Xử phạt chưa nghiêm khiến nhiều chủ đầu tư 'nhờn' luật

13/11/2019 - 16:41

PNO - Liên quan đến phòng cháy chữa cháy, nhiều đại biểu đặt vấn đề về việc phòng cháy trong chung cư có nhiều yếu tố lỏng lẻo. Điều đó xuất phát từ việc chủ đầu tư 'nhờn' với luật hay có sự 'đi đêm' với cơ quan quản lý.

Chiều 13/11, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

Nhiều quy định còn lạc hậu

Bộ trưởng Hà cho biết, riêng về PCCC trong lĩnh vực xây dựng, hiện nay có 3 luật: Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở; ít nhất 4 Nghị định và nhiều Thông tư của các Bộ điều chỉnh. Trong đó có quy định rất cụ thể trong các khâu từ thẩm định phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, kiểm tra nghiệm thu công trình.

Hiện có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn quy định cụ thể về quy hoạch đường giao thông phục vụ PCCC, các trạm bơm, bố trí trụ nước... Cũng có quy định cụ thể về phòng chống cháy trong một số công trình chuyên ngành như chung cư cũng như quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà, mua bảo hiểm cháy nổ. Có thể nói, hệ thống quy định cơ bản bao phủ hầu hết lĩnh vực xây dựng, nhưng vẫn còn một số nội dung lạc hậu.

Xu phat chua nghiem khien nhieu chu dau tu 'nhon' luat
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

"Ví dụ, hiện nhà chung cư cao trên 150m chưa có quy chuẩn cụ thể, nhất là trong PCCC", Bộ trưởng Hà cho biết.

Trong khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, có nhiều tiến bộ, cố gắng, nhưng còn nhiều bất cập, đặc biệt là thực hiện quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định, nghiệm thu công trình. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, dẫn đến chủ đầu tư có biểu hiện "nhờn".

"Tôi xin nhận trách nhiệm về hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chức năng của Bộ. Thời gian, tới chúng tôi sẽ làm hết sức mình, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong PCCC", ông Hà nói.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu ra nhiều giải pháp để giải quyết các bất cập nói trên. Cụ thể, Bộ sẽ tập trung bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, nhất là quy chuẩn, tiêu chuẩn; bởi hiện nay có những vật liệu xây dựng mới, cũng như quy mô, chiều cao công trình đã khác, hay công trình đa năng... cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp về PCCC.

"Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên PCCC, tài sản, tính mạng con người là trên hết. Với nhà cao tầng yêu cầu có tầng lánh nạn, dù không có cháy sẽ để không nhưng buộc phải làm để khi xảy ra hỏa hoạn còn có chỗ lánh nạn. Vì khi có cháy phải có chỗ lánh nạn. Khi làm việc, có doanh nghiệp, nhà đầu tư đòi hỏi hạ thấp quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng chúng tôi không hạ", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu quan điểm.

Có sự "đi đêm" giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý?

Trước đó, trong phần phát biểu của mình, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã nhấn mạnh độ nguy hiểm từ các đám cháy tại các tòa chung cư những năm qua.

"Hơn 1 năm kể từ sau thảm kịch Carina, dù nỗi đau đã nguôi ngoai, trong tâm trí những người lính cứu hỏa và người dân nơi đây, mọi thứ như mới hôm qua. Nhiều người dân ở chung cư vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa. Vậy nhưng phòng cháy, chữa cháy đang mang trong mình quá nhiều tồn tại, thiếu sót", ông Nhân đặt vấn đề.

Xu phat chua nghiem khien nhieu chu dau tu 'nhon' luat
Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, bất cập đến từ nhiều khía cạnh, đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ cho PCCC: "Xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm hơn 50%. Số trụ nước, bể nước, bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Điển hình như Hà Nội thiếu gần 300 bể nước, 400 bến lấy nước, 7.000 trụ nước. Trong số các trụ còn lại, có 522 trụ không sử dụng được. Trong khi đó, nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông ngòi ngày càng cạn kiệt".

Thực trạng trên còn xuất phát từ việc thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm và nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không khắc phục lỗi vi phạm thì khác gì sự khinh nhờn luật pháp. Đại biểu cũng đặt câu hỏi về việc có hay không sự du di, thỏa hiệp, “đi đêm” giữa chủ đầu tư với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền chốt công đoạn, thủ tục trong quy trình thực hiện phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra công trình.

"Nếu có thì đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Nó khác gì tội ác, cơ hội được sống và sống an toàn của người dân bị tước đi sau những lần du di, thỏa hiệp. Lẽ nào những nỗi đau tận cùng sau thảm kịch Carina vẫn chưa đủ thức tỉnh lương tri những ai có trách nhiệm để chấm dứt câu chuyện phạt cho tồn tại hay sao?", ông Nhân đặt câu hỏi.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI