Xử trí khi bé bị chảy máu

12/11/2015 - 07:38

PNO - Cần biết rõ một vài hiện tượng cụ thể gây chảy máu ở trẻ để có cách xử trí phù hợp.

Chảy máu ở trẻ sơ sinh

Ngay sau khi chào đời, bé gái thường có hiện tượng chảy vài giọt máu ở âm đạo. Hiện tượng này xảy ra do thai nhi nhận nội tiết tố nữ qua cơ thể mẹ, sau khi chào đời, nội tiết tố sụt giảm gây chảy máu. Hiện tượng sinh lý này sẽ hết sau một-hai ngày.

Một hiện tượng chảy máu khác cũng khiến phụ huynh lo lắng là chảy máu vùng rốn. Sau khi sinh, bác sĩ dùng kẹp để tách rời bé khỏi bánh nhau. Khi cuống rốn rụng, vùng da non dễ bị rỉ máu nếu bị va chạm mạnh.

Những ngày đầu trong bệnh viện, em bé thường được nữ hộ sinh chăm sóc. Trong trường hợp tự làm vệ sinh cho bé, cần nhớ khi tắm nên chừa vùng rốn để vệ sinh riêng. Khi thay băng rốn cần có thuốc sát trùng dùng riêng cho trẻ sơ sinh, các động tác cần nhẹ nhàng.

Nếu thấy bé bị rỉ máu do trầy xước, do va chạm trước đó thì không quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu có kèm sốt và viêm nhiễm, bé bỏ bú, quấy khóc, nên đưa bé đi bác sĩ.

Chảy máu cam

Xu tri khi be bi chay mau
Ảnh minh họa - Shutterstock

Trẻ nhỏ thường bị chảy máu cam. Nguyên nhân: bên trong mũi có nhiều mạch máu nhỏ, dễ bị vỡ gây chảy máu nếu bị khô do thường xuyên ở trong phòng điều hòa nhiệt độ hoặc do chạy chơi va chạm, hoặc lấy tay ngoáy mũi….

Trước đây, sơ cấp cứu chảy máu cam thường là cho bé đứng ngửa mặt lên trời hoặc nằm ngửa một lúc cho máu ngưng chảy hay dùng bông gòn nhét vào mũi, nhưng cách cấp cứu này gây nhiều nguy hiểm.

Bác sĩ Lê Thiện Anh Tuấn – Hội Y học TP.HCM giải thích: “Cách cấp cứu ngửa đầu rất nguy hiểm vì những cục máu đông dễ dàng lọt vào họng và làm nghẽn đường hô hấp; bông gòn có thể gây nghẹt mũi. Hiện nay, để cấp cứu chảy máu cam, dùng tay kẹp hai cánh mũi, cùng với việc đắp khăn lạnh lên sống mũi. Cúi đầu trong 10 phút. Phụ huynh cần đưa bé đi bệnh viện nếu sau khi cấp cứu mà máu vẫn chảy. Trường hợp này có thể trẻ bị vỡ mạch máu lớn hoặc bị bệnh máu không đông”.

Phòng từ xa chảy máu cam bằng cách không cho bé nhét dị vật vào mũi. Hãy để những vật nhỏ như: nút áo, viên bi, các loại hạt… xa tầm tay bé. Bé chảy máu cam do ngoáy mũi rất dễ phát hiện vì móng tay còn dính ít máu, hoặc cục máu khô…

Chảy máu tai

Tai của trẻ em bình thường không bị chảy máu, ngoại trừ bị tác động từ bên ngoài. Các bé đang tuổi học ăn, học nói rất thích bắt chước để… tích lũy kinh nghiệm. Bé học tất cả những gì người lớn làm, trong đó có cả thói quen ngoáy tai mà thường do vô tình người lớn làm trước mặt bé. Bé có thể dùng bất kỳ vật gì để ngoáy tai hoặc nhét vào tai, gây chảy máu.

Trong tai có hệ thống lông với nhiệm vụ đẩy chất cặn bã. Nhờ đó, ráy tai tự rơi ra ngoài, không cần ngoáy tai vẫn sạch. Để bé không bị chảy máu tai, cách tốt nhất là không ngoáy tai cho bé và không ngoáy tai trước mặt con trẻ. Để các đồ vật có thể nhét vào tai xa tầm tay của bé (tăm, bút bi, viên bi, và kể cả đồ ngoáy tai…).

Tổn thương sâu bên trong tai dễ ảnh hưởng đến thính lực của bé. Vì vậy, khi bị chảy máu tai, nên đến bác sĩ tai mũi họng khám để xác định tổn thương, có cách xử trí phù hợp.

Chảy máu do sa niêm mạc niệu đạo

Bé bị ho hoặc táo bón có thể dẫn đến sa niêm mạc niệu đạo, sa niêm mạc hậu môn trực tràng. Bé gái trong độ tuổi từ năm chín, nếu thấy bị chảy máu âm hộ, sau khi ho nhiều hoặc tiêu chảy, táo bón kéo dài nên nghĩ đến sa niêm mạc niệu đạo. Phần thịt lồi ra có nhiều mạch máu nên dễ gây chảy máu khi trầy xước, bé sợ đi tiểu vì bị rát hoặc tiểu khó.

Thực chất, bé chảy máu từ niệu đạo nhưng phụ huynh thường không phân biệt được nên thường nghĩ bị xuất huyết âm đạo. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM khuyên, khi bé bị chảy máu, nên đưa đến bệnh viện nhi đồng để thăm khám, xem xét nguyên nhân có phải do tăng áp lực ổ bụng hay bị dị tật bẩm sinh. Nếu bé bị dị tật bẩm sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật.

Phương Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI