Miền Tây, cỗ tết là tâm người

03/02/2022 - 13:24

PNO - Từng món ăn thức uống phổ biến của mỗi vùng miền thường thấp thoáng tính cách lẫn phong tục địa phương, thổ nhưỡng… nơi đó, thể hiện rõ nhất là dịp “tết nhứt”.

Tháng Chạp về. Từng cơn gió chướng cũng phóng theo, mát rượi miệt đồng bằng. Đang lom khom quét sân, cô Hai Lụa, ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tủm tỉm cười một mình. “Cổ” nhớ tới cái tật mê chụp hình cúng 

“Phây-bút” của mình, làm cháy khét một mẻ hủ tíu xào chuẩn bị cúng rước ông bà dịp tết con trâu năm rồi.

Gọn nhẹ, tinh tươm một mâm cúng “đất đai” tết ta, ở Gò Công
Gọn nhẹ, tinh tươm một mâm cúng “đất đai” tết ta, ở Gò Công

Như mọi năm, ba chị em gái nhà Lụa xúm lại xắt gọt, xào rửa, chuyện trò ríu rít không quá hai giờ đã hoàn tất bốn mâm cúng tươm tất. Có món khô và nước với bánh trái tráng miệng đàng hoàng.

Đầu bảng, phải kể tới nồi canh chua Nam bộ giúp giải nhiệt, cân bằng với cái nắng chói chang màu mỡ gà. Mèn ơi! Cái mùi vị chua thơm bát ngát của canh mới khuyến dụ làm sao. 

Vít cành hái vài chùm me dốt toòng teng cạnh bờ ao hay sau chái bếp, giằm lấy mùi vị chua thơm thanh dịu và độ tươi nguyên đặc biệt của nó - nêm canh. Canh có thể nấu với cá lóc, cá hú hay tôm sông hoặc nấu toàn rau, quả nếu vào ngày chay, như bạc hà, khóm, đậu rồng, đậu bắp, giá... 

Độc đáo ở chỗ, tô canh chua Nam bộ thường đi kèm chén “thịt cộp”. Đó là chén muối ớt mới giã nghe “cộp cộp” sau bếp, chấm kèm. Nếu thay chén muối ớt bằng dĩa nước mắm y, sẽ “sọc dưa ngay”, bởi lúc đầu chấm vào thì mặn đó, nhưng dần về sau càng nhạt nhòa.

Thêm món kho không thể thiếu trong ba ngày tết là nồi thịt heo kho tàu với nước dừa xiêm, chen vài chục trứng (gà, vịt, cút). Mẹo để cái lẫn nước thêm ngọt bùi hấp dẫn, là thêm gia vị lá chuối tươi vào nồi kho. Chọn ít lá chuối tươi còn phe phẩy trên cây, loại dày dày, không già cũng không non. Rửa sơ bụi, xé nhỏ, quấn lọn, nhét xuống đáy nồi lúc vừa nêm nếm sơ và chỉnh sang lửa riu riu. Chất chát trong nhựa lá chuối giúp hương vị nồi thịt thêm thanh tân. Món này, phải hoàn tất trong ngày 29 tết.

Còn lại, các món luộc, xào, chiên, nướng con gái nhà quê mà “mần” không xong thì coi chừng ế chỏng ế chơ. 

Mâm cỗ tết miệt vườn cũng thể hiện tính hào sảng và năng động, uyển chuyển của dân Nam. Bằng chứng là, bữa cúng nào cũng dọn thức ăn chật bàn thờ, nhưng hiếm khi lặp lại mà đổi món thường xuyên. Dĩa cá lóc đồng nướng trui thơm phức hay vỉ cá kèo sông kẹp tre tươi nướng mộc tươm mỡ thơm, dầm nước mắm y cũng có thể dọn cúng kèm.

Mấy món mắm ngon có mắm tôm chua, mắm ba khía ngọt… Kẹp đũa mắm với lát thịt ba rọi hoặc tai heo luộc xắt mỏng, cặp cùng nhúm rau vườn non tươi gồm chuối chát, khế chua hườm, dưa leo, đọt xoài, đọt rau nhái… chủ vị chát - chua, bắt bén vô cùng.

Lão nông Tám Hổ, ở Vàm Nao, tỉnh An Giang cười ha hả viện giải rằng, cứ “bắt” ông bà ăn thịt cá, đồ xào hoài riết hồi họ cũng “ngán ngược” chớ bộ. Hỏi làm sao biết ông bà “khuất mặt” đang ớn ngán, ông đáp tỉnh bơ: “Khi nào mình… ngán thì họ cũng ngán thôi!”.

Món tôm khô “cặp kè” củ kiệu hoặc miếng khô sùn sịn (một loại cá chình sông nước lợ, thịt béo ngọt) chiên vừa vàng chấm ngập chén mắm me chua - ngọt thì hút mồi hết biết, nhất là nhâm nhi rỉ rả. Thứ này mà đi vắng thì… đừng cất ra bằng giọng miền Tây nữa!

Người miền Nam thường không câu nệ. Món ăn trong mâm cỗ tết hoặc tiệc tùng quan trọng không phân biệt gốc gác bình dân hay quý phái. Miễn chúng ngon, hợp “gu” là họ bày ra cúng kiếng, thết đãi.

Mê mải cuốn cá lóc nướng chen rau dại, rau vườn
Mê mải cuốn cá lóc nướng chen rau dại, rau vườn

Tuy nhiên, vui xuân đâu chỉ lo tràn ngập miếng ngon mà còn phải biết vỗ về tâm an, nhất là phải rảnh rang mà xả hơi. Vất vả chuyện đồng áng và căng thẳng suốt cả năm con trâu mắc… dịch rồi còn gì!

Một anh bạn đồng nghiệp gốc Vĩnh Long cũng nghĩ thoáng như vậy. Anh nói, nhà anh chỉ có nồi bánh tét đêm giao thừa là được chăm chút nhất, để nhắc nhở các con về bếp lửa đoàn viên, về mái ấm gia đình. Còn các món cúng kiếng thì càng gọn nhẹ càng tốt. Với các loại thực phẩm chế biến sẵn hoặc đã sơ chế, như chả lụa (mặn và chay), bánh tráng, bánh phồng, mứt gừng… thì đặt mua ở các mối quen.

“Dư thời giờ thì mình rảo đi thăm hỏi bà con họ hàng hoặc viếng chùa đầu năm, vẫn vui thú hơn quần quật dưới bếp”, anh chia sẻ.   

Tết là để lắng đọng, sau một năm bộn bề lo toan; để nhìn rõ được lưng mẹ thêm còng, tóc cha thêm bạc và đám cháu con ngoan hiền đang trưởng thành. Ngoảnh lại, ngước nhìn lên bàn thờ gia tiên thoang thoảng hương trầm thêm thư thái an vui.  

Chớp mắt, sáng ra đã thấy mấy chùm mai vàng rạng rỡ với nắng xuân. 

Bài và ảnh: Tấn Tới

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI