Xuân muộn

31/12/2015 - 07:05

PNO - Tôi hiểu mùa xuân muộn đang đến với má. Bấy lâu má đầu bù tóc rối vì chồng con, giờ được thảnh thơi nên má mới chăm chút tới bản thân.

Ba gọi vào buổi tối, vẫn những câu hỏi cũ về con cái và công việc của vợ chồng tôi. Ngập ngừng một lát, ba nói: “Má con dạo này ba thấ y sao sao, kỳ cục lắm”. Tôi chột dạ, hỏi dồn: “Sao là sao hả ba? Má không khỏe hả ba?”. Ba liền trấn an: “Không phải, bả khỏe re, quá khỏe nữa là khác. Con về coi bả thì biết”. Tôi định gọi cho má, rồi lại thôi. Nghe giọng ba ngập ngừng kiểu này, chắc có gì đó uẩn khúc.

Má tôi là mẫu phụ nữ chịu thương chịu khó. Mấy năm còn khó khăn, má đi làm xách theo chè, nem, chả tự làm để bán cho bạn bè. Quanh năm, má mặc đi mặc lại mấy bộ quần áo sờn cũ, nhường nhịn từng đồng để con cái có món ăn ngon, để chồng có chiếc xe tươm tất đi làm.

Xuan muon
Ảnh minh họa - Shutterstock

Có lần, tôi thấy nửa đêm ba trở dậy, định phụ má vô bọc yaourt. Má gắt khẽ: “Để đó cho em. Anh đi ngủ cho có sức”. Ba vuốt ve nhè nhẹ lên lưng má. Ánh mắt ba nhìn má đầy yêu thương và xót xa. Chứng kiến tình thương ba má dành cho nhau, tôi đã khóc. Và má tôi, chắc chỉ cần ở ba có vậy thôi để có thêm sức mạnh gồng gánh, dắt dìu cả nhà đi qua những đoạn đèo dốc gập ghềnh…

Bây giờ chị em tôi đã có công việc ổn định, ba má cũng đã có của ăn của để. Nói theo kiểu của ba là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Vậy thì ba má còn lý do gì để “sao sao” đó với nhau?

Tôi về nhà đúng lúc ba má vừa đi tập thể dục về. Má tôi trông trẻ ra và lạ hẳn với mái tóc uốn bồng bềnh.Từ ngày về hưu, má thảnh thơi và tập thể dục đều đặn nên trông má gọn gàng, mặt hồng hào tươi tắn. Em dâu khều tôi: “Coi bộ má hồi xuân phải không chị?”.

Lúc hai má con ngồi nhặt rau, má than: “Ba mày già rồi đổi tánh. Bạn bè rủ má đi du lịch, ổng bàn trớt. Má đi uống cà phê, ổng tò tò đi theo. Bộ đồ này nè, cũng bình thường thôi, vậy mà ổng chê trẻ quá, cổ rộng. Ổng còn nói móc chắc má mặc lộn đồ của con”.

Tôi nhìn kỹ bộ đồ của má. Áo màu tím nhạt, cổ thuyền. Chắc tại trước đây má ăn mặc đơn điệu quá, giờ thay đổi màu sắc sáng sủa hơn nên ba không quen. Biết vậy, nhưng tôi vẫn dặn má thứ gì ba không thích thì má giảm bớt kẻo ba buồn. Má bực dọc: “Ổng vô lý vậy ai chịu nổi”.

Trước khi trở lại Sài Gòn, tôi trấn an ba: “Má không có gì đâu, thảnh thơi thì sửa soạn lại cho đẹp thôi. Ba nên ủng hộ má”. Ba thở dài, lắc đầu. Tôi bần thần, ám ảnh bởi ánh mắt xa xăm và cái lắc đầu bất lực của ba. Nhưng rồi công việc, con cái, những bận rộn đời thường đã cuốn tôi đi. Tôi nghĩ chuyện cũng nhỏ thôi, rồi ba má sẽ ổn.

Má điện cho hay, ba nằm viện vì huyết áp cao.Tôi tất tả chạy về. Má kể dạo này ba mất ngủ liên miên, ăn uống kém, lại hay cáu bẳn. Đi khám bác sĩ, không phát hiện bệnh gì, chỉ là… căn bệnh của tuổi về hưu.

Cha con tôi ngồi dưới bóng râm dưới sân bệnh viện. Nhìn ba gầy hẳn trong chiếc áo bệnh nhân thùng thình, ánh mắt nhiều u uẩn, tôi nghẹn ngào: “Ba có chuyện buồn gì, sao không nói với con?”. Ba nhìn tôi lắc đầu, rồi thở dài.

Tôi dỗ dành mãi ba mới ngập ngừng: “Ba nghi… má con có bồ. Bả mới đi treo chân mày gì đó, con thấy không? Gần 60 rồi, bỗng dưng sửa sang con mắt thành tròn vo, chân mày thì đá lên trời. Đi siêu thị gần nhà mà bả diện áo thun, quần bó sát. Ba vừa mở miệng là bả nạt ngang. Cãi nhau tối ngày. Trong khi bả ra ngoài thì cười nói vui vẻ với thiên hạ. Má con thay đổi rồi. Bả chê ba rồi. Ba sợ… một ngày nào đó bả sẽ bỏ ba mà đi”. Ba tôi dừng lại, thở dốc, để những bức xúc lắng xuống, để kịp cho tôi hiểu những đổi thay của má là “động trời”. Nhìn ba cố nén cơn bức bối, tôi đau nhói trong lòng…

Từ ngày về hưu, sống chậm lại, ba bỗng hoài nghi và không sao thích ứng khi má thay đổi quá nhanh. Bao nhiêu năm nay, ba đã quen với hình ảnh má đi làm về thì quanh quẩn xó bếp, lo chăm chồng con, quanh năm cũ kỹ với kiểu tóc cột sau gáy và mấy bộ quần áo tối màu. Má thì giận ba ích kỷ, gia trưởng, thiếu cảm thông nên cứ cãi nhau.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI