Xuân Hương: Tôi đang tận hưởng những ngày hạnh phúc

05/04/2015 - 22:57

PNO - PN - Thời gian này, nghệ sĩ (NS) Xuân Hương đang có những ngày thật thảnh thơi. Ngoài việc xuất hiện mỗi tuần hai tối (thứ Hai, thứ Ba) trên truyền hình (VTV3) với vai bà Úc trong phim "Đam mê nghiệt ngã" (đạo diễn Minh Chung), cùng những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là chăm sóc, tưới tắm cho mấy cây kiểng trong sân nhà, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, làm bánh, và đặc biệt là chăm chỉ tập thể dục với ba mục tiêu rõ ràng, là có sức khỏe, giữ dáng đẹp, không bị mập để ăn uống thoải mái. Đi ăn ở đâu, thấy món nào ngon, chị về làm cho bằng được, thậm chí còn làm ngon hơn người ta, song NS Xuân Hương chỉ dùng biệt tài chế biến ẩm thực của mình để chinh phục những người sành ăn. Chị tất bật nấu nướng rồi “năn nỉ” bạn bè thưởng thức. Chị nói, hạnh phúc không tìm đâu xa, chỉ là tạo niềm vui cho mình và cho mọi người.

Xuan Huong: Toi dang tan huong nhung ngay hanh phuc

* Những năm gần đây, ngoài việc viết tiểu phẩm kịch, kịch bản phim cho các đài truyền hình, Xuân Hương cũng có mặt trong một số phim trên màn ảnh nhỏ như Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa (vai cô Tư Măng), Sóng gió làng nghề (bà Ốc), Câu chuyện tình đời (dì Đẹp), Tôi yêu cô đơn (bà Nhã)… nhưng việc chị trở lại với nghề “ruột” là SK mới đây đã gây sự chú ý của dư luận. Vì sao có sự trở lại như vậy sau hơn 10 năm, kể từ ngày chương trình Những người thích đùa ngưng diễn?

Nghệ sĩ Xuân Hương: Đúng là từ ngày Những người thích đùa thôi không “đùa” nữa, tôi dành phần lớn thời gian ở nhà chăm con. Rồi một hôm, diễn viên Quang Thảo mời tôi đến xem vở kịch Sông dài (SK Hoàng Thái Thanh), qua đó, tôi rất ngưỡng mộ thái độ làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp, có tâm với nghề của các bạn. Các bạn ở đấy cũng biết tôi là người đam mê SK, hai bên đều có sự rung động, bắt nhịp được với nhau nên tôi nhận lời cộng tác.

Dì Bảy là vai “ngắn”, nhưng tôi không câu nệ diễn nhiều hay ít, quan trọng là vai có đất diễn, có số phận, có đời sống nội tâm riêng. Qua đó, tôi được làm nghề cùng những người đồng cảm với mình. Tôi không ngờ vai diễn lại được khán giả ủng hộ nhiệt tình đến vậy.

* Vừa rồi, được Xuân Hương mở cho nghe bài Giọt lệ đài trang với một chất giọng rất “mùi”, truyền cảm không thua gì ca sĩ thứ thiệt, thật khó tin đó là giọng ca của chị?

- Bình thường tôi cũng “nổi tiếng” hát hay trong số bạn bè và trong câu lạc bộ mang tên tôi. Tôi lập ra CLB này nhằm tụ họp những người có nỗi buồn khổ, sống cô đơn, có những nỗi niềm riêng để cùng nhau tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm, khuyên răn, động viên nhau, xả stress. CLB sinh hoạt mỗi tối thứ Hai hàng tuần tại quán cà phê Nốt hoa mỹ (351/4A Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM).

Ở đây, ngoài việc chuyện trò, chúng tôi còn tổ chức “hát với nhau”. Tôi vui vì đến nay, đã đông người gia nhập CLB vì yêu mến Xuân Hương. Tôi cũng dốc lòng với họ, kể chuyện cười và hát cho họ nghe để họ tìm lại quân bình. Nhiều người khen giọng hát của tôi “có nội lực”. Cũng có người khuyên tôi đi thi Tiếng hát mãi xanh nhưng tôi sợ mất công người ta… chấm, nên thôi.

Xuan Huong: Toi dang tan huong nhung ngay hanh phuc

* Ba chị, đạo diễn Bích Lâm, ngày ấy là một người đầy “quyền lực” - nguyên Cục trưởng Cục biểu diễn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam VN, nguyên Giám đốc Đoàn kịch nói Nam bộ, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM), đồng thời là một đạo diễn giỏi, từng dựng những vở nổi tiếng như Tô Hiến Thành xử án… Hẳn ông là một chỗ dựa vững chắc cho con gái khi chị quyết định theo nghề SK?

- Vậy mà ở trường hợp của tôi, tôi có cảm giác như mình bị ba “ngược đãi” mới lạ chứ. Năm 1975, ba tôi từ Bắc về, nhất định không cho tôi vào trường SK vì sợ nếu không có năng khiếu thì khổ con và khổ lây cả cho người ta. Tôi phải thi vào làm thu thanh ở Xưởng phim Giải phóng (nay là Hãng phim Giải phóng).

Nhưng như là có định mệnh, mỗi lần cơ quan có hội thi văn nghệ, tôi lại tự viết kịch, tự dựng rồi tự diễn. Khi nghe các chú, các bác bạn của ba ở xưởng phim khen ngợi tôi, ba mới cho tôi thi bổ sung vào trường, còn nói với các thầy cô cho thi thật gắt để có rớt đừng oán trách ba. Tôi học ở đây hai năm thì được tuyển đi học Liên Xô.

* Ngày ấy, được đi học Liên Xô là chuyện rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là đặc ân, phải là người rất xuất sắc hoặc con nhà “chính sách” mới được chọn. Chắc cuối cùng thì ba chị cũng nghĩ lại cho con gái của mình?

- Lúc bấy giờ, trường tôi không tự quyết định các suất đi học nước ngoài được mà do cơ quan cấp trên định đoạt. Năm ấy, lúc đầu nghe đâu trường có hai suất, không hiểu sao cuối cùng người ta chỉ cho một suất. Ai cũng nghĩ suất đó dành cho tôi vì kết quả học tập của tôi xứng đáng. Nhưng cuối cùng, ba tôi quyết định cho “bạn” Thanh Bạch đi.

Sau đó, ba tôi nghỉ hưu, thầy hiệu trưởng mới lên thay ra Hà Nội họp, mọi người hỏi thăm mới biết “con ông Bích Lâm” chưa đi được, bèn hối thúc tôi làm hồ sơ để chờ chỉ tiêu của trường năm sau. Tôi nghĩ, nếu ba tôi không phải là người tốt, chắc không ai hỏi thăm để rồi biết tới trường hợp của tôi.

* Được biết, khoa tạp kỹ trường Đại học Quốc gia Liên Xô hồi ấy chỉ có hai sinh viên VN là Xuân Hương và Thanh Bạch. Rồi Xuân Hương là một trong số những sinh viên hiếm hoi tốt nghiệp bằng đỏ (hạng ưu). Tại sao chị chọn học tạp kỹ thay cho chuyên ngành kịch nói?

Xuan Huong: Toi dang tan huong nhung ngay hanh phuc

Một tiết mục trong Những người thích đùa 3

- Vì ngành tạp kỹ giúp mình biết được nhiều thứ, dùng được nhiều hình thức để phục vụ cho ý đồ đạo diễn, giúp vở kịch mềm mại, đa dạng và hấp dẫn hơn. Đúng là sinh viên VN khoa tạp kỹ vào thời điểm đó chỉ có hai chúng tôi. Và chúng tôi đã rất nỗ lực để chứng tỏ người Việt mình không thua kém ai.

* Trước khi mất, ba chị có kịp chứng kiến sự thành công của con gái?

- Ba tôi mất năm 1992, lúc đó tôi chưa tới “đỉnh cao” của mình nên ba chưa được xem con gái “quậy” nhiều, nhưng ông cũng mừng vì thấy con gái đã chọn đúng nghề. Thật ra, khi tôi thi đậu vào trường, ba vẫn còn nhiều nghi ngại. Ông cứ hỏi tôi rằng con có thích nghề này không. Tôi gật đầu bảo thích lắm, tưởng đâu ông sẽ mừng, nhưng ông liền kéo sệ cặp kính, nói một cách ngại ngùng rằng con nhìn lại con coi con có sắc không mà đòi thành công.

Năng khiếu thì không biết có hay không chứ chắc chắn sắc đẹp là không, phải sắc nước như cô Thanh Nga thì mới mong… Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, ông phẩy tay nói, thôi, sắc đẹp vậy, con chọn hài kịch cũng phải. Tôi ngưỡng mộ mẹ tôi về lòng chung thủy và kính trọng ba vì cuộc sống thanh bạch.

* Nếu như ngày ấy không biết đến SK, chị sẽ chọn nghề gì?

- Chắc sẽ trở thành cô giáo dạy cấp I, bởi tôi rất yêu nghề giáo. Thật ra, lúc đầu khi bước chân vào trường, tôi không ý thức được sau này mình sẽ làm gì, định hướng nghề nghiệp không rõ ràng, chưa có cái nhìn xa về nghề. Ngay cả khi đã tốt nghiệp về nước, tôi cũng không biết mình làm gì. Ở Liên Xô lúc đó có đoàn kịch hài, nói ra câu nào là khán giả cười rần rần, tôi thích lắm.

Khi làm chương trình Tuổi Trẻ Cười sống, tuy chỉ là diễn phong trào, nhưng về chuyên môn, tôi thấy thỏa mãn vì gần chạm được ước mơ, nói được những suy nghĩ của mình với tư cách công dân (phê phán những hiện tượng chưa đẹp của xã hội).

Xuan Huong: Toi dang tan huong nhung ngay hanh phuc

Nghệ sĩ Xuân Hương trong vở Buồn ơi chào miTình như trang giấy trắng

* Chị nghĩ thế mạnh của mình là gì?

- Là đào sâu được nội tâm nhân vật. Tuy xuất hiện ngắn, nhưng định hình được nhân vật có lý lịch, tính cách rõ ràng. Thế mạnh của tôi là ngôn ngữ, thể hiện bằng nhiều cung bậc, nhiều ngữ điệu, bằng giọng nói, bằng tiết tấu, làm toát lên được thông điệp, lời ngầm của vở kịch.

* Chị suy nghĩ gì về sự thành công bước đầu ngày trở lại?

- Tôi ước mong có một SK nghiêm túc, chuyên nghiệp, có sự đồng điệu của khán giả. Không có khán giả đồng điệu, không làm SK được. Tôi ước mong khán giả của mình được thưởng thức những tác phẩm ngang tầm thế giới, song nhìn lại thực tế, nghệ thuật ở nước mình chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ của diễn viên cũng không được đồng đều thì tránh sao thị hiếu thưởng thức của khán giả chưa được nâng lên.

Người làm nghệ thuật như người đầu bếp, làm giỏi thì khán giả mới có món ăn ngon. Cứ cho ăn món dở, người ta sẽ nghĩ chất lượng nghệ thuật là như vậy, và họ quay lưng. Ở nước ngoài, kịch in thành sách, sinh viên nghệ thuật mà chậm chân là hết. Một vở kịch được nhiều nhà hát dựng để cùng so sánh. Còn ở đây, mình chỉ chọn dựng những vở ăn khách, không mấy chú trọng tới thông điệp vở diễn.

Người ta quên rằng chức năng của nghệ thuật là giáo dục và đem lại mỹ cảm cho con người, từ đó, tâm hồn được thanh lọc, được nâng lên.

* Thương hiệu Thanh Bạch - Xuân Hương với Những người thích đùa một thời làm mưa làm gió, chẳng lẽ chị để trôi luôn vào dĩ vãng?

- Những người thích đùa không chỉ đem lại tên tuổi cho Xuân Hương mà cho cả Thanh Bạch nữa. Chính thương hiệu này đã giúp nghề MC của anh Thanh Bạch được mến mộ. Chúng tôi cũng đang tính toán làm cách nào để Những người thích đùa trở lại với công chúng.

* Sự chia tay của anh chị không làm ảnh hưởng tới thương hiệu Thanh Bạch - Xuân Hương sao?

- Dù đã chia tay, song chúng tôi vẫn coi nhau như bạn, không nhìn nhau bằng ánh mắt thù hận. Cuộc sống của tôi từ nhỏ đã rất khổ cực, rất sợ sự thù hận, nên luôn muốn tìm sự ấm áp cho tâm hồn để cuộc đời này còn niềm vui. Tôi muốn cho đi và nhận lại sự chân tình trong cuộc sống.

Từng sống chung, từng có con chung, chúng tôi muốn giữ một mối quan hệ đẹp đẽ với nhau để con chúng tôi không mặc cảm với bạn bè chung quanh. Mới đây, CLB Xuân Hương tổ chức cuộc thi áo dài (bỏ túi), anh Thanh Bạch làm MC. Mọi người nói đùa, “vinh dự” vì cuộc thi hoa hậu ao làng mà có MC Thanh Bạch.

Xuan Huong: Toi dang tan huong nhung ngay hanh phuc

* Nghe đâu Xuân Hương còn làm “cố vấn ẩm thực” cho nhà hàng chay Quang Thảo?

- Từ lâu, tôi đã nấu món mặn nổi tiếng trong bạn bè, chinh phục được những người sành ăn, nên khi biết Quang Thảo mở nhà hàng chay, tôi mới thử nghiệm mấy món, thấy làm món chay rất khó. Rất may là tôi đã thành công, chính tôi cũng phải ngạc nhiên.

Quang Thảo thích cách nấu của tôi, nhờ tư vấn, đứng bếp chung với các đầu bếp trẻ. Các em học qua sách vở có bài bản, nhưng mình có kinh nghiệm, biết sáng tạo những món lạ. Tôi rất vui vì đã thành công trong chuyện bếp núc. Trước được bạn bè khen, bây giờ đem kinh doanh được, nghĩa là sự khẳng định đã tăng lên.

* Trở lại là người độc thân, chị có buồn không?

- Chưa bao giờ tôi thấy hạnh phúc được sống cho mình như lúc này. Con trai tôi đã tốt nghiệp đại học, hiện đang làm nghề tổ chức sự kiện và chính công việc này đưa cháu sống gần cha nhiều hơn. Tôi bận rộn suốt ngày với những niềm đam mê của mình, khi không viết tiểu phẩm thì chăm sóc nhà cửa, vào bếp nấu ăn, làm bánh và có nhiều bạn để chia sẻ, giúp đỡ nhau nên không còn chỗ nào cho sự muộn phiền. Có thể nói, đây là thời gian tôi tận hưởng hạnh phúc.

CÁT VŨ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI