Xuân nghĩa tình của thầy trò TPHCM

30/01/2022 - 06:00

PNO - Phiên chợ Tết không đồng, gói bánh chưng gây quỹ học bổng… là những hoạt động nghĩa tình trong dịp Tết này được thầy trò nhiều trường tại TPHCM thực hiện.

Những chiếc bánh chưng nghĩa tình

“Gói bánh chưng ngày tết” là sân chơi được Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) tổ chức cho học sinh trong mùa xuân này. Học sinh các khối lớp sẽ đăng ký tham gia và được chia thành từng nhóm để cùng gói bánh với sự hướng dẫn của giáo viên, đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch. Toàn bộ 153 chiếc bánh do học sinh gói đã được dành tặng giáo viên và học sinh khó khăn của trường, và trẻ em khó khăn trên địa bàn P.Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Cư Trinh (Q.1) như một món quà xuân nhiều ý nghĩa.

Thầy Nguyễn Duy Tâm, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, việc thầy trò cùng gói bánh chưng ngày Tết là hoạt động truyền thống của trường mỗi dịp xuân về. Năm nay, dù trong bối cảnh dịch bệnh, việc tổ chức có khó khăn hơn do phải đảm bảo giãn cách và thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch song nhà trường vẫn nỗ lực tổ chức… 

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân tham gia gói bánh chưng
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân tham gia gói bánh chưng

Trực tiếp tham gia vào hoạt động, các em được giáo viên hướng dẫn cách rửa lá, nấu nhân đậu, ướp thịt, gói bánh, nấu bánh. Nhiều em vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được trải nghiệm hoạt động ý nghĩa này.

“Không chỉ tạo cho học sinh sân chơi ngày Tết trong một năm học đặc biệt, qua việc gói bánh chưng còn giáo dục học sinh về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hiểu hơn về văn hóa ngày Tết cổ truyền. Qua đó, các em sẽ biết giữ gìn và quảng bá văn hóa dân tộc. Những chiếc bánh do các em gói có thể chưa tròn trịa nhưng lại đầy đặn tình yêu thương, là tình cảm ấm áp các em dành tặng thầy cô, bạn bè khó khăn trong mùa xuân mới… ”, thầy Tâm bày tỏ. 

Tương tự, gói bánh trưng ngày Tết là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Gắn kết yêu thương ngày tết được CLB Giáo viên trẻ và Công đoàn Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5) và phụ huynh cùng thực hiện. Với mục tiêu gắn kết yêu thương, giáo viên và phu huynh cùng thực hiện. Phụ huynh tài trợ heo, nếp, đậu, phần còn thiếu thì giáo viên tự góp, cùng “xúm” lại gói.

“50 cặp bánh chưng đã được hoàn thành, trong đó 20 cặp dành để bán gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo của trường với số tiền gần 10 triệu đồng. 30 cặp còn lại dành tặng cho thầy cô hưu trí, trẻ mồ côi và người già neo đơn Q.8”, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc trung tâm, cho hay. 

Giáo viên Trung tâm GDTX Chu Văn An gói bánh chưng gây quỹ học bổng
Giáo viên Trung tâm GDTX Chu Văn An gói bánh chưng gây quỹ học bổng

Theo ông Hoàng, chuỗi sự kiện Gắn kết yêu thương của trường bao gồm việc thăm giáo viên hưu trí, trao quà cho học sinh khó khăn của trường… Tuy nhiên, hoạt động gói bánh trưng mang ý nghĩa hơn cả, bởi qua đó giáo viên, phụ huynh cùng được ngồi lại với nhau, cùng nâng niu để gói ra những chiếc bánh nghĩa tình, sẻ chia ngày tết.

“Rất nhiều thầy cô trẻ chưa biết gói bánh chưng qua đây đã biết gói. Qua nhiều năm thực hiện, bánh được gói ngày càng đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn. Để giáo dục học sinh về truyền thống dân tộc thì trước hết chính mỗi thầy cô phải hiểu, phải yêu và giữ gìn truyền thống đó. Đây cũng là mục tiêu lớn mà hoạt động này hướng tới…”, ông Đỗ Minh Hoàng nói. 

Ấm áp phiên chợ Tết không đồng

Những ngày cuối năm, sân trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) lại rộn ràng hơn bao giờ hết với phiên chợ tết không đồng. Hơn 1.500 sản phẩm từ quần áo, giầy dép, sách, tập, bút, cặp sách cho đến bình nước cá nhân, nước rửa tay sát khuẩn… “góp mặt” trong phiên chợ do chính giáo viên, học sinh nhà trường dành tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Cạnh đó, phiên chợ cũng dành tặng 300 phần quà Tết là nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn trên địa bàn P.Linh Xuân. 

Phiên chợ tết không đồng của thầy trò Trường THPT Đào Sơn Tây đầy ấm áp
Phiên chợ Tết không đồng của thầy trò Trường THPT Đào Sơn Tây đầy ấm áp

“Đây là năm đầu tiên phiên chợ Tết không đồng được thầy trò nhà trường thực hiện. Khởi động từ đầu tháng 12/2021, thầy trò có gì góp nấy. Những sản phẩm sau đó được thầy cô, học sinh cùng phân loại, quần áo được giặt sạch, là ủi tinh tươm chia thành những gian hàng nhỏ”, cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ. 

Để đảm bảo phòng dịch, khách đến chợ được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, được học sinh hướng dẫn đến từng gian hàng để chọn đồ. Hiệu trưởng nhà trường cho hay, dịch COVID-19 đã khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Tết đến xuân về, nhiều công nhân nghèo xa quê không dám sắm đồ Tết. Những sản phẩm thiết yếu trong phiên chợ sẽ như món quà nhỏ phần nào “chia khó”, giúp người dân có cái Tết ấm áp hơn. 

Một bạn nhỏ được học sinh, giáo viên Trường THPT Đào Sơn Tây lựa cho bộ đồ đón tết từ Phiên chợ tết không đồng
Một bạn nhỏ được học sinh, giáo viên Trường THPT Đào Sơn Tây lựa cho bộ đồ đón Tết từ phiên chợ Tết không đồng

“Dù đã được các khu phố thông tin rộng rãi song ban đầu người dân không dám vào phiên chợ vì đắn đo và e ngại. Thầy cô phải ra tận đường để tư vấn, giải thích. Có bác còn dẫn theo con dâu, nhận gạo, nhận áo dài để đi chơi Tết rồi hai mẹ con cùng khóc. Có em bé bán vé số dạo đi ngang qua, tò mò đứng bên ngoài xem, thầy cô ra dắt vào, chọn cho một đôi dép đẹp, một bộ quần áo, một ba lô… thực sự rất xúc động”, cô Hảo nghẹn ngào.

Theo cô Hoàng Thị Hảo, ngoài ý nghĩa về sự sẻ chia, lan tỏa, trên hết phiên chợ tết không đồng còn giáo dục học sinh về tình yêu thương, đạo đức, sáng tạo và trách nhiệm. Chỉ khi có trách nhiệm với cộng đồng, các em mới có ý thức để rèn luyện, học tập, tu dưỡng bản thân, sống lương thiện, trở thành những người công dân hữu ích.

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI