Sáng 23/4, chúng tôi ghé thăm Nhà Văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh nằm bên dòng sông Truồi trong xanh, thuộc thôn Nam, xã Lộc An, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nơi đây đang được gấp rút chỉnh trang, dự kiến sẽ là địa điểm đón người dân đến thắp hương tưởng nhớ vị đại tướng, nguyên Chủ tịch nước.
|
Vĩnh biệt nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh |
Đại tướng không muốn xây nhà lưu niệm
Kể từ ngày khánh thành, Nhà Văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh trở thành địa chỉ văn hóa đón học sinh, người dân và du khách đến tham quan, đọc sách, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của đại tướng. |
Nhà Văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, được khởi công xây dựng năm 2011 và được khánh thành tháng 4/2012, với khuôn viên rộng hơn 4.000m2 gồm nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn. Đây cũng chính là nơi Đại tướng Lê Đức Anh sinh ra và lớn lên. Bước qua cánh cửa chính làm bằng gỗ là khoảng sân lát gạch dẫn vào ngôi nhà nhỏ hai tầng, mái lợp ngói hình bát giác tọa lạc trên mặt hồ trong xanh, hai bên là thảm cỏ mượt. Trong cùng là ngôi nhà chính có kiểu dáng một ngôi nhà rường Huế, gian giữa đặt tượng Bác Hồ, bàn thờ gia tiên, bài trí tranh ảnh của đại tướng.
Đặc biệt, gian trái và phải trưng bày 4.000 đầu sách trên kệ gỗ, hầu hết là những đầu sách có nội dung về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh - một con người suốt đời phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi cho đất nước.
|
Sông Truồi trong xanh vẫn in bóng vị tướng già |
Nghe tin Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần, từ sáng sớm, bà con trong làng tất bật dọn dẹp vệ sinh, trang trí lại nhà văn hóa mang tên Đại tướng Lê Đức Anh. Đang loay hoay cùng mọi người dọn dẹp bàn thờ, chuẩn bị hương án để bà con đến thắp hương tưởng nhớ, ông Trần Đình Hàn - 85 tuổi, ở làng Bàn Môn - xúc động kể, lúc còn khỏe, cứ mỗi lần về thăm quê, đại tướng thường ra bến sông Truồi, ngồi rất lâu. Ông nói với mọi người trong làng rằng, nơi đây đã gắn bó cùng ông từ những ngày niên thiếu. Lúc cả gia đình bàn bạc xây nhà văn hóa này, Đại tướng Lê Đức Anh đã nói với mọi người rằng không nên xây to, sợ choán mất nhiều đất.
Ông Lê Hữu Đức - người gọi Đại tướng Lê Đức Anh bằng ông nội chú - hiện đang sống cạnh nhà thờ gia tộc họ Lê - nhớ lại, mấy anh em trong gia đình, dòng tộc cùng ông Lê Mạnh Hà (con trai Đại tướng Lê Đức Anh) bàn bạc xây dựng một khu lưu niệm ngay cạnh mảnh đất quê hương nhưng đại tướng nhất quyết không chịu; sau này, khi anh em nói làm nhà văn hóa, ông mới đồng ý.
Ông Đức kể: “Hôm về dự lễ khánh thành vào dịp Festival Huế năm 2012, nhiều người muốn hỗ trợ kinh phí mở rộng diện tích khuôn viên để có bãi đậu xe, khu vui chơi, nhưng ông nhất quyết không chịu”. Đại tướng nhắn nhủ: “Quê hương Điền Môn, Phú Lộc còn nghèo, các cháu đi học còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, chỉ nên làm thư viện để con cháu trong làng có chỗ đến học, đọc sách”. Từ ngày khánh thành đến nay, rất nhiều đầu sách, tư liệu đã được đưa về đây để trẻ đến đọc.
Đi đâu cũng nhớ bát chè Truồi
Vùng quê Lộc An có hai đặc sản nổi tiếng ở xứ Thừa Thiên, đó là chè Truồi và quả dâu. Dù ở cương vị nào, cứ mỗi khi có dịp ghé thăm quê, Đại tướng Lê Đức Anh cũng mong được uống bát chè xanh quê hương, bên con sông Truồi.
Ông Hoàng Ngọc Yến - 87 tuổi, ở thôn An Lại, xã Lộc An, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An từ năm 1981 đến 1989 - đã có ba lần gặp Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ấn tượng đọng lại trong ông là hình ảnh vị đại tướng rất gần gũi với bà con. Mỗi lần ghé thăm trụ sở xã cũ (lúc đó còn nằm gần cầu Truồi), đại tướng luôn nhắc nhở, làm cán bộ phải thương dân. Ông nói “không nơi nào ở xứ Thừa Thiên mình mà có được một chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập vào những năm 1930 như quê hương chúng ta”.
Đại tướng căn dặn ông Yến, làm bí thư thì phải biết hy sinh cá nhân để lo cho bà con xóm làng, phải phát huy tinh thần cách mạng của quê hương xứ Truồi. “Kết thúc câu chuyện, bao giờ bác Lê Đức Anh cũng uống ly nước chè xanh với mùi gừng đậm đà của xứ Truồi. Ba mươi năm trong quân đội, tôi chưa bao giờ gặp được một vị tướng gần dân, nặng tình quê hương như Đại tướng Lê Đức Anh” - ông Yến nói.
|
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh |
Ông Nguyễn Bùi - hiện là Bí thư Đảng ủy xã Lộc An - nhớ lại, trong một lần về thăm quê hương giữa năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh đột ngột ghé vào UBND xã Lộc An để thăm các cán bộ đang làm việc tại đây. Lúc đó, sức khỏe đại tướng đã yếu, phải có người dìu đi. Buổi ghé thăm của đại tướng chỉ kéo dài trong 30 phút. Trong chừng ấy thời gian, đại tướng đã dặn dò các cán bộ xã đủ điều.
Đến tận hôm nay, sự giản dị, gần gũi của Đại tướng Lê Đức Anh vẫn còn in hằn trong tâm trí của ông Bùi và nhiều cán bộ xã Lộc An. Ông Bùi nhớ lại lời nhắn nhủ của đại tướng: “Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn, nhưng tôi đã lớn tuổi rồi, đã về hưu và không giúp gì được. Vì thế, cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, mới hiểu và giúp người dân được”. Kết thúc buổi nói chuyện, đại tướng còn nhắc nhở: “Ở quê mình, nước chè Truồi là ngon thượng hạng, sao không đem ra mời bác, lại cho bác uống nước suối?”.
Dù xa quê rất lâu, thường xuyên ở ngoài chiến trận, rồi lên làm lãnh đạo ở trung ương nhưng tình yêu và nỗi nhớ quê luôn đau đáu trong lòng Đại tướng Lê Đức Anh. Chính vì thế, lúc còn sống ông đã viết trong hồi ký của mình: “Quê tôi có núi Truồi và sông Truồi. Sông Truồi bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây của H.Phú Lộc đổ ra phá Tam Giang. Sông Truồi có nguồn nước dồi dào làm cho làng xóm hai bên bờ trở nên sầm uất và làm cho cánh đồng quê tôi tươi tốt”.
Đánh giá về Đại tướng Lê Đức Anh, cố Tổng bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Anh nắm chắc tình hình trong và ngoài nước và tình hình quân đội nên giải quyết chắc chắn. Sinh hoạt và lối sống giản dị, mẫu mực. Tôi cho rằng anh Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”. |
Thuận Hóa