến Bình Đông ngập ngời sắc màu hoa kiểng trên bến dưới thuyền, vẽ nên bức tranh thơ mộng giữa lòng thành phố hiện đại, sầm uất, chở nặng những vất vả mưu sinh.
Xuân về, bạn thương hồ nơi đâu?
Chợ hoa Bến Bình Đông dài khoảng 2km, nằm trên địa phận phường 13, 14, quận 8, TP.HCM, sát kênh Tàu Hủ. Người dân nơi đây không biết chợ hình thành từ lúc nào, chỉ biết chợ rất lâu đời, có tài liệu ghi chép rằng tuổi đời của chợ ngang ngửa lịch sử hình thành Sài Gòn - Gia Định. Hàng trăm mùa xuân đi qua, Bến Bình Đông vẫn như người tình chung thuỷ, tròn vẹn nghĩa tình mang niềm vui, hạnh phúc cho người, cho đời. Nhưng năm nay, không khí nôn nao, nhộn nhịp ấy về khá trễ trên Bến Bình Đông.
|
Ghe tàu neo đậu tại Bến Bình Đông vẫn còn thưa thớt vào chiều 22 âm lịch. |
Dưới cái nắng có phần oi bức, anh Vinh, 40 tuổi thoăn thoắt tỉa lại những chậu mai vàng trước khi kịp giao hàng cho khách. Cái chất thiệt thà, dễ mến của người miền Tây khiến người ta dễ dàng nhận ra ngay từ cái giọng đặc trưng. Anh quê ở Cái Mơn, Bến Tre, xứ nổi tiếng nhất nhì về kiểng ở miền Nam, đã buôn bán ở chợ được gần 20 năm, từ cái thuở còn thiếu niên theo dì lên chợ, nay đã có thể đứng ra làm ăn một mình.
Chỉ tay xuống bến, nơi một vài chiếc ghe đang neo dây, anh cười: “Không hiểu sao năm nay mọi người lên trễ quá. Chẳng biết bạn thuyền tính toán gì mà giờ này chưa có mặt. Chắc tầm 24, 25 đổ đi mới nhộn nhịp. Mấy năm trước giờ này là ghe thuyền bắt đầu đông rồi, năm nay tại khu quen thuộc này mới được 4 chiếc. Xuân về hơi trễ rồi”.
|
Anh Vinh tỉa lại một số chậu mai. |
Về chiều, ánh nắng vàng vọt những ngày cuối năm càng khiến những nụ mai xanh, những cánh mai vàng nở sớm thêm bắt mắt. Những chậu hoa giấy đầy màu sắc rung rinh trước gió như vẫy gọi, chào mời khách đến thăm.
Chú Ba cũng quê Cái Mơn đang tưới lại những chậu kiểng tạo hình để thân, lá giữ được độ xanh tươi. Chú bảo tầm 20 năm trước chợ họp rất sớm, từ khoảng rằm tháng Chạp đổ đi, nhưng một vài năm gần đây, đặc biệt năm nay trễ hơn rất nhiều. Gia đình chú dọn hàng lên chợ từ ngày 19 âm lịch nhưng ghe tàu lác đác.
|
Những nụ mai vàng chuẩn bị bung nở đón xuân. |
Thương hồ từ Bến Tre, Tiền Giang, Sa Đéc tụ họp về nơi đây đâu chỉ có chuyện cơm áo gạo tiền tranh thủ ba ngày tết. Mỗi chuyến ghe tàu chở đầy hoa kiểng mang niềm vui cho người nhưng cũng là cho mình bởi được lên chợ, được “quảng cáo” sản phẩm một nắng hai sương hòa cùng âm thanh nhộn nhịp của phố phường huyên náo ngày giáp tết là điều không dễ có được. Chợ họp trễ, chuyện người nấn ná chưa cập bến khiến người đến sớm buồn so. Xuân về, bạn thuyền nơi đâu?
Hỏi ra mới biết, theo quy định, chợ sẽ họp từ ngày 15 tháng Chạp trở đi nhưng việc lên sớm hay muộn là quyết định của mỗi người. Anh Thành quê ở Chợ Lách, trạc 50 tuổi bắt đầu câu chuyện với những chậu mai vàng được uốn tỉa kỳ công được mang đến chợ tết năm nay. Anh lên chợ từ ngày 20 âm lịch.
|
Anh Thành giữa ghe chở đầy mai kiểng tạo hình. |
“Mấy năm nay vật giá leo thang khá nhiều. Tiền thuê bến bãi trong 10 ngày hết khoảng 40 triệu, tiền thuê ghe khoảng 40 triệu nữa, 30-40 triệu cho nhân công theo phụ, chưa tính tiền ăn, uống, tắm, gội... Tính trung bình hơn 100 triệu đồng các chi phí phụ. Nếu không có mối thân quen hoặc chưa chắc về tình hình chợ thì lên sớm dễ lỗ lắm”, anh Thành cho hay. Anh lên chợ khá sớm vì có nhiều mối quen đặt hàng trước đó.
Một nhà vườn khác cho biết ngoài việc mang hoa kiểng đến Bến Bình Đông, nhiều người còn đổ hàng ở chợ quê để đảm bảo an toàn. Dồn toàn lực cho chợ Bến Bình Đông với quãng đường di chuyển khá xa, nếu cây kiểng rơi vào tình huống xấu sẽ thua lỗ nặng, vì thế, họ cần tính đường lùi.
Bên cạnh đó, điều kiện chăm sóc cây cối tại chợ cũng không thể bằng tại nhà vườn bởi nước kênh ô nhiễm không thể sử dụng được, họ phải mua từng thùng nước chuyển lên ghe khá nhọc công. Nắng, gió gắt những ngày cuối năm nếu không chăm kỹ sẽ dễ khiến cây “mất sức” dẫn đến mất giá. Vì thế, đợi đến gần ngày tết mới mang cây lên chợ cũng là cách nhiều người lựa chọn. Trên một chiếc ghe to, 5-6 người đàn ông đang dựng cọc, phủ lưới để bảo vệ những chậu mai vàng. Họ xuất thân từ nghề làm kiểng mướn hoặc làm đủ nghề rồi tranh thủ kiếm thêm ở chợ hoa xuân những ngày cuối năm.
|
Giăng lưới bảo vệ mai trong những ngày nắng gió tháng Chạp. |
Tạm gác những nỗi niềm khi xuân về muộn trên bến, họ cười bảo tôi 24, 25 tết quay lại đây sẽ cảm nhận được hết dư vị của đất trời vào xuân với những tiếng chào mời, mặc cả xôn xao một cung đường.
Niềm vui, nỗi buồn lênh đênh theo từng con nước
Trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp của xe cộ trên đường phố, dưới những chiếc ghe, nhịp sống trôi rất chậm, yên bình, như cách sống đặc trưng của người miền Tây. Cảnh những người đàn ông nhâm nhi chút rượu trong nắng chiều tà ngả xuống đường chân trời hay cảnh người mẹ vo gạo nấu cơm trên mui ghe chòng chành... càng khiến bức tranh ngày cận tết trên Bến Bình Đông thêm màu, thêm vị.
|
Mọi sinh hoạt của thương hồ đều diễn ra trên ghe tàu. |
Mọi sinh hoạt của giới thương hồ đều gói gọn trong lòng những chiếc ghe, từ nấu nướng, ăn uống cho đến tắm, giặt. Những hộ buôn bán cây kiểng nơi đây đều có thâm niên từ chục năm nên đã quen với cách sinh hoạt, bởi họ cũng không có lựa chọn khác.
Về chiều, dòng kênh bốc mùi khá khó chịu, xộc thẳng vào mũi khiến người qua đường cũng thấy khó chịu. Gỡ vội chiếc khẩu trang trên mặt, chị Thu (quê Cái Mơn, Bến Tre) cười tươi rói: “Thấy vậy chứ quen hết em ơi. Một năm có đôi ba ngày tết để kiếm cơm, kiếm cháo thôi mà. Hôm nào ngủ mà hôi quá mình lại bịt khẩu trang vào, thế là xong chuyện”.
|
Chị Thu giới thiệu mai cúc với phần thân nhỏ độc đáo |
Chị lên chợ từ ngày 19, chủ yếu bán mai kiểng với kích cỡ nhỏ, trung bình. Chị đi bán, ông xã thì ở nhà chăm lo công việc trong ngoài, đến ngày 28 Tết mới lên phụ để sau đó dọn hàng về ngày cuối cùng.
Chợ tết huyên náo, nhộn nhịp nhưng cũng không ít nỗi niềm. Vui buồn của người làm nghề lênh đênh như dòng nước lớn, nước ròng trôi chảy không ngừng. Nhiều người luôn đau đáu: “Liệu có về kịp ngày 30 không?”. Thoăn thoắt giới thiệu những mẫu mai kiểng tạo hình cỡ trung cho khách, anh Sơn quê ở Chợ Lách từ tốn bảo: “Nghề này là vậy, chưa đến 30 vẫn chưa biết xuân có về hay không. Chuyện mình muốn nhưng đôi lúc thời thế lại không cho. Mang hàng lên đây chỉ mong kịp ngày 30 về đón giao thừa với gia đình”.
|
Anh Sơn đưa mai lên xe cho khách chở về. |
Năm nào giá hoa kiểng ổn định, được giá, người nông dân đỡ lo phần nào. Nhưng nếu “vỡ chợ”, hoa mất giá thì niềm vui ngày tết cũng vụn vỡ. Hiện, giá hoa kiểng tại Bến Bình Đông đang ở mức các nhà vườn mong muốn, thậm chí tăng nhẹ trước khi ghe thuyền neo đậu đông hơn. Họ cũng đang mang hy vọng tình hình sẽ ổn định trong mùa tết năm nay.
Với những nhà vườn trồng kiểng loại đắt tiền, vài năm trở lại đây khi sức mua giảm, họ bắt đầu phát triển phương án cho thuê với giá khoảng 1/3 giá bán. Đây cũng là cách giúp khả năng thu hồi vốn hiệu quả cho người làm nghề. Qua tết, cây sẽ được nhà vườn thu lại. Họ tiếp tục chăm sóc, đầu tư cho mùa tết năm sau. Anh Thành chia sẻ, nhờ mô hình này mà vài năm gần đây anh có nhiều khách quen, giải quyết được một lượng cây cảnh nhất định, giúp anh tự tin lên chợ sớm hơn. Với những loại hoa, cây cảnh ngắn ngày như vạn thọ, cúc, thược dược, cát tường... nhà vườn vẫn phải mua bán theo hình thức cũ.
|
Sắc hoa giấy rực rỡ tô điểm một góc đường. |
Giới thương hồ cũng đau đầu với tình trạng trộm cắp, phá hoại cây kiểng trong những ngày tết. Cây càng có giá trị thì nỗi lo cũng theo đó tăng lên. Tiếc tiền một nhưng tiếc công, tiếc sức bỏ ra mười. Những phiên chợ thường bắt đầu sớm, kết thúc muộn nhưng giấc ngủ của thương hồ không lúc nào trọn vẹn.
Về chiều, không khí chợ bắt đầu nhộn nhịp khi người xem hoa, mua hoa dần tụ họp. Gác lại những nỗi niềm lênh đênh theo sông nước, thương hồ lại nở nụ cười tươi chào đón khách tham quan.
|
Chợ sẽ đông đúc hơn vào những ngày cận tết. |
Bài, ảnh: Thành Lâm