Xử lý xung đột thế hệ: Vì ai cũng có ngày phải cài bông hồng trắng

01/09/2020 - 09:20

PNO - Tôi biết, tôi không còn nhiều lần có thể sung sướng cài trên ngực áo bông hồng đỏ mỗi khi Vu lan về.

Mẹ tôi trên 70, và bà đương nhiên thuộc về một thế hệ khác chúng tôi. Trong khi tôi muốn mẹ sống cho bản thân mẹ, như tôi vẫn tự nhủ mỗi khi nghĩ đến mình của hơn 20 năm nữa (chỉ làm những gì mình thích, ăn những món mình muốn ăn và từ chối những điều khiến mình không thoải mái...) thì mẹ ngược lại.

Những bữa cơm ngon miệng, những đứa cháu sạch sẽ tinh tươm là niềm vui của bà. Dù để có điều đó, bà phải chịu sự hành hạ cả đêm của chứng đau khớp, do đứng nhiều hơn lời khuyên của bác sĩ. Và vì mẹ đã dành hết sức lực còn sót lại của bà để chăm chút bữa ăn, nên những bữa vắng mặt con cái trở thành nỗi buồn khó đong đếm. Những lần thằng cháu nghịch phá quá mức cũng khiến cảm giác bất lực của bà trở nên lớn hơn. Những ngày thiếu niềm vui của mẹ tôi cứ thế mà hiện diện, triền miên...

Chúng tôi, đều đã trên tuổi 40, nhiều lo toan và không thiếu tự chủ, nhưng thật khó mà sống thoải mái với tiếng rên khi mẹ xoa bóp chân hàng đêm. Nó là âm thanh nhắc nhở về sự thiếu chu toàn của đứa con. Trong khi đó, cuộc sống mà chúng tôi đang sống, cần một mạng lưới xã hội đầy mối quan hệ zíc zắc, để có thể tồn tại ổn định.

Những bữa tối bên ngoài, những cuộc gặp mặt không thể trốn tránh, khiến sự xung đột mẹ-con vô tình xuất hiện, rồi vô tình dày lên. Mẹ buồn, tôi cũng mệt mỏi, bởi không có cách nào để mẹ đừng buồn. Quan hệ xã hội không thể thôi duy trì, khoảnh khắc riêng tư - nhu cầu trái ngược với mẹ già, khi con cháu và giây phút đại đồng là điều hạnh phúc nhất - không thể thôi cần. Làm sao để cân bằng sau một ngày đầy áp lực với công việc?

"Cuộc chiến" cứ thế mà dằng dai mỗi ngày, mang tên hai-thế-hệ. 

Có đợt, được nghỉ lễ hẳn 2 ngày, tôi đến cuộc vui buổi tối với bạn cùng lớp, sau bao nhiêu lần không thể có mặt. Khi tôi về nhà, cảm nhận ngay một bầu không khí nặng trĩu. Mẹ nói, có thể vào năm sau hoặc năm sau nữa tôi sẽ còn những dịp lễ để tụ tập bạn bè, nhưng gặp mẹ thì chưa chắc. 

Tôi biết mẹ nói đúng, nhưng tôi tin mình cũng không sai. Tôi chưa thể tách mình ra khỏi mọi mối quan hệ, mọi sợi dây giữ tôi và nhịp sống ngoài kia, chưa thể sống và chỉ có hai chữ "gia đình" là duy nhất, như mẹ. 

Tôi từng tự hỏi, sao mẹ không nghĩ đến bản thân nhiều hơn, chiều chuộng bản thân hơn, tự tìm niềm vui cho mình mà không phụ thuộc vào sự có mặt của tôi. Để những bữa cơm tôi lỡ vắng mặt sẽ không thể khiến tôi giằng xé đến thế, những ngày lễ không thể bên cạnh mẹ làm tôi không ăn năn đến thế. Niềm vui giữa hai mẹ con cũng không nhiều lần bị cảm giác có lỗi của con, thất vọng và buồn bã của mẹ phá bĩnh như vậy.

Nhưng, vì ai rồi cũng có ngày phải cài bông hồng trắng, là khi chúng ta biết mình mồ côi, nên luồng cảm xúc tiêu cực của tôi đã tìm ra một "mỏ neo", giúp nó có điểm dừng. Nỗi đau đớn của chữ "mồ côi" to lớn đến mức nó khiến mọi sự thành công, thành danh trên đời đều trở nên nhỏ bé và vô nghĩa.

Mồ côi sợ lắm ai ơi... Ảnh minh họa
Mồ côi sợ lắm ai ơi... Ảnh minh họa

Cái chữ "mồ côi" đáng sợ với mọi đứa con ấy đã thực sự giúp tôi tỉnh trí. Sau mỗi lần xung khắc, nỗi sợ một ngày không còn mẹ khiến tôi vội từ bỏ những lời sát thương định thốt ra.

Đó cũng là chiếc neo cực lớn, giữ tôi lại, để tôi nhận ra mình nên trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại thế nào. Tôi đi qua những xung đột mang tính thế hệ bằng cách hình dung ra nỗi đau của mình ở ngày mai. Tôi biết, tôi không còn nhiều lần có thể sung sướng cài trên ngực áo bông hồng đỏ mỗi khi Vu lan về.

Tôi cũng biết, một ngày nào đó, tôi sẽ bật khóc giữa dòng người và ước ao mình có lại sự phiền toái, như cảm giác mà bây giờ thỉnh thoảng tôi cảm thấy và lập tức hối lỗi sau đó. 

Vì tất cả rồi cũng qua, mẹ cũng sẽ đi, không ai tránh được ngày phải cài bông hồng trắng...

Lương Hàn (Q.2, TPHCM)

Dù bạn đang sống chung và chuyện trò mỗi ngày, hay ở cách xa mẹ hàng ngàn cây số, sẽ có lúc bạn "va chan chát" với người sinh thành. Mâu thuẫn thế hệ, xung đột thế hệ trong mỗi gia cảnh mỗi khác, nhưng vì chung tần số yêu thương, vì là mẹ-con, bạn và "người ấy" sẽ có cách để cùng nhau vượt qua. 

Hãy chia sẻ câu chuyện của người trong cuộc, vì rất nhiều người đang cần bí quyết giữ tình cảm và hòa khí gia đình của bạn.

Thư xin gửi về email: online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn như quy định.

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI