Trước mặt tôi là một Xuân Nghi đã đi rất xa khỏi quầng sáng thời thơ bé với đủ mọi danh hiệu cũng như sự nổi tiếng mà hiếm người nào có được. Nghi bảo, những gì đã qua đẹp đẽ quá nhưng nó cũng nhỏ bé quá. Tuổi 25 đến, em muốn sống với mọi cung bậc cảm xúc và trong sự bất toàn của chính mình.
Vì Nghi còn trẻ nên không có sự lựa chọn, chỉ có thể thử xem.
Tôi không có ý đấu đá với ai cả
Phóng viên: Mọi thứ ở Mỹ đang rất ổn, sao Xuân Nghi lại chọn quay về?
Ca sĩ Xuân Nghi: Đúng là mọi thứ đang rất ổn. Nhưng tôi nghĩ, tôi còn trẻ, không nên an phận trong vòng tròn an toàn, được bảo bọc như thế mãi. Tôi tự hỏi, nếu không quay về, mình có hối hận không. Câu trả lời là có, nên tôi quyết định quay về. Được cha mẹ, bạn trai ủng hộ, tôi cũng an tâm để thử sức.
* Một người cũ như Xuân Nghi mà cũng phải “thử sức” ư? Nghe có vẻ dè dặt quá. Tôi nghĩ, danh tiếng của bạn thời bé cũng đủ cho bạn một cái “vốn” để tự tin để trở về chứ?
- Mọi người hay hỏi: sao Xuân Nghi phải thử, phải chắc ăn luôn thì mới làm chứ. Thực ra, tôi cũng không hoàn toàn tự tin 100% rằng mình sẽ thành công, nên dùng từ “thử” là vì thế. Xuân Nghi thời bé được mọi người đón nhận, ủng hộ nhưng Xuân Nghi hiện tại chắc gì. Với phép thử bài hát đầu tiên, có vẻ phản hồi khá tốt; tôi rất vui song cũng rất sợ. Sàn đấu này đang quá nhộn nhịp khiến tôi cảm thấy áp lực ít nhiều.
* Nếu sợ như thế, bạn quay về làm gì? Hay vì ở Mỹ, Xuân Nghi không thể cạnh tranh được với các nghệ sĩ quốc tế khác?
- Ở nước ngoài, tôi biết tôi đứng ở đâu nên không cạnh tranh về lĩnh vực biểu diễn mà hòa nhập với vai trò bầu sô. Tôi là người hiểu mình có thế mạnh cũng như điểm yếu nào, biết cơ hội của mình ở đâu, mình làm được những gì... Tôi về Việt Nam để phát triển, để hoạt động âm nhạc vì biết ở đây, tôi có sẵn nền tảng, có chỗ đứng và được hậu thuẫn. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa Xuân Nghi bỏ hết sự nghiệp bên đó. Tôi vẫn còn nhiều thứ muốn làm nhưng tôi chọn cách đi từng bước, chậm mà chắc. Tôi có thể bắt đầu lại bất cứ lúc nào. Tôi sẽ học cách hòa nhập bên này - bên kia để sự nghiệp ở hai bên nhích lên dần. Ở giai đoạn này, tôi đang ưu tiên sự nghiệp của mình ở Việt Nam.
* Bạn gọi thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại là một “sàn đấu nhộn nhịp”?
- Đó là một cách ví von thôi, tôi không có ý đấu đá với ai cả. Tôi mới về vài ba tháng, cảm nhận trước hết sàn đấu này rất vui nhưng cũng đầy khốc liệt. Tôi vẫn đang đứng ở ngoài để xem và dành nhiều thời gian để làm quen với thị trường, thị hiếu khán giả ở đây. Hiện tại, Nghi đang trau dồi thanh nhạc, học vũ đạo… không ngừng hoàn thiện bản thân.
* Xuân Nghi nổi tiếng nhưng rồi bạn đã bỏ điều đó ở lại Việt Nam để ra đi. Khi quay lại, bạn có trở về trong tâm thế của một người nổi tiếng không?
- Năm đầu sang Mỹ, tôi rất nhớ cuộc sống của một người nổi tiếng nhưng rồi cuộc sống ào ào bên đó cuốn tôi đi rất nhanh. Ở đó, không ai biết Xuân Nghi là ai. Tôi không mất quá nhiều thời gian để nhớ nhung hay luyến tiếc sự nổi tiếng đó. Năm đầu tiên tôi về lại Việt Nam, lúc ra đường, vẫn có người nhận ra tôi nhưng cuộc sống ở Mỹ đã dạy tôi rằng, ai nhận ra mình thì vui nhưng nếu không, cũng đừng lấy đó làm buồn. Bây giờ tôi trưởng thành rồi, nổi tiếng hay không nổi tiếng, không còn quan trọng nữa.
Những gì đã qua là tài sản lớn
* Nghe Xuân Nghi nói chuyện, có cảm giác bạn không ngừng tiến về phía trước và sẵn sàng “bỏ” những gì đã qua ở lại phía sau...
- Nói bỏ luôn cũng không phải. Tôi xem những gì mình đã có là nền tảng; để dẫu có bắt đầu lại từ đầu, cũng không phải bắt đầu từ con số 0. Tôi vẫn có nhiều mối quan hệ tốt, có kinh nghiệm, có sẵn khán giả, lại là những khán giả lớn cùng tôi, chứ không phải dừng lại ở đó mãi. Điều quan trọng nhất là kinh nghiệm. Nhờ nó, tôi dần hình thành một phong cách sống cũng như kinh nghiệm ứng xử trước truyền thông, đám đông... Nếu không có những điều đã qua ấy, tôi nghĩ, Xuân Nghi không thể nào thích nghi và hòa nhập nhanh đến vậy. Những gì đã qua là tài sản quý báu của tôi.
* Nhưng thị trường âm nhạc Việt Nam đang chạy theo “hit”, theo view… đến mức không nhìn ra hình dạng?
- Từ hôm về đến giờ, tôi cũng tìm hiểu nhiều lắm. Đầu óc tôi có xu hướng kinh doanh nhiều hơn là nghệ sĩ. Khác ngày xưa lãng mạn, bay bổng, giờ đây, ở tôi, tính thực tế trong âm nhạc ngày càng cao. Ở Mỹ, tôi học sản xuất âm nhạc chứ không phải học thanh nhạc. Khi về đây, tôi nhận ra, chuyện view, chuyện “hit” rất quan trọng. Đó là điều mà trước đây, tôi không quá quan tâm. Để cân bằng thị trường và cá tính âm nhạc của mình là điều không hề dễ dàng nhưng tôi sẽ cố.
* Nhưng view, “hit” có phải là tất cả?
- Không phải là tất cả nhưng ta không thể phủ nhận đó là một thực tế, phản ánh xu hướng âm nhạc của Việt Nam, ít nhất là ở giai đoạn này. Ngày trước, tôi nghĩ âm nhạc của mình phải cao cấp, hàn lâm, phải khó nghe, nhưng giờ đây, khi nhìn mọi thứ dưới con mắt của một nhà sản xuất âm nhạc, với cái đầu thoáng hơn, tôi nghĩ khác.
Thị trường âm nhạc Việt Nam vui ở chỗ chúng ta có rất nhiều khán giả, mỗi người đều có gu âm nhạc riêng. Lắm khi, vấn đề nằm ở thể loại âm nhạc, chứ không phải là chuyện nhiều view thì bài hay hoặc dở. View là bộ mặt của nghệ sĩ nhưng nó cũng chỉ phản ánh một phần nào đó chứ không phải tất cả. Có những bài view cao rất hay nhưng cũng không thiếu những bài bình thường. Không sao cả. Cứ để thị trường tự đào thải một cách tự nhiên nhất. Tôi nghĩ, cái gì cũng có lý do riêng, không phải tự nhiên mà view cao như thế. Có khi nó hay thật nhưng có khi, sau nó là một công nghệ lăng-xê khổng lồ.
Không chỉ ở Việt Nam, ở Mỹ cũng vậy. Các bảng xếp hạng như Billboard, MTV… cũng quan trọng lắm. Nó là bộ mặt nghệ sĩ. Ai cũng mong xuất hiện ở một “top” nào đó hoặc để khi nhìn lại, mình có bao nhiêu bài hát ghi dấu.
* Hiện nay, ngoài sự ủng hộ của fan, có hẳn công nghệ can thiệp để tăng view. Người ta cũng mua bán view một cách công khai. Tôi tự hỏi, yếu tố thực chất trong câu chuyện âm nhạc, liên quan đến yếu tố sáng tạo là gì?
- Đúng là bây giờ có những thuật toán chi phối, nhưng nhìn chung những bài hát bị can thiệp bởi công nghệ kiểu đó sẽ không lên được nữa. Khán giả Việt Nam bây giờ có gu rồi, nghệ sĩ không thể coi thường họ đâu. Chuyện can thiệp bằng công nghệ, nói cho cùng cũng chỉ liên quan đến vấn đề kinh doanh; còn tôi nghĩ, khán giả đủ tỉnh táo và thông minh để nhận ra đâu là bài hát hay.
Nhập gia tuỳ tục trong... chừng mực
* Xuân Nghi định áp dụng điều đó vào âm nhạc của mình ra sao và đối với thị trường Việt Nam như thế nào?
- Như đã nói, với tôi, học là một chuyện, thực hành lại là chuyện rất khác. Tôi sẽ cố gắng áp dụng những gì được học nhưng không thể áp dụng 100% vì hai thị trường rất khác. Riêng cách làm việc với báo chí, truyền thông xã hội cũng hoàn toàn khác rồi. Điều quan trọng hơn, ở đó có những hãng băng đĩa lớn đầu tư hoàn toàn từ A tới Z, nghệ sĩ chỉ lo làm nghệ thuật, chứ không phải kiểu mạnh ai nấy làm như ở Việt Nam… Nói cho cùng, thị trường ở ta vẫn là một thị trường nhỏ. Về Việt Nam, rất khó áp dụng những điều đã được học ở Mỹ. Song, về đây, phải nhập gia tùy tục.
* Nhập gia tùy tục cũng có ý thỏa hiệp. Bạn không thể đi một con đường không ăn nhập gì vào thị trường này?
- Đó là một bài toán khó. Từ âm nhạc cho đến cách quản lý, truyền thông, tất cả đều phải cân đo đong đếm rất kỹ trước khi quyết định. Nhưng có một may mắn là tôi không đơn thương độc mã, mà có một tập thể hậu thuẫn.
Ở Mỹ, sẽ có một người rất giỏi ở một lĩnh vực và họ chỉ phụ trách việc đó thôi. Ví dụ, người mix nhạc chỉ mix nhạc hay là, có hẳn một người làm một việc duy nhất là chỉnh giọng cho ca sĩ. Họ chuyên môn hóa cụ thể ở từng khâu, từng đoạn, không ôm đồm như ở ta. Ở Việt Nam, có vẻ như đa số nhà sản xuất âm nhạc làm gần như tất cả các khâu và chỉ giao cho nghệ sĩ sản phẩm hoàn chỉnh. Tôi nghĩ, cho dù hòa nhập với thị trường Việt Nam cỡ nào thì tôi vẫn muốn giữ mô hình đó.
* Thị trường âm nhạc Mỹ có phân hóa không? Bên cạnh nhạc đại chúng, nhạc chuyên môn có đất sống không?
- Có chứ, nhưng ở bên đó, nghệ sĩ sống tốt được bằng nghề. Vì hệ thống luật pháp chặt chẽ, nhất là Luật bản quyền, bảo vệ được những người làm nghệ thuật. Cứ làm tử tế, ai cũng có tiền. Người làm nhạc giải trí cũng có tiền mà những người làm nhạc chuyên môn cũng có tiền. Luật bản quyền của họ rất rõ.
* Bạn nghĩ âm nhạc của mình sẽ “ăn rơ” vào thị trường Việt Nam khoảng bao nhiêu phần trăm?
- Với sản phẩm “come back” (trở lại) đầu tiên là Summer Night, có lẽ khoảng 40-50%.
Nữ quyền tuổi 25
* Với một người quá lâu rồi không xuất hiện, đó là một con số cao đấy chứ. Ít nhất sẽ có người nói, Xuân Nghi “dậy thì thành công”?
- Không biết có thành công không nhưng ít nhất, tôi đã đạt được mục tiêu bước đầu của mình - giới thiệu với mọi người, đây là Xuân Nghi bây giờ, giọng Xuân Nghi giờ là vậy, Xuân Nghi của tuổi 25 là như thế này. Còn âm nhạc, có khúc rất thị trường nhưng có khúc chưa thị trường lắm, tôi đang nghiên cứu để hòa nhập hơn. Đó là thử thách của tôi. Tôi đã chuẩn bị được năm ca khúc. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng mỗi tháng giới thiệu một sản phẩm.
* Thú thực, từ hiện tượng Chi Pu, Nam Em, tôi rất sợ ai đó nói mỗi tháng công bố một MV lắm…
- Tôi không có nhiều tiền để làm MV vậy đâu (cười!) nhưng tôi sẽ cố gắng duy trì, để cố gắng đánh dấu cái tên của mình. Tôi nghĩ, đã là nghệ sĩ, phải có sản phẩm. Để “đẩy” sản phẩm của mình, có những phương pháp khá đơn giản, chứ không nhất thiết một tháng phải ra một MV. So với việc bỏ tiền tỷ để làm MV, tôi muốn định vị “chất” của mình rõ hơn. Đó là hơi hướng Âu Mỹ, thư giãn, cập nhật… Ở những dự án tiếp theo, tôi muốn khai thác những hình ảnh khác nhau của dòng nhạc này.
* Bạn hình dung chân dung mình ở tuổi 25 như thế nào?
- Độc lập, mạnh mẽ và nữ quyền.
* Nữ quyền ư?
- Nghĩa là, mình làm chủ cảm xúc, làm chủ cuộc đời mình. Hôm trước, tôi tình cờ đọc một bài báo về ca sĩ Suboi, có viết rằng ở tuổi 29, Suboi là đại gia của chính mình. Tôi rất hâm mộ. Đó cũng là điều Xuân Nghi nhắm đến. 25 tuổi, tôi muốn mình là một hình ảnh mạnh mẽ, độc lập, đa năng, đa dạng, không ôm đồm nhưng có thể làm được nhiều thứ. Như người Mỹ thường nói, “tôi là sếp của tôi”, tôi cũng muốn tôi là ông chủ lớn nhất của mình.
|
|
"Bởi vì trẻ tuổi, chỉ có thể thử xem" Mấy tháng trước, trên chuyến bay trở về Việt Nam, cảm giác của tôi lúc đó khá hoang mang. Nhớ nhà lắm. Nhớ cuộc sống bên kia. Êm đềm, thuận lợi đủ thứ. Cuộc sống ổn định. Khi về một mình, tôi tủi thân. Lúc đó, tôi không biết mình quyết định như thế đúng hay sai. Nếu sai một ly đi một dặm thì sao? Tôi hoài nghi về bản thân, hoài nghi đủ thứ. Nhưng sau đó, tôi học cách bắt nhịp, nhận ra, cuộc sống ở đây cũng không đến nỗi nào. Nhất là, tôi còn trẻ lắm. 25 tuổi, còn cả cuộc đời trước mắt. Bởi vì trẻ tuổi, cho nên không có sự lựa chọn, chỉ có thể thử xem". Ca sĩ Xuân Nghi |
- Xuân Nghi thích gu thời trang như thế nào? + Tôi thích mặc đồ thoải mái. Gu thời trang ưa chuộng là retro những năm 1980, 1990. - Quan điểm về cuộc sống? + Mình nên làm chủ sứ mệnh của mình. - Quan điểm trong tình yêu? + Cái gì cũng có giá của nó. Phải đầu tư mối quan hệ của mình thì mới có hạnh phúc. - Nhìn Xuân Nghi giờ có vẻ không giống người Việt Nam... + Nhìn vậy thôi nhưng tôi rất Việt Nam đấy. Tôi thích la cà, ăn vặt ngoài đường; đi grabbike lòng vòng ngoài phố để ngắm nhìn. Tôi thích ăn món Việt Nam. Tôi đi mua đồ trả giá mà không sợ xấu hổ. |
"Mọi người hay hỏi tôi về Xuân Mai, hỏi vì sao bạn không đi hát tiếp nữa. Có thể, mọi người yêu mến quá nên thành ra kỳ vọng rồi áp đặt suy nghĩ và ước mong lên người khác chăng? Xuân Mai là bạn tốt của tôi nên lúc nào tôi cũng muốn bảo vệ bạn. Tôi nghĩ rằng, mỗi người có một lựa chọn của mình, miễn sao được hạnh phúc. Xuân Mai chọn gia đình, mọi người nên tôn trọng quyết định của bạn ấy". Ca sĩ Xuân Nghi |
Đậu Dung (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp