Xử trí thế nào với tiền của con?

17/02/2024 - 11:15

PNO - Với trẻ nhỏ, tiền lì xì chỉ cần "quay lại" túi cha mẹ là xong, nhưng với trẻ lớn hơn, nhất là ở tuổi "lỡ cỡ" cấp I, cấp II, việc xử lý tiền nong của trẻ khá đau đầu.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đọc bài viết Tiền lì xì của con về túi ai?, tôi đồng tình với tác giả rằng việc giải quyết tiền nong của trẻ là điều không hề đơn giản.

Sau tết, con gái 10 tuổi của chị tôi bỗng dưng có rất nhiều tiền. "Lấy trên tay" của con thì có vẻ "sai sai", mà để con giữ và tùy ý sử dụng số tiền lớn thì cũng không yên tâm. Chính vì vậy, từ mấy năm trước, chị tôi đã ngồi lại với con, để thống nhất cách sử dụng tiền lì xì. Chị cho con lên danh sách mua những thứ cần mua sắm, thứ gì chưa hợp lý sẽ để lại sau.

Vì số tiền khá nhiều (như năm nay là hơn 5 triệu, năm trước lên tới hơn chục triệu đồng), nên sau khi hướng dẫn con lên kế hoạch sắm các đồ dùng học tập và sinh hoạt cần thiết, một phần tiền sẽ được chuyển thành quà tặng trẻ em ở các cơ sở giáo dục đặc biệt. Số tiền còn lại được chị gửi vào sổ tiết kiệm riêng của con như một tài sản dành dụm cho con. Mỗi năm, số tiền đều được thêm vào mà không rút ra, chị dự tính, sau này khi con đủ 18 tuổi có thể sử dụng cho việc lớn như mua xe máy, nộp học phí đại học, đi du lịch nước ngoài...

Thật ra không phải trẻ nhỏ nào cũng hiểu hết ý nghĩa của việc để dành hoặc chia sẻ với người khác. Vấn đề là con cũng cần phải được làm những gì mình yêu thích và ba mẹ cũng đừng nên dùng quyền người lớn để áp đặt con phải nghe theo.

Năm vừa qua, con trai tôi (8 tuổi) phụ giao hàng cho một tiểu thương ở chung cư. Do cu cậu đã khá rành rẽ về tiền nong nên sau khi giải thích vài điều cơ bản như tiêu dùng bao nhiêu, để dành bao nhiêu, tôi đã tạm yên tâm để bé tự quyết số tiền kiếm được.

Nhà tôi đơn chiếc, con tôi không có tiền triệu lì xì như các bạn, nhưng sau tết các con vẫn có tiền rủng rỉnh hơn so với ngày thường. Với 2 đứa con tôi, mấy trăm ngàn đồng cũng là số tiền đáng mơ ước. Và tôi cũng không đợi có số tiền lớn hơn mới dạy con cách chi tiêu tiền.

Đầu tiên, tôi vẫn cho con dùng 30% số tiền ấy để mua những gì con thích. Sau khi mua được đồ ăn vặt mình yêu thích, cậu dành 20% còn lại để mua 1 cuốn truyện tranh.

Năm nay, tôi đề nghị con mua thêm một quyển sách rất hay về tài chính dành cho trẻ em: Chú chó mang tên Money của tác giả người Đức Bodo Schäfer. Sách khá nổi tiếng và đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng.

Một cuốn sách dễ đọc về tài chính cho trẻ em do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành
Một cuốn sách dễ đọc về tài chính cho trẻ em do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành

Sách có nội dung dễ hiểu, gần gũi với trẻ em. Nội dung sách kể về một chú chó giống Labrador lông trắng, được cô bé Kira nhặt về nuôi. Cô bé đã đặt tên chú chó là Tiền Tiền (Money). Money không chỉ biết nói mà còn là một chuyên gia thứ thiệt về lĩnh vực tài chính và quản lý tiền bạc.

Khi Kira tần ngần muốn mua một chiếc đĩa CD ca nhạc, cô đã nghe được giọng nói ngăn cản phát ra từ chú chó của mình. Các phương pháp quản lý tiền của Money đưa ra cho Kira nghe có vẻ rất đơn giản. Đầu tiên để quản lý được tiền, cần trì hoãn những ham muốn, nhưng thật ra, với trẻ con thì điều này không đơn giản.

Chính vì vậy, chú chó yêu cầu Kira đưa danh sách 10 điều mong muốn có được nếu có tiền, sau đó lại bắt Kira chỉ giữ lại 3 điều.

Đọc đến đây, con tôi cũng tự đưa ra bảng danh sách như vậy, sau đó nói với tôi sẽ tự đóng tiền cho thầy để mua bộ dụng cụ kỹ thuật công nghệ với số tiền hơn 50 ngàn đồng.

Vì số tiền còn lại không nhiều nên tôi đề nghị con tôi để dành, nếu vào năm mới có thêm tiền đi giao hàng cho mẹ hoặc cho người khác, con có thể để dành để đủ số tiền có thể mở tài khoản tiết kiệm. 

Không gì bằng việc tích tiểu thành đại, những con đường to lớn đều phải bắt đầu từ những viên gạch bé nhỏ.

Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI