Xử phạt, có dẹp được xe "mù"?

17/03/2022 - 07:14

PNO - Cũng như bao lần trước, những ngày qua, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM đã thực hiện các chuyên đề xử lý xe “mù”, xe thô sơ, xe tự chế không đảm bảo các điều kiện an toàn, chở hàng cồng kềnh. Liệu lần này, những phương tiện không đảm bảo an toàn lưu thông có được “dọn dẹp”?

Người cầm lái không lo... tiền phạt!

Trong những ngày PC08 thực hiện chuyên đề xử lý xe “mù”, xe thô sơ, Đặng Anh Tuấn, 28 tuổi, quê An Giang, có vẻ thận trọng hơn trong công việc. Nhưng để “kiếm cơm”, hằng ngày Tuấn vẫn phải thực hiện vài chục “cuốc” xe chở hàng từ khu Chợ Lớn đến các chành trên đường Võ Văn Kiệt (Q.5). Chiếc xe máy cũ được “độ” thêm phần yên sau và phuộc nhún để đảm bảo mỗi chuyến “cõng” vài trăm ký hàng chất cao hơn đầu. Tuấn cho biết, sáu năm qua anh đã quen cầm lái những chuyến hàng như thế, đã lái qua bốn “xác” xe “mù”. Hai chiếc bị cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản xử phạt, phải bỏ. Một chiếc phải bán sắt vụn vì “xuống máy”. Hiện Tuấn đang chạy chiếc thứ tư.

Về chuyện chở hàng trong những ngày “cao điểm”, Tuấn cho hay: “Tiền phạt chủ chịu, nên em không lo. Mà đã bị bắt thì bỏ xe luôn, vì tiền phạt có khi đắt hơn tiền chiếc xe”.

Một cán bộ CSGT thừa nhận, chuyện bỏ xe sau khi bị lập biên bản xử lý vi phạm vẫn thường xảy ra. Trên thực tế, rất nhiều chủ hàng đã “giao kèo” với những người chở hàng thuê là họ sẽ chịu chi phí xử phạt nếu người chở hàng chạy đúng sự điều động. 

Trong tuần qua, các đội/trạm CSGT ở TPHCM đã tổ chức các chuyên đề xử xe “mù”, xe tự chế, xe 3 - 4 bánh không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở hàng cồng kềnh. Lãnh đạo PC08 cho biết, trong năm 2021, đơn vị này đã xử lý hơn 10.000 phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông. Từ ngày cuối năm 2021 đến nay, các đơn vị thuộc PC08 đã xử lý hơn 3.000 phương tiện vi phạm các lỗi như không gương chiếu hậu; không thắng, đèn, còi hoặc không kiểm định an toàn kỹ thuật.

“Có một thực tế là người dân thường sử dụng xe tự lắp ráp, tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật để vận chuyển hàng hóa nhằm giảm chi phí. Những chiếc xe này không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông và gây mất mỹ quan thành phố. Ngoài ra, tình trạng điều khiển xe tự chế với tốc độ cao, lạng lách, vượt đèn đỏ… còn làm gia tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông” - lãnh đạo PC08 khuyến cáo. 

Từ năm 2021 đến nay, hơn 13.000 chiếc xe không đảm bảo các điều kiện lưu thông đã bị xử lý, nhưng những chiếc xe “mù” chở hàng cồng kềnh, phóng nhanh, vượt ẩu vẫn đang là nỗi ám ảnh của người đi đường
Từ năm 2021 đến nay, hơn 13.000 chiếc xe không đảm bảo các điều kiện lưu thông đã bị xử lý, nhưng những chiếc xe “mù” chở hàng cồng kềnh, phóng nhanh, vượt ẩu vẫn đang là nỗi ám ảnh của người đi đường

Cần chế tài "kép" thay vì chỉ xử phạt

Theo phía CSGT, khi bị xử phạt, chủ của những chiếc xe “mù”, xe không đảm bảo các điều kiện lưu thông, sẽ bỏ xe để mua một chiếc xe “mù” khác… Đây là nguyên nhân vì sao xe “mù”, xe tự chế, xe thô sơ vẫn tồn tại. Đội trưởng một đội CSGT đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp giám sát, quản lý những phương tiện này bên cạnh việc xử phạt. Có thể quản lý bằng niên hạn sử dụng hoặc tiêu chuẩn khí thải. Khi xe quá niên hạn hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải thì không được lưu thông.

Các chuyên gia giao thông cũng cho là có thể sử dụng chế tài “kép” để quản lý các phương tiện này. Theo đó, vừa kiểm soát theo tiêu chuẩn khí thải vừa kiểm soát theo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Phạt nặng, thậm chí thu hồi với những phương tiện không đạt tiêu chuẩn mà cố tình lưu thông. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai (chuyên gia giao thông) nhận định, xe máy cũ nát, xe “mù” lưu thông trên đường gây nguy cơ mất an toàn rất cao và ông ủng hộ việc quản lý xe “mù”, xe cũ nát bằng tiêu chuẩn khí thải. Ông nói: “Hiện nhiều quốc gia không quy định niên hạn đối với xe máy, mà quản lý trên cơ sở yêu cầu kỹ thuật, khí thải đạt thì được tham gia giao thông và ngược lại”.

Theo dự thảo “Đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố” của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ năm 2021, TPHCM sẽ ban hành quy định kiểm định khí thải xe máy, xây dựng 88 trạm kiểm định. Ở giai đoạn thử nghiệm đề án (năm 2022 - 2023) sẽ kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu và thu phí kiểm định mỗi xe 50.000 đồng/năm, người nghèo, cận nghèo được xem xét miễn phí. Trong giai đoạn 2024 - 2025, TPHCM đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng khu vực cần đạt chuẩn khí thải gồm các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình. Từ năm 2026, mức chuẩn được nâng lên và mở rộng kiểm soát ở 13 quận gồm 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch nói trên vẫn chưa được thực hiện. Vướng mắc lớn nhất là do chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề kiểm soát khí thải xe máy. 

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, hiện tại, pháp luật chưa quy định về niên hạn sử dụng đối với xe máy. Quy định về kiểm định khí thải xe máy cũng chưa rõ ràng. Do đó, muốn cấm hay thu hồi xe “mù”, xe cũ nát là rất khó. Theo luật sư, để kiểm định khí thải xe máy, các bộ ngành phải sớm ban hành quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này. Các quy định cần phải rõ ràng, chặt chẽ để tạo được sự đồng thuận của người dân. Cùng với chế tài, cũng nên có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho người dân. Xử phạt là điều cần làm, nhưng xử phạt không giải quyết được tận gốc vấn đề là dẹp được xe “mù”. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI