Bạn bè xúm lại hỏi tôi: “Dubai thế nào? Đẹp không? Hay không? Thích không?” Trả lời: Rất đẹp, rất hay, rất thích mà cũng rất hoang đường.
Biến không thể thành có thể
Trên đường từ sân bay về khách sạn, chúng tôi nhìn nhau: “Sao quang cảnh xác xơ chỉ một màu cát trông chán thế nhỉ?”. Xe dần vào trung tâm thành phố, những công trình đang xây dựng và những tòa nhà chọc trời tráng lệ lần lượt hiện ra.
Tuy nhiên, thành phố vắng bóng cây nên trông khô và rát mắt. Mãi đến ngày hôm sau, khi bắt đầu rảo một vòng các địa điểm nổi tiếng tham quan thành phố, tôi mới cảm nhận dần dần vẻ đẹp của nơi này.
Dubai được dựng lên giữa một vùng sa mạc rộng lớn - nơi chỉ có 20% dân số là người gốc Dubai, 80% còn lại là dân nhập cư. Đàn ông cưới vợ sẽ được chính phủ tặng một số tiền lớn, xe ô tô (tùy sở thích) và một căn villa.
Đa số phụ nữ nước này không cần phải đi làm, chỉ ở nhà làm đẹp và đi mua sắm. Trẻ em đi học cũng không tốn tiền, nếu học giỏi sẽ được gửi đi du học. Đàn ông Ả rập khá lãng mạn và yêu thương vợ con.
Với tham vọng biến những điều không thể thành có thể, Dubai có sân trượt tuyết, rừng nhiệt đới nhân tạo, hệ thống tàu điện ngầm không người lái, những tòa nhà chọc trời mát lạnh... và danh sách dài những kỷ lục “nhất thế giới”.
Mỗi công trình ở Dubai sắc nét đến từng góc cạnh. Kiến trúc chủ đạo ở Dubai hoặc là những công trình lấy cảm hứng từ kiến trúc Ả rập và các nhà thờ Hồi giáo - tòa nhà chính thường có hình vuông hoặc hình chữ nhật, xung quanh có hành lang, cổng vòm - hoặc là những công trình cực kỳ hiện đại với tông màu lạnh của kim loại cùng các ứng dụng công nghệ vô cùng tiện ích và ảo diệu.
Muốn hiểu về thành phố, cảm nhận hai sắc thái có vẻ đối lập kia nên chúng tôi dành một ngày ghé thăm những địa điểm đặc trưng và nhận ra chúng hòa hợp với nhau một cách kỳ lạ. Để tham quan vòng quanh thành phố một cách tiết kiệm nhất, bạn nên đặt tour lẻ một ngày, nửa ngày hoặc nếu muốn chủ động về thời gian thì có thể tự đi bằng xe buýt.
Ngược về Ả Rập cổ đại
Một trong những nơi bạn nên đến để tận mắt chiêm ngưỡng kiến trúc Ả rập từ xa xưa chính là Bảo tàng Dubai. Đây là bảo tàng lớn nhất Dubai, rộng hơn 4.000m2, nằm trong tòa nhà lâu đời nhất còn tồn tại ở thành phố - chính là pháo đài Al Fahidi do người Anh xây dựng năm 1787.
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, pháo đài được chọn làm nơi tái hiện đời sống truyền thống của tiểu vương quốc Dubai trước khi tìm thấy dầu. Hình ảnh đầu tiên bạn nhìn thấy khi bước vào cổng bảo tàng là con thuyền Al Banoush - một phương tiện chuyên chở người và hàng hóa xuôi ngược trên con lạch Dubai Creek nối với vịnh Ba Tư. Bảo tàng được chia thành nhiều gian phòng trưng bày, có bản đồ, nhiều cổ vật địa phương, hiện vật từ các nước giao dịch với Dubai.
Gian cuối cùng nằm sâu dưới lòng đất có những tượng người mặc trang phục cổ, lạc đà, chim ưng, những vật dụng thường ngày… của người xưa. Tất cả khung cảnh, âm thanh, ánh sáng sống động như thật, cộng thêm chút tưởng tượng khiến tôi nghĩ mình đang thực sự quay về quá khứ, sống giữa Ả rập cổ đại.
Thưởng thức cà phê gia vị
Bảo tàng cà phê nằm trong trung tâm di sản Al Bastakiya là nơi bạn có thể dạo quanh, chụp ảnh trong những “con hẻm” nhỏ đậm chất Ả rập, rồi thong thả thưởng thức cà phê Ả rập hay cà phê Ethiopia trong một không gian cũng đậm chất Ả rập không kém.
Cà phê Ả rập là một phiên bản của brewed coffee (phương pháp pha cà phê phổ biến trên thế giới bằng cách đổ nước sôi lên cà phê để ủ và qua một lớp lọc). Chiếc bình dùng để pha cà phê Ả rập là loại bình cao cỡ hai gang tay, có quai cầm, nắp nhọn, vòi rót dài, được mạ vàng hoặc đồng rất sang trọng.
Người đàn ông phụ trách pha cà phê cho khách hiền lành, nói tiếng Anh không trôi chảy lắm nhưng cũng đủ để truyền đạt thông tin, rằng cà phê Ả rập không dùng với đường, mà dùng kèm chà là để hãm vị đắng. Cà phê Ả rập khá loãng, vị đắng nhẹ, hơi chua. Trong cà phê còn có một vị lạ mà khi hỏi ra tôi mới biết đó là vị cardamom (bạch đậu khấu).
Người Ả rập rất thích thêm các loại gia vị vào cà phê để tạo hương vị riêng. Cà phê kết hợp với chà là ngon vô cùng. Ngoài ra, tôi còn thử cà phê Ethiopia do một phụ nữ người Phi bán với giá 10 aed (khoảng 65.000 đồng)/cốc. Cà phê Ethiopia có vị đắng xen lẫn vị chua, rất hợp khi dùng kèm bắp rang.
Lạc lối ở... chợ
Một điểm đến khác khiến tôi cũng thích mê là chợ vải Textile Souk nằm trong khu phố Bur Dubai lịch sử. Những gian hàng sạch sẽ, tươm tất mang kiến trúc Ả rập đưa du khách bước vào thế giới vải ngập tràn hoa văn màu sắc bắt mắt đầy mê hoặc của người Trung Đông.
Người bán đa số là đàn ông, vui vẻ, đon đả chào mời khách. Không có những gương mặt bực dọc vì khách xem mà không mua. Không có những lời xua đuổi khi khách chụp hình ở các gian hàng hay sờ nắm đồ vật. Không có cảnh chèo kéo khách mua cho bằng được…
Tôi ngắm hết hàng này sang hàng khác, chụp hình đem về ngắm tiếp vẫn chưa chán. Chợ nằm bên bờ lạch Dubai Creek nên sau khi đi dạo, bạn có thể dùng cà phê và ăn trưa ở quán cà phê bên bến thuyền.
Nếu bạn yêu kiến trúc Ả rập và vẫn chưa muốn bước ra khỏi hành trình “quay về quá khứ”, chợ cổ Souk Madinat Jumeirah có lẽ là điểm đến tiếp theo. Là một phần của khu nghỉ mát Madinat Jumeirah tuyệt đẹp, khu chợ này có nhiều con hẻm để bạn dạo chơi. Dù trời rất nắng và nóng nhưng khi đến đây, chúng tôi đi từ cổng ngoài đến cổng chính của chợ mất hơn nửa giờ vì mải mê chụp hình.
Vào chợ, bạn sẽ bị thu hút bởi mùi hương đặc trưng của vùng Trung Đông, những chiếc đèn lồng rực rỡ, những loại gia vị thơm ngon, những đồ lưu niệm thủ công… Nghe nói vào ban đêm, Souk trở nên sống động với nhiều hoạt động âm nhạc thú vị.
Tôi đã nghe khá nhiều về Gold Souk - khu chợ bán vàng ở Dubai. Tại đây, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy cảnh vàng treo lủng lẳng khắp nơi. Khu chợ rộng lớn tấp nập người qua lại. Xung quanh khu chợ có rất nhiều quán cà phê, cửa hàng ăn uống có món địa phương bên cạnh các cửa hàng thức ăn nhanh.
Giá thức ăn ở khu này rẻ hơn so với các khu sang trọng khác nhưng so với giá thức ăn ở Việt Nam thì vẫn còn khá đắt. Mỗi phần ăn cho một người thấp nhất khoảng 200.000 đồng.
Chúng tôi đi bộ mỏi chân nên ghé vào một quán có đặt lò quay gà và thịt kebab trước cửa. Vào quán ăn cùng chúng tôi có vài người lao động Ấn Độ. Hai trong số họ cùng chia sẻ một phần ăn đủ để thấy chi phí ở đây cao và những người lao động nhập cư phải ăn uống tằn tiện để có tiền dư gửi về cho gia đình.
Trải nghiệm thú vị ở những nơi “nhất thế giới”
Sau khi cảm nhận nét đẹp truyền thống của Dubai, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Burj Khalifa - tòa nhà cao nhất thế giới (828m). Đây là một công trình mang tính chiến lược của Dubai nhằm phát triển du lịch và thương mại.
Để lên đài quan sát, trước tiên, chúng tôi xuống hầm, vào quầy lấy vé, sau đó nối đuôi nhau đi vào lòng tòa nhà theo một hành lang dài. Đây không chỉ là tòa nhà nhiều tầng nhất thế giới, tòa nhà cao nhất thế giới, đài quan sát cao nhất thế giới mà còn là tòa nhà có hệ thống thang máy nhanh nhất thế giới.
Thang máy chỉ mất khoảng 40 giây để đưa du khách lên đến tầng 124. Chỉ trong chớp mắt, chúng tôi đã ở trên đài quan sát thật rộng, nhìn xuống thành phố. Trải ra trước mắt tôi là những tòa nhà hiện đại mọc chi chít giữa sa mạc mênh mông. Dù Dubai rất nỗ lực trồng cây xanh, dưới mỗi gốc cây đều được lắp đặt hệ thống tưới tự động nhằm cung cấp đủ nước cho cây nhưng có vẻ với thời tiết khắc nghiệt này, cây cối cứ ủ rũ, héo hon.
Cảm giác như thể chúng tôi đang ở trong một bộ phim khoa học viễn tưởng khi cả thế giới không còn nhiều mảng xanh mà nhìn đâu cũng thấy bê tông, kim loại và các ứng dụng công nghệ. Cảm giác lạ lẫm, thích thú, ngưỡng mộ xen lẫn một chút sợ hãi là điều tôi không thể che giấu.
Để Dubai luôn xuất hiện với những cái tít giật gân trên trang tin tức thế giới, một Buji Khalifa làm sao đủ! Dubai Mall - trung tâm thương mại lớn nhất thế giới - với diện tích 1,2 triệu m2 (tương đương tổng diện tích của 50 sân bóng đá), có hơn 1.200 cửa hàng, rạp chiếu phim, quán cà phê, nhà hàng; là một nơi thu hút sự quan tâm của du khách trên toàn thế giới. Trong trung tâm thượng mại có thủy cung nằm ngay tầng trệt với hàng trăm con cá mập cùng nhiều loại cá khác, đặc biệt là bộ sưu tập cá mập Sand Tiger lớn nhất thế giới.
Bạn đã bao giờ tưởng tượng sẽ thăm một khu rừng nhiệt đới nhân tạo ở Dubai chưa? Ở Dubai, mọi thứ đều… có thể! Green Planet (hành tinh xanh) là “mái vòm sinh học đầu tiên của khu vực, tái dựng thế giới mê hoặc của một khu rừng nhiệt đới với đa dạng sinh học phong phú gồm hơn 3.000 loài thực vật và động vật.
Hệ sinh thái khép kín, nằm trong khu City Walk mang đến cho du khách một chuyến thám hiểm vào vùng nhiệt đới. Tại đây, bạn có thể gần gũi con lười (sloth), chim két và nhím, bò sát, cá… thậm chí côn trùng Nam Mỹ.
Ở một nơi điều kiện khắc nghiệt, màu xanh khan hiếm như Dubai, dự án này là một “nỗ lực” để không chỉ du khách thế giới xem thử rừng nhiệt đới như thế nào mà còn để người dân Dubai, đặc biệt là trẻ em, biết rằng một khu rừng trông ra sao.
Ngồi trên xe ngắm cảnh đường phố đối với tôi cũng là một cách hay để có cái nhìn tổng thể về quang cảnh và đời sống người dân bản địa. Xe ngang qua bãi biển Jumeirah Public Beach; từ khung cửa xe, tôi thấy dân cư Dubai đủ mọi màu da, đến từ khắp nơi trên thế giới. Từ bãi biển này, bạn có thể nhìn qua khách sạn 7 sao Burj al-Arab. Ở Dubai, người giàu rất giàu và người nghèo rất nghèo. Dạo quanh một vòng chỉ đủ để cảm nhận phần nào nhiều sắc thái khác nhau của Dubai.
Bạn đã đồng ý với tôi rằng đây là xứ sở hoang đường chưa?
Những điều cần biết trước khi đến Dubai - - Chọn trang phục kín đáo. Tuy nhiên, ở các bãi biển và công viên nước, phụ nữ vẫn có thể mặc bikini. - Tuyệt đối không ăn uống hoặc nhai kẹo cao su khi đang sử dụng phương tiện công cộng nếu không muốn bị phạt tiền. - Không thể hiện tình cảm thắm thiết như ôm, hôn ở nơi công cộng. - Chụp ảnh người khác là một điều cấm kỵ. - Người Hồi không ăn thịt heo nên bạn chú ý đừng mời họ ăn thịt heo nhé! - Ở Dubai, bia rượu chủ yếu được bán ở các địa điểm du lịch và khách sạn với giá rất cao. - Chi phí ở Dubai cực kỳ đắt đỏ. Giá nước ngọt Pepsi trong cửa hàng thức ăn nhanh khoảng 120.000 đồng/ly, còn ở máy bán nước tự động rẻ nhất là 65.000 đồng/lon. Thức ăn ở các hàng quán lề đường rẻ nhất cũng khoảng 100.000 đồng/phần, trong food court tầm 200.000 đồng/phần, trong nhà hàng thấp nhất gần 500.000 đồng/phần. Thức ăn Ả rập sử dụng nhiều gia vị và có nhiều vị lạ. Đối với người Dubai, khi ăn, để thừa một ít thức ăn trên bàn mới là lịch sự. - Dubai dùng ổ điện ba chấu. - Thời tiết ở Dubai rất nóng. Bạn nên chọn trang phục mỏng, nhẹ, mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Đừng quên đội nón và bôi kem chống nắng. |
Lê Ngọc