Xử trí thế nào khi bị chó cắn?

03/04/2024 - 06:16

PNO - Mỗi ngày, trung bình có 88 lượt người đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiêm vắc xin ngừa dại, có ngày lên 300 lượt.

Bác sĩ Danh Thơm - Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - cho biết, mỗi ngày, trung bình có 88 lượt người đến đây tiêm vắc xin ngừa dại, có ngày lên 300 lượt. Trong năm 2023, có khoảng 44 người phải tiêm huyết thanh kháng dại do bị chó, mèo cắn.

Người dân tiêm vắc xin ngừa Dại
Người dân tiêm vắc xin ngừa dại

Theo ông, trong số các nạn nhân, không ít người bị chó, mèo mình nuôi cào, cắn. Hầu hết người bị chó, mèo cắn chủ quan, cho rằng chó nhà nuôi hiền, không nguy hiểm nên vẫn chơi đùa, chăm sóc bình thường, cho đến khi vật nuôi đột ngột dữ tợn, cào cắn chủ hoặc người khác, họ mới đến bệnh viện khám. Mọi người nên biết rằng, dù là vật nuôi trong nhà, chúng vẫn có thể cắn nhau với chó, mèo hoang và bị lây bệnh dại. Vi rút gây bệnh dại có trong tuyến nước bọt của động vật, nên dù không cắn mà chỉ liếm vào vết thương của con người, vật nuôi mắc bệnh dại cũng có thể lây bệnh cho người.

Cũng theo bác sĩ Danh Thơm, khi nắng nóng kéo dài, động vật bị căng thẳng, trở nên hung dữ. Thông thường, khi tấn công người, vật nuôi ít hoặc không có biểu hiện cảnh báo trước nên nạn nhân khó phòng bị. Đặc biệt, khi bị nuôi nhốt, xích dây lâu ngày, cộng với nắng nóng, vật nuôi càng bị kích động, khả năng tấn công người cao hơn, rất nguy hiểm.

Đối với động vật lẫn người, khi đã lên cơn dại thì đều không thể chữa khỏi.

Bác sĩ Danh Thơm khuyên, mọi người nên tiêm vắc xin ngừa dại cho vật nuôi trong nhà, tiêm đúng và đủ liệu trình. Khi cho vật nuôi ra đường, cần có dây xích và dụng cụ khóa (rọ) mõm, đề phòng chúng chạy rông, cắn người. Nếu không may bị chó cắn, nạn nhân và những người xung quanh cần được cách ly với chó, tránh dùng gậy gộc làm cho chó càng thêm kích động, có thể cắn thêm nhiều người khác.

Nạn nhân cần được rửa vết thương bằng vòi nước sạch, xối rửa vết thương trong khoảng 15 phút, không chà xát nhằm tránh tổn thương nghiêm trọng hơn. Sau khi rửa sạch vết thương, dùng bông lau khô, dùng cồn, nước muối pha loãng hoặc ô xy già để sát trùng. Nếu vết cắn máu chảy quá nhiều, nên dùng băng gạc cầm máu rồi mau chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. Vết thương do chó cắn (không phân biệt chó nhà hay chó dại) cần được cơ sở y tế theo dõi trong ít nhất là 48 giờ. Nên tiêm ngừa dại, uốn ván cho nạn nhân càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng.

Người nhà nạn nhân cần theo dõi con chó đã cắn người từ 7-15 ngày, xem chúng có triệu chứng bệnh dại hay không, để bác sĩ có hướng điều trị đúng. Nếu trong 15 ngày, con chó cắn người bỏ ăn, mất tích, chết hoặc bị giết thì nên báo với bác sĩ. “Người dân không được tự ý xử trí sai cách, như đắp thuốc nam, nặn máu, thoa dầu gió, thoa lọ nghẹ, yểm bùa ngải…” - ông khuyến cáo.

Triệu chứng khi mắc bệnh dại

Bệnh dại được biểu hiện qua nhiều triệu chứng, thường được chia ra làm 3 giai đoạn chính. Giai đoạn ủ bệnh: khoảng từ 20-90 ngày tùy vào vết cắn, vết cắn càng gần dây thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngoài ra, một số trường hợp có thể có thời gian ủ bệnh nhiều năm. Giai đoạn khởi phát: trước khi phát bệnh từ 2-4 ngày, người bệnh có cảm giác đau nhức ở vết cắn, vết thương sưng tấy. Triệu chứng này ngày càng lan rộng theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết, đồng thời kèm theo một số biểu hiện bồn chồn, nóng nảy, cáu giận, la hét vô cớ.

Giai đoạn toàn phát: bệnh bắt đầu tiến triển nhanh, mạnh, người bệnh sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, trở nên hung dữ, kích thích, hốt hoảng, bị các cơn co giật, co thắt thanh quản và cơ hô hấp, sau đó ngừng tim, ngừng thở. Người bệnh cũng có thể bị sốt cao, đồng tử giãn không đều, tăng tiết, hạ huyết áp thế đứng. Bệnh tiến triển nhanh, làm cho người bệnh hôn mê, ngừng thở, ngừng tim, thường tử vong trong khoảng 2-4 ngày sau khi lên cơn dại.

Bác sĩ Danh Thơm

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI