Xử phạt nghiêm minh để giao thông đi vào nền nếp

11/10/2023 - 06:39

PNO - Lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước hiện đang thực hiện các đợt cao điểm xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông với phương châm xử phạt “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Sự quyết liệt này được kỳ vọng sẽ góp phần định hình văn hóa giao thông.

Đủ kiểu vi phạm

Trưa 4/10, tài xế N.T.Sang - 38 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM - điều khiển xe 47 chỗ mang biển kiểm soát 51B-160xx lưu thông trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. Gặp tổ tuần tra của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Cát Lái, ông Sang không xuất trình được hợp đồng vận chuyển hành khách. 

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Cảnh sát giao thông ở TPHCM đã xử phạt 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn - Ảnh: Sơn Vinh
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Cảnh sát giao thông ở TPHCM đã xử phạt 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn - Ảnh: Sơn Vinh

Trên đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức), Đội CSGT Rạch Chiếc cũng phát hiện nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Khi kiểm soát xe khách 20 chỗ do tài xế Phong - 44 tuổi, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế - điều khiển, lực lượng chức năng ghi nhận, giấy phép lái xe của người này đã bị CSGT tỉnh Phú Yên tạm giữ trước đó, hợp đồng vận chuyển cũng không đúng quy định.

Lãnh đạo Phòng CSGT (PC08) Công an TPHCM cho biết, từ ngày 1/8 đến 15/10, CSGT tổng kiểm soát ô tô vận chuyển hành khách và ô tô vận tải hàng hóa bằng container. Sau 1 tháng, lực lượng CSGT TPHCM đã xử phạt hơn 5.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 3.184 ô tô khách, 1.905 xe container.

11g30 ngày 5/10, nghe tin con trai bị CSGT tạm giữ xe, chị Ngọc Anh (quận Phú Nhuận) hối hả chạy đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học, quận 1. Đến nơi, chị hối thúc: “Các anh làm nhanh một chút để con tôi còn chuẩn bị đi học tiếp”. Đại diện Đội CSGT Bến Thành cho biết, việc phụ huynh giao xe máy cho học sinh chưa đủ 18 tuổi lái đi học khá phổ biến. 

Lực lượng CSGT trên cả nước đang thực hiện đợt cao điểm xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn nhưng nhiều người vẫn phóng xe máy về nhà khi đã nhậu say. Theo lãnh đạo Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn (thuộc PC08), mức phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay cao hơn rất nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn khá nhiều người vi phạm. Chỉ trong 1 tuần đầu tháng Mười, đội này đã xử phạt hơn 100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Từ đầu năm đến nay, đội đã lập biên bản, xử phạt hành chính trên 3.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

PC08 Công an TPHCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, các đơn vị trực thuộc phòng này đã xử phạt 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Trong đó, có 93.086 trường hợp lái xe máy và 421 trường hợp lái ô tô.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm giao thông là hết sức cần thiết. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2020 đã nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên rất cao nhưng theo báo cáo của cơ quan chức năng, số người vi phạm vẫn rất nhiều. Điều này cho thấy, nếu chỉ chăm chăm xử phạt, vẫn chưa hiệu quả.

Đội Cảnh sát giao thông Cát Lái (TPHCM) kiểm soát phương tiện trên đường Mai Chí Thọ. Sau 1 tháng cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông TPHCM đã xử phạt hơn 5.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 3.184 ô tô khách, 1.905 xe container - Ảnh: Tú Ngân
Đội Cảnh sát giao thông Cát Lái (TPHCM) kiểm soát phương tiện trên đường Mai Chí Thọ. Sau 1 tháng cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông TPHCM đã xử phạt hơn 5.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 3.184 ô tô khách, 1.905 xe container - Ảnh: Tú Ngân

Ông nói: “Theo tôi, cần đa dạng hóa hình thức xử phạt, như trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, buộc lao động công ích, tịch thu bằng lái, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe… Đồng thời, cần lưu trữ hồ sơ vi phạm và xử phạt nặng đối với người tái phạm. Như vậy, việc xử phạt mới đảm bảo tính răn đe, từ đó nâng cao văn hóa giao thông của người dân”.

Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho rằng, một trong những biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Muốn vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có 2 yếu tố quan trọng là hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xử lý nghiêm vi phạm.

Theo ông, hạ tầng giao thông của Việt Nam - nhất là ở các thành phố lớn - chưa tốt. Mật độ dân số đông, lượng phương tiện nhiều, các tuyến đường lại chật hẹp dẫn tới quá tải, thường xuyên ùn tắc. Chỗ nào cũng tắc thì người ta sẽ tìm cách len lỏi để thoát cho nhanh, đến nơi kịp giờ. Khi hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng bài bản, người dân sẽ tự giác chấp hành luật giao thông. Ví dụ, khi đường lớn, thông thoáng, nhiều làn, có vạch kẽ rõ ràng, tài xế chắc chắn lưu thông đúng phần đường, làn đường quy định.

Về xử lý vi phạm, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Việc có hàng trăm cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua cho thấy ý thức chấp hành giao thông nói chung còn kém, ngay cả những người có hiểu biết pháp luật vẫn vi phạm.

Một thanh niên bị Đội Cảnh sát giao thông Chợ Lớn (TPHCM) xử phạt do vi phạm nồng độ cồn khi chạy xe máy - Ảnh: Sơn Vinh
Một thanh niên bị Đội Cảnh sát giao thông Chợ Lớn (TPHCM) xử phạt do vi phạm nồng độ cồn khi chạy xe máy - Ảnh: Sơn Vinh

Ông nói: “Không phải đến bây giờ mới có nhiều cán bộ vi phạm giao thông. Trước đây, có thể đã có nhiều nhưng do CSGT nể nang, du di mà không xử lý. Nay, Đảng, Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan liên quan quyết tâm chỉ đạo xử lý thì các trường hợp vi phạm mới được truyền thông biết đến”. Theo ông, các quy định về xử lý vi phạm đã đủ sức răn đe, vấn đề là phải thực hiện nghiêm minh. Khi đó, người tham gia giao thông biết không thể xin xỏ để được bỏ qua, họ sẽ biết sợ và chấp hành. Chẳng hạn, sau một thời gian xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, đến nay, phần đông tài xế đã tự xây dựng ý thức tự giác “đã uống rượu bia là không lái xe”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh - nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao - cho rằng, việc tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng, “đánh” về mặt tài chính. Vấn đề quan trọng và là “gốc rễ” để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông vẫn là ý thức, văn hóa của người tham gia giao thông. Do đó, cần thực hiện đồng bộ, phối hợp nhiều biện pháp để tăng tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. 

Bà đề nghị: “Cần tăng cường công tác tuyên truyền gắn với từng địa phương, địa bàn dân cư, giữa các cơ quan, tổ chức. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và cả đề cao tinh thần tố giác những hành vi vi phạm ngay trong cộng đồng dân cư. Một biện pháp mang tính lâu dài, có tính răn đe là tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông và an ninh trật tự trên các tuyến đường, phạt “nguội” các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông”.

Xử lý nhiều cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn 
Theo lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an), từ ngày 30/8 đến nay, cục đã phối hợp với công an các địa phương thành lập các tổ công tác đặc biệt để xử lý vi phạm giao thông. Sau gần 1 tháng, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý hơn 3.600 trường hợp, trong đó có hơn 3.400 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, gồm cả 160 trường hợp là đảng viên, công chức, viên chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu.

Hành vi thiếu văn hóa vẫn phổ biến trên đường

Chiều 9/10, có mặt ở giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (quận 1, TPHCM), chúng tôi chứng kiến cảnh xe máy đồng loạt leo lên vỉa hè để tránh kẹt xe. Do tình trạng này xảy ra thường xuyên nên vỉa hè ở đây nát bươm. Các tuyến đường ở trung tâm TPHCM như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Ba Tháng Hai, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai… cũng chịu cảnh tương tự.

Trên đường Hồng Bàng (quận 5, TPHCM), chúng tôi còn bắt gặp cảnh phụ huynh đưa đón học sinh ở Trường tiểu học Hùng Vương ngang nhiên chạy ngược chiều trên một đoạn đường khá dài để tránh đi đường vòng. Tình trạng này cũng phổ biến trên Quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân vào giờ tan tầm do đoạn này có dải phân cách cố định, người lái xe máy ngại chạy quãng xa để vòng lại, qua đường.

Theo báo cáo do UBND gửi HĐND TPHCM vào tháng 9/2023, từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2023, lực lượng thanh tra giao thông TPHCM đã xử phạt 11.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông cũng xử phạt 890.000 trường hợp. 

Xe khách liên tục gây tai nạn giao thông nghiêm trọng

Khuya 8/10, tại Km13+800 đường tránh thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, xảy ra vụ va chạm giữa xe tải mang biển kiểm soát 29H-076.xx và xe khách mang biển kiểm soát 47F-002.xx khiến 1 người chết, hàng chục người bị thương.

Ngày 30/9, trên Quốc lộ 20 đoạn qua huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, xe khách của hãng Thành Bưởi mang biển kiểm soát 50F-004.xx do tài xế H.V.T. cầm lái chở 32 hành khách va chạm với xe khách 16 chỗ mang biển kiểm soát 86B-015.xx chở 8 hành khách lưu thông theo hướng ngược lại làm 5 người chết, 4 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do tài xế xe Thành Bưởi vượt ẩu.

9 tháng, 4.765 người chết vì tai nạn giao thông

9 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. 

Thời gian trên, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý trên 2,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền trên 4.800 tỉ đồng, tước hơn 484.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 780.000 phương tiện các loại. 

Từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 12/9/2023, các cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông Vận tải và thanh tra các sở giao thông vận tải đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 36.000 trường hợp với số tiền xử phạt trên 215 tỉ đồng; tạm giữ 179 ô tô; đình chỉ hoạt động 34 bến và 104 phương tiện thủy nội địa.

Nhóm phóng viên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI