Liên tục vi phạm
Vừa qua, tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TPHCM phát hiện nhiều thông tin quảng cáo sai sự thật như cấy chỉ mặt, nâng ngực, hút mỡ bụng… trên trang mạng xã hội Facebook có tên Đ.T.T. địa chỉ tại phường Tân Quy, quận 7 nên đã kiểm tra đột xuất cơ sở này. Chủ cơ sở xuất trình giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh Đ.T.T. do UBND quận 7 cấp với ngành nghề kinh doanh là dịch vụ chăm sóc da mặt. Cơ sở này chưa được Sở Y tế TPHCM cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.
|
Cơ sở “thẩm mỹ chui” ở địa chỉ số 22 đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10, treo biển “Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ”, hành nghề trái phép gây tai biến cho người bệnh, bị Sở Y tế TPHCM xử lý - Nguồn ảnh: Sở Y tế TPHCM |
Thấy đoàn kiểm tra, nhân viên của cơ sở này liền mang 2 túi rác đi đổ. Nghi ngờ, đoàn kiểm tra yêu cầu mở 2 chiếc túi này và phát hiện bên trong có ống tiêm, ống dẫn lưu đã qua sử dụng, bông gòn, gạc dính máu... Bên cạnh đó, cơ sở còn lưu 4 sổ hóa đơn thanh toán các dịch vụ bao gồm nâng mũi cấu trúc, tiêm filler, ghép mỡ mí trên… Ở tầng 2 của cơ sở làm đẹp có 2 khách hàng, trong đó 1 khách hàng là người nước ngoài đã được nâng mũi. Phía trên kệ có các sản phẩm như filler, meso… không rõ nguồn gốc.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã xử phạt vi phạm hành chính cơ sở này số tiền khoảng 60 triệu đồng, đình chỉ hoạt động hơn 4 tháng. Đáng nói, trước đó cơ sở này đã vi phạm 2 lần với hành vi tương tự vào tháng 3/2021 và tháng 3/2023. Sau mỗi lần bị kiểm tra, xử phạt, cơ sở này lại thay đổi địa điểm, tiếp tục hoạt động.
Gần đây, một người phụ nữ (50 tuổi) đột ngột khó thở, lơ mơ sau phẫu thuật cắt mí mắt và xóa sẹo vùng bụng tại một phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ ở quận 10. Nhận được tin báo, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với Công an TPHCM tổ chức kiểm tra và phát hiện phòng khám này hoạt động “chui”, quảng cáo trái phép. Đoàn sẽ củng cố hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ các sai phạm và xử lý nghiêm theo quy định. Trước mắt, Sở Y tế đã quyết định đình chỉ hoạt động phòng khám này trong 18 tháng.
Đây chỉ là 2 trong số 120 cơ sở bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện, xử lý trong 8 tháng đầu năm 2024. Theo bác sĩ Hồ Văn Hân - Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM - hiện trên địa bàn thành phố có 37 bệnh viện thẩm mỹ, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện, 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Trong 3.891 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế các loại chỉ có 772 cơ sở do Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế cấp phép. Những cơ sở thẩm mỹ còn lại thực hiện các dịch vụ spa, chăm sóc da do quận, huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thuộc diện quản lý của ngành y tế. Trong đó, một số cơ sở lấn sân sang lĩnh vực y tế như thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm filler, botox… không đúng quy định.
Tăng cường biện pháp quản lý
Các cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui”, cách thức đối phó tinh vi đã và đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý. Trước thực trạng này, ngành y tế TPHCM đã đẩy mạnh các giải pháp quản lý cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn. “Thời gian qua, Sở Y tế TPHCM đã thành lập các tổ công tác đặc biệt nhằm truy tìm, kiểm tra, xử lý những cơ sở “chui”, không uy tín, cơ sở “núp bóng”, người thực hiện không phải là bác sĩ; quảng cáo không phép…” - bác sĩ Hồ Văn Hân cho biết.
Để đối phó với cơ quan chức năng, những cơ sở “chui” thường chọn hoạt động trong khu vực đông dân cư, thuê nhà dân, chung cư, phòng trọ…, liên tục thay đổi địa điểm. Thậm chí, nhằm qua mặt cơ quan chức năng, nhiều tiệm spa, thẩm mỹ liên tục thay tên, thay bảng hiệu, lập nhiều tài khoản mạng xã hội… sau khi bị xử lý vi phạm. Chưa kể hiện nay rất nhiều nơi còn tùy tiện mở lớp dạy những kỹ thuật xâm lấn như tiêm filler, botox, chỉnh sửa mí mắt, cắt đồng tiền… với quảng cáo “thời gian học chỉ từ 1-2 ngày là có thể hành nghề”, rất nguy hiểm đối với sức khỏe người dân.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - nhận định, một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm này là lợi nhuận cao, quy định về cấp giấy phép vẫn còn một số khoảng trống, chế tài chưa đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, ý thức của người có nhu cầu làm đẹp cần được nâng cao hơn nữa trong quyết định lựa chọn cơ sở làm đẹp, tránh tâm lý ham rẻ, nhiều khuyến mãi mà trở thành “con mồi” cho các cơ sở thẩm mỹ trái phép.
Ông cũng thông tin: trên website của Sở Y tế TPHCM luôn có danh sách các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép cũng như hạng mục hành nghề của bác sĩ. Sở cũng công khai thông tin những cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật. Người dân có thể theo dõi, tránh chọn đến những nơi hoạt động không phép, không uy tín.
Sở Y tế cũng đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung những quy định trong việc kiểm soát chặt sản phẩm, vật tư y tế, tạo lập dữ liệu số trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực thẩm mỹ. Theo đó, người hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ phải tuân thủ các quy định như có giấy phép, hoạt động trong phạm vi năng lực và chuyên môn. Cơ sở cung cấp dịch vụ và phẫu thuật viên phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trước, trong và sau quá trình phẫu thuật thẩm mỹ.
3 nhóm giải pháp quản lý hoạt động thẩm mỹ Trước tình trạng phức tạp của các hoạt động thẩm mỹ tại TPHCM, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, ngành y tế thành phố sẽ triển khai học tập 3 kinh nghiệm của nhiều quốc gia: Thứ nhất, siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ, áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ và tiêu chuẩn thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ. Thứ hai, nâng cao nhận thức của người có nhu cầu làm các dịch vụ thẩm mỹ, khuyến khích họ tìm hiểu kỹ về cơ sở và bác sĩ thực hiện trước khi đưa ra quyết định. Thứ ba, quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ, các sản phẩm như filler, botox phải được kiểm định chất lượng và nguồn gốc rõ ràng trước khi sử dụng. |
Phạm An