'Xử' nhau trên mạng

25/05/2015 - 11:29

PNO - PN - Chửi, bêu xấu, lăng mạ nhau qua các trang mạng cá nhân không còn là chuyện hiếm thấy trên internet. Không chỉ vậy, nhiều người còn lập hẳn một fanpage tạo thành nhóm, hội để cùng nhau bêu xấu đối thủ. Sốc hơn, một số trường...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lập fanpage, tung clip công kích nhau

Ngoài những fanpage có mục tiêu rõ ràng, trong sáng, có ích cho xã hội như Hội những người kêu gọi ký tên ủng hộ giữ gìn nét hoang sơ của hang Sơn Đoòng, hoặc kêu gọi chung tay giúp đỡ một mảnh đời bất hạnh trên báo, kêu gọi ủng hộ giờ trái đất hay kêu gọi nuôi con bằng sữa mẹ…, thì có rất nhiều fanpage chỉ nhằm mục đích công kích, nói xấu người mà cá nhân lập fanpage đó không thích. Những trang mạng cá nhân này hiện rất nhiều nhưng không ai quản lý.

Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh lưu ý: hành vi xấu rộ lên trên nhiều trang mạng cá nhân bởi facebook giống như một cái chợ, có đủ thành phần tham gia, người có văn hóa, người không… Tuy là ảo nhưng facebook phản ánh đến 70% con người thực của bạn trong cuộc sống. Chưa kể, những gì bạn đưa lên facebook hôm nay, nhiều năm sau vẫn còn. Những người đã xem facebook của bạn sẽ nhớ những hành vi đó.

Chỉ cần lên Google gõ cụm từ “Hội những người phát tởm…” sẽ cho ra 473.000 kết quả như: Hội những người phát tởm vì đám con gái đú đởn; vì sự giả tạo của em Helen; vì sức dẹo trai của em Lyn Doll, vì độ khắm mùi của thằng Thắng, vì độ giả tạo của bé Chôm Chôm… và rất rất nhiều các hội khác với những cái tên “đọc qua đã hiểu”. Hay gõ “Hội những người ghét...” thì cho ra 697.000 kết quả. Lướt qua các trang này, chúng tôi thấy điểm chung là có rất nhiều lượt like, trang nào ít cũng trên 5.000 lượt, nhiều thì lên đến hàng chục ngàn lượt dù các status vô cùng nhảm nhí và những hình ảnh rất dung tục.

Vào trang Hội những người phát tởm vì đám con gái đú đởn, đọc qua lời giới thiệu về mục tiêu của trang, chúng tôi giật mình khi người lập trang nêu rõ: Sở thích cá nhân là “giết” tất cả những con nào ăn chơi, dễ dãi, đáng khinh. Ngoài dẫn đường link đến các thông tin Youtube hay các trang khác đã đăng (chủ yếu tập trung chuyện tình cảm nam nữ, các clip tình ái…), trang này thường đăng hình ảnh các cô gái ăn mặc hở hang để các thành viên thay nhau "ném đá".

Gần đây, dư luận còn giật mình với rất nhiều clip chửi nhau bằng ngôn từ tục tĩu, khó nghe được đăng trên Youtube với các tiêu đề mà tên đối tượng bị công kích được nêu cụ thể. Tốc độ tung clip nhiều và nhảm có thể kể đến là các clip của Linda - một người chuyển giới tự xưng là hotgirl Linda. Chỉ cần lên Youtube gõ cụm từ “Linda chửi”, sẽ cho ra đến 11.400 kết quả với đủ loại “chửi” như: Linda chửi Kenny Sang, chửi Lê Dương Cầm Thú, chửi Lệ Rơi, chửi Yanbi, chửi những người sử dụng camera 360… Đáng lưu ý là nhiều bài chửi được chia làm nhiều tập, nhiều kỳ rất bài bản. Nhiều đối thủ bị Linda chửi cũng tung clip đáp trả, đáng buồn nhất là cả các em thiếu nhi cũng tham gia chửi Linda.

Phần lớn những clip chửi này được cư dân mạng share và like rất nhiều. điều này tạo thêm phấn khích cho những người có sở thích kỳ quặc bởi số lượt like càng nhiều thì họ càng được biết đến hoặc dễ đạt mục tiêu trong công việc làm ăn hoặc mua bán…

Không chỉ “xử” những cá nhân mình ghét, một số facebook hiện được dùng để cạnh tranh, hạ uy tín của các đối thủ trong kinh doanh bằng những bài viết rất tinh vi.

Chị H. - phó giám đốc một hãng taxi có uy tín tại TP.HCM, chia sẻ: Hiện nay công ty chị có hẳn lực lượng theo dõi các facebook của một số nhân vật có chút tiếng tăm trong thế giới mạng, các status của họ thường có hàng ngàn lượt like và nhiều facebook vì mục đích cá nhân đã tung các câu chuyện, bài viết bất lợi cho công ty, thậm chí có những câu chuyện kịch tính như phim hình sự nhưng cuối cùng khi công ty yêu cầu hỗ trợ xác minh lại thông tin thì chẳng có gì.

“Những status đó đã có hàng ngàn người đọc, nếu người viết không khách quan thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của công ty chúng tôi. Chúng tôi rất sợ những người chơi facebook như thế, việc cử bộ phận theo dõi nhằm mục đích phản hồi hoặc làm rõ kịp thời các thông tin mà người viết đưa lên để xử lý nhanh các tình huống bất lợi”, chị H. chia sẻ.

'Xu' nhau tren mang

Học sinh vô tư chửi trên facebook

Thói quen xấu xí nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân không chỉ có ở người trưởng thành mà tệ hơn là trong giới học sinh, nạn “đấu võ mồm” trên facebook đã được xem là quá bình thường. Thậm chí, từ mâu thuẫn trên facebook, nhiều học sinh đã lôi ra ngoài “xử” nhau dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Những lý do dẫn đến các cuộc đấu võ mồm của học sinh thường là rất cỏn con: bất đồng quan điểm, ganh tỵ nhau vì một bộ đồ mới hay vì “nhỏ kia có bạn trai, mình thì không” hoặc muốn thể hiện “số má” trong giới học sinh… các em vô tư dùng những ngôn từ sặc mùi xã hội đen. Nhiều em còn kéo bè cánh hùa nhau lăng mạ “đối thủ” của bạn mình một cách công khai.

Hầu hết những facebook kiểu này có lượng truy cập rất đông, mỗi hình ảnh, status các em đưa lên đều đạt từ 100 đến 500 lượt like dù nội dung chẳng có gì, số lượt like càng tăng cao khi status đó càng gây sốc hay dùng những ngôn từ tục tĩu.

Mới đây, ngày 4/3/2015, vì quá bức xúc trước một nhóm bạn đã nói xấu mình và bạn trai, facebook của một học sinh lớp 8 một trường THCS huyện Hóc Môn đã đăng ngay mấy dòng “Đừng bao giờ đem tao ra làm tâm điểm để cho tụi mày sủa ok… ĐM lần này thôi nha. ĐM chơi héo queo vậy...” và nhận gần… 200 lượt like.

Vì bị một bạn học nữ công kích bằng cách tag facebook của mình với những lời lẽ khó nghe nên N. - nam sinh lớp 11 học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hóc Môn đã xóa luôn facebook. Thử tìm đọc một đoạn status trên facebook có nick Min Ko… mà N. bị công kích, chúng tôi cũng phát hoảng vì những lời lẽ tục tĩu.

Trước đó không lâu, facebooker này cũng công kích hai bạn gái khác vì cho rằng họ “mê trai”, “giành bạn trai của bạn mình”, status 1 đăng ngày 10/1 với nội dung sặc mùi ghen tuông “nè bạn gái mê trai vừa thôi nhe… thực sự bạn hám trai chết mẹ luôn… mình không biết bạn có bao nhiêu mặt nạ nữa lột ra giùm đi… Thắc mắc inbox mình nha bạn” rồi đến status 2 facebooker này chửi một cô bé nào đó “nhìn em cũng đẹp mà hám trai dữ vậy”.

Những cuộc đấu võ mồm trên face không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của người bị công kích bởi nhẹ thì người bị công kích phải xóa facebook, nghiêm trọng hơn thì nghỉ học vì các lời đe dọa…

Dư luận chưa hết bàng hoàng vì nhiều vụ choảng nhau, thậm chí truy sát dẫn đến chết người xuất phát từ những tranh cãi trên facebook. Kinh hoàng nhất là vụ truy sát xảy ra vừa qua tại phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khiến em Võ Thái Minh Phong (SN 1998) tử vong. Trước đó, do mâu thuẫn trên facebook nên Bùi Nguyễn Tân Tín (SN 1995) và Từ Tuấn Bảo (SN 1994) cùng ngụ TP. Mỹ Tho rủ Phong ra ngoài đánh nhau. Chưa hả giận, Bảo về nhà lấy dao rồi rủ Tín đi tìm Phong để truy sát.

Youtube cũng từng dậy sóng bởi đoạn clip dài năm phút ghi cảnh nữ sinh Hải Phòng bị đánh hội đồng vì chửi nhau trên facebook. Trước cổng trường THPT Tạ Quang Bửu, TP.HCM đã có lúc náo loạn vì một vụ truy sát do hai bạn gái chửi nhau trên facebook rồi gọi hai bạn trai ra đánh dằn mặt nhau khiến một nam sinh lớp 11 trọng thương.

Có thể khởi kiện, xử lý hình sự

Lý giải hiện tượng trên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, nhiều người khao khát muốn được chú ý, được nổi trội, được công nhận nhưng họ lại không có gì nổi bật. Sự tự do của thế giới mạng đã giúp họ thể hiện mục tiêu, thu hút người khác bằng những hành động khác thường. Các cá nhân tự do bày tỏ quan điểm, kết bạn, kết nhóm, kết hội và thông qua các hội, nhóm này, họ bày tỏ mục tiêu cụ thể, tạo nên sự bát nháo trên các trang mạng xã hội.

Về phạm vi giáo dục, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh lưu ý: hành vi xấu rộ lên trên nhiều trang mạng cá nhân bởi facebook giống như một cái chợ, có đủ thành phần tham gia, người có văn hóa, người không… Tuy là ảo nhưng facebook phản ánh đến 70% con người thực của bạn trong cuộc sống. Chưa kể, những gì bạn đưa lên facebook hôm nay, nhiều năm sau vẫn còn. Những người đã xem facebook của bạn sẽ nhớ những hành vi đó.

Anh Thịnh chia sẻ câu chuyện mà anh nghe được từ một nữ sinh học năm cuối một trường đại học ở TP.HCM. Ba năm trước cô là một cô bé sốc nổi, facebook của cô đa phần là những ảnh nóng, những status dung tục vì được rất nhiều người like. Sau này, cô từ bỏ facebook, chăm chỉ học hành và tìm được bạn trai đàng hoàng, gia đình khá giả. Khi bạn trai dẫn cô về nhà, gia đình rất vui vẻ duy chỉ cô em họ nghi ngờ, lục tung facebook và mang những hình ảnh này cho gia đình anh mình xem. Thế là cánh cửa hạnh phúc khép lại. Cô bé rất sốc nhưng mọi chuyện đã muộn.

Ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, những hành vi công kích người khác trên mạng xã hội có thể bị khởi kiện thậm chí xử lý hình sự.

Theo luật sư Đào Thị Bích Liên - Đoàn Luật sư TP.HCM, điều 37 Bộ luật Dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân cụ thể thì cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm là nghiêm trọng, có đủ căn cứ thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự với tội “làm nhục người khác” căn cứ điều 121 Bộ luật Hình sự. Không ít vụ xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đã được đưa ra tòa, nhiều vụ buộc người xúc phạm phải bồi thường hoặc xin lỗi công khai.

 HỒNG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI