Liên quan đến việc xử lý sai phạm liên quan đến thảm họa Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, UBND thị xã Kỳ Anh, Sở Công thương phải tiến hành kiểm điểm và báo cáo kết quả về tỉnh trước ngày 15/8.
Thế nhưng, đến 15/8 chỉ có Sở TN-MT Hà Tĩnh tiến hành họp tổ chức kiểm điểm nhưng chưa đạt, nên Sở Nội vụ tiếp tục yêu cầu kiểm điểm lại. Tiếp đó, Sở Nội vụ tiếp tục có văn bản đề nghị các đơn vị nghiêm túc hoàn chỉnh công tác kiểm điểm, báo cáo kết quả về Sở trước ngày 26/9.
Đến nay, dù đã quá hạn 41 ngày nhưng chỉ mới có Sở Công thương, Phòng Cảnh sát môi trường - hai đơn vị không liên quan nhiều đến sự cố môi trường vừa qua là có báo cáo.
UBND thị xã Kỳ Anh vẫn chưa tiến hành kiểm điểm, chưa gửi báo cáo kiểm điểm về Sở nội vụ. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh dù đã quá hạn kiểm điểm nhưng vẫn đang xin kéo dài thời gian kiểm điểm.
Về phương diện cá nhân, chỉ có duy nhất ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Người đứng đầu ngành TN-MT là ông Võ Tá Định chỉ xin rút kinh nghiệm.
|
Xử lý trách nhiệm sau sự cố Formosa còn nhiều bất cập |
Nhiều lần giục giã
Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Huy Liệu - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Họp kiểm điểm thì UBND thị xã Kỳ Anh đã làm nhưng chưa hoàn thành báo cáo để gửi lên Sở.
Còn Sở TN-MT cũng đã họp và kiểm điểm nhiều lần, nhưng còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, ngày 27/9 theo tôi được biết Sở này cũng tổ chức họp tiếp, nếu xong có thể họ sẽ gửi báo cáo lên Sở.
Phía Ban quan lý Khu kinh tế thì chưa hoàn thiện báo cáo, Trưởng ban quản lý bị bệnh, nên chưa hoàn thiện, mới chỉ họp kiểm điểm. Duy nhất hiện nay chỉ có Sở Công thương, Phòng cảnh sát môi trường là nộp báo cáo về Sở rồi".
Ngoài ra, theo ông Liệu, Sở nội vụ đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo lên UBND tỉnh, cụ thể là 6 lần. Bản thân Sở nội vụ cũng giục các Sở, ban ngành nộp báo cáo không dưới số lần đó.
Trả lời về việc hối thúc các sở, ban ngành bằng cách nào, ông Liệu nói rõ: "Làm việc bằng công văn có, điện thoại có và trực tiếp cũng có. Mà việc chậm trễ báo cáo của các Sở, cơ quan mới khiến cho việc báo cáo lên tỉnh chậm. Nhưng thực tế họ cũng nhiều việc, cho nên cũng có lý do khách quan và chủ quan".
Các bộ phải vào cuộc
Trước thực trạng trên ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thẳng thắn nói: "Chúng ta cứ xử lý theo đúng quy định, nếu chậm báo cáo thì thanh tra công vụ, rồi xử lý, chứ để tự nhận họ chỉ làm như vậy, không thỏa mãn được nhu cầu đặt ra.
Phải thanh tra, kiểm tra, sau đó xác định yêu cầu, xử lý kỷ luật từng cá nhân, từng tập thể, mức xử lý đã có trong quy định Luật. Báo cáo chậm nó cũng nằm trong quy định công chức, công vụ. Thủ tướng đang ráo riết làm, thanh tra kiểm tra các địa phương, để chấm dứt thực trạng "trên bảo dưới không nghe".
Theo vị ĐBQH, trong sự việc ô nhiễm biển miền Trung do công ty Formosa, Bộ TN-MT cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Dự án lớn như Formosa chỉ là phân cấp cho địa phương đến mức độ nhất định, còn đâu cũng là do Bộ quản lý.
Trước thực trạng hiện nay công nghệ luyện coke, cũng như mối lo ngại ống ngầm xả thải của Formosa vẫn đang tồn tại, ông Xuyền cho rằng:
Phải dựa theo cam kết của chủ đầu tư, sự theo dõi kiểm tra của Việt Nam, nếu làm trái quy định Luật đầu tư thì theo quy định mà dừng dự án, dừng thi công, không cho hoạt động.
Nếu thay đổi công nghệ thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đó là bài toán cần đến sự vào cuộc của cả Bộ KH-CN, Bộ KH-ĐT không riêng gì Bộ TN-MT.
"Hậu quả đã xảy ra rồi, Thủ tướng đã chỉ đạo phải theo dõi, theo dõi hàng ngày, phải kiên quyết ngay từ bây giờ, đúng quy trình. Không được có sự châm chước, xuê xoa, không lại gánh tiếp hậu quả nghiêm trọng hơn, bài học này nối tiếp bài học khác.
Chính phủ kiến tạo là điều hành đất nước trên cơ sở Luật pháp, đã quy định là phải làm, không làm đúng thì phải có cách kiểm điểm, kiểm tra hoặc dừng lại. Làm không đúng thì phải báo cáo lại ngay, không để DN tự tung, tự tác", ông Xuyền nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị An - Nguyên ĐBQH khóa 13, Đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã có tổ giúp việc kiểm tra các việc thực hiện của cấp dưới, thì cứ như vậy mà tiến hành.
Theo bà An, tổ kiểm tra của Thủ tướng thì xem xét, giám sát các Bộ, ngành địa phương, nếu cấp Sở thì cấp tỉnh có trách nhiệm, cấp huyện thì tỉnh có trách nhiệm, tất cả phải đôn đốc, chứ không phải đợi người ta nộp lên, tất cả phải đúng hạn.
Chỉ có thể gia hạn một lần, nếu không thì phải giải trình, lý do vì sao, kỷ cương hành chính phải thực hiện nghiêm, cấp dưới phục tùng cấp trên, cấp trên ra lệnh thì cấp dưới phải làm, hạn ngày nào thì phải nộp, không nộp thì báo cáo. Còn không thực hiện thì cấp trên có quyền kiểm tra, tất cả phải trao đổi hai chiều.
Về nguyên tắc đã chậm báo cáo thì vì lý do nào cũng không chấp nhận được, đã là người lãnh đạo, cơ quan quản lý thì phải chấp hành Luật làm gương cho dân.
Về việc truy cứu trách nhiệm trong sự cố Formosa chỉ có hai cán bộ tự nhận hình thức xử lý là rút kinh nghiệm và khiển trách, bà An lưu ý:
"Về mức độ vi phạm thì chỉ có địa phương, người quản lý cán bộ mới có thể biết, nhưng phải kỷ luật làm sao cho tương xứng với những gì đã xảy ra. Riêng với Bộ TN-MT, về trách nhiệm quản lý nhà nước cũng phải xem xét lại cụ thể".
Lâm An