PNO - Sắp tới, TPHCM sẽ bắt đầu giai đoạn hai về xử phạt vi phạm tiếng ồn để dẹp nạn karaoke tự phát. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất để xử lý các trường hợp vi phạm.
Người dân hát karaoke bằng loa kéo ở vỉa hè đường Sinco vào tối 5/5
Người dân vẫn “kêu khổ” vì loa kéo
Một buổi tối, trên một đoạn ngắn đường Sinco, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM, chúng tôi bắt gặp ít nhất ba điểm hát karaoke bằng loa kéo. Đáng nói, trước một quán ăn trên tuyến đường này, có sáu người ngồi trên vỉa hè vừa uống bia, vừa mở loa kéo hướng về phía dãy phòng trọ đối diện hát ầm ĩ. Anh Khang, người dân địa phương, cho biết: “Đi làm về mệt, họ hát karaoke ồn ào thế này tôi rất bực. Nhưng, bây giờ chưa đến 22 giờ nên tôi chẳng thể làm gì. Tôi mong chính quyền quản lý làm sao mà người ta chỉ hát vào ngày cuối tuần. Những ngày trong tuần phải để người dân nghỉ ngơi chứ!”.
Anh Trần Văn Quý, nhà ở huyện Bình Chánh cho hay, đợt nghỉ lễ vừa rồi, do sợ dịch COVID-19 nên anh ở lại TPHCM. Nhưng, vì tiếng ồn loa kéo, kỳ nghỉ lễ của anh Quý trở nên mệt mỏi. “Nghỉ lễ, công nhân ở nhà rất đông. Chiều về họ lại bày bàn nhậu, hát karaoke đến gần khuya. Đồng ý là ngày nghỉ, nhưng cũng nên hát karaoke buổi chiều, tối đến phải cho các cháu nhỏ ôn bài để mấy ngày nữa thi. Đằng này, họ cứ thoải mái hát, khi chính quyền đến nhắc họ mới dừng”, anh
Quý nói.
Từ thời điểm tháng 3/2021 đến nay, nhờ chính quyền vào cuộc, tăng cường các biện pháp xử lý, tình trạng hát karaoke tự phát bằng loa kéo đã giảm. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng này vẫn diễn ra, gây bức xúc cho người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, chỉ tính từ ngày 10/3 đến ngày 19/4, Cổng thông tin 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông vận hành đã tiếp nhận 1.061 tin phản ánh liên quan đến tiếng ồn. Những phản ánh này đã được chuyển đến UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện để xử lý. Trong đó có 764 tin đã xử lý, 297 tin đang trong quá trình xử lý. Ngoài ra, các quận, huyện có các kênh tiếp nhận qua phần mềm trực tuyến, đường dây nóng của địa phương.
Bà Mỹ cũng cho biết, Công an TPHCM đã giao Công an TP. Thủ Đức và các quận, huyện nắm tình hình, mở rộng điều tra cơ bản, khoanh vùng, lập danh sách khu vực thường xuyên vi phạm. Giao các phòng ban chuyên môn của Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) mở chuyên đề xử lý ô nhiễm tiếng ồn…
Tổ kiểm tra liên ngành vẫn là nòng cốt
Liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm tiếng ồn, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TPHCM cho biết, hiện nay, TPHCM đang trong giai đoạn 1 của việc xử lý tiếng ồn.
Tiếng ồn từ karaoke tự phát gây đau đầu cho người dân và cơ quan chức năng tồn tại nhiều năm qua tại TPHCM
Từ nay đến hết ngày 23/5, TP. Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tuyên truyền và nhắc nhở, vận động, giải thích cho người dân những quy định, quy chuẩn về tiếng ồn. “Song song với thời gian tuyên truyền, thành phố sẽ chuẩn bị về lực lượng và cơ sở vật chất để vào giai đoạn hai là kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Thành phố đã giao cho các địa phương củng cố lại các tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội để làm nòng cốt trong quá trình triển khai giai đoạn hai…”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, để thống nhất về mặt pháp lý trong quá trình xử lý, UBND TPHCM đã giao cho Sở Tư pháp tiến hành tập huấn về mặt pháp lý để việc xử lý sẽ đồng bộ trên địa bàn thành phố. Đồng thời, cũng dựa theo văn bản hướng dẫn của Công an TPHCM. Ông Thắng nói: “Thành phố sẽ tập huấn cho các đơn vị chức năng của các sở, ngành và các địa phương để vào giai đoạn hai các đơn vị sẽ kiểm tra, xử lý đồng bộ, đúng theo quy định trên toàn địa bàn”.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM cũng vừa ký ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số biện pháp phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm tiếng ồn trên địa bàn TPHCM. Theo đó, trong giai đoạn hai, TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất để giải quyết dứt điểm hành vi gây ồn trong khu dân cư; việc tổ chức kiểm tra có trọng tâm trọng điểm, khoanh vùng khu vực thường xuyên có hoạt động gây ra tiếng ồn bị phản ánh. Cùng với đó, Công an TPHCM sẽ phối hợp các cơ quan liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh không đảm bảo yêu cầu quy định về xử lý tiếng ồn… trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp triển khai công tác phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý…
Ở giai đoạn hai, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, lực lượng cảnh sát môi trường và công an phường, xã, thị trấn vận dụng cơ sở pháp lý theo hướng dẫn để triển khai đồng bộ công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn. Cụ thể, các địa phương sẽ vận động người dân cung cấp tin báo về những nơi thường xuyên có hoạt động gây ra tiếng ồn gây ảnh hưởng; chủ động tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh về tiếng ồn; có theo dõi, thống kê cụ thể. Công an địa phương sẽ khoanh vùng khu vực thường xuyên có hoạt động gây ra tiếng ồn bị phản ánh để tăng cường kiểm tra, xử lý. Trong đó, lưu ý các địa điểm như: quán nhậu, quán ăn có sử dụng loa để phát nhạc gây ồn, bị người dân phản ánh; có sử dụng loa kéo để hát karaoke...
Công an các địa phương sẽ tiến hành rà soát, xác định đối tượng vi phạm qua công tác nắm tình hình, các biện pháp nghiệp vụ và dựa trên phản ánh của người dân; đồng thời, sử dụng máy đo tiếng ồn đã được hiệu chuẩn và kiểm định tiến hành việc đo mẫu trinh sát, nếu phát hiện âm thanh, tiếng ồn vượt quá quy chuẩn quy định thì đề xuất lập phương án kiểm tra, xử lý. Thành lập đoàn kiểm tra, mời đơn vị có chức năng đo đạc, kiểm định về tiếng ồn tiến hành đo đạc công khai dưới sự giám sát của người dân…
Cũng theo hướng dẫn của Công an TPHCM, trong giai đoạn hai, công an các địa phương sẽ kết hợp giữa kiểm tra, xử lý vi phạm về tiếng ồn với kiểm tra việc chấp hành quy định trong các lĩnh vực khác như giao thông (giữ xe, đậu xe lấn chiếm lòng, lề đường, hành vi lạm dụng rượu bia của người tham gia giao thông); đăng ký kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm...
Lập biên bản vi phạm hành chính căn cứ theo kết quả đo đạc và hành vi vi phạm; đồng thời, phải chốt được vấn đề tổ chức, cá nhân vi phạm có đồng ý với nội dung ghi trong biên bản hay không; yêu cầu tổ chức, cá nhân xác nhận nội dung vi phạm, ký và ghi rõ họ tên đồng thời cam kết không tái phạm. Đề xuất người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện...) đúng quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, góp phần răn đe các đối tượng vi phạm…
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.