Xử lý tội phạm chưa thành niên phải nhân văn, an toàn

14/08/2024 - 06:08

PNO - Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Dự luật quy định biện pháp xử lý chuyển hướng (giám sát, giáo dục, phòng ngừa) thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong số 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, có biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Bà Lê Thị Nga cho rằng, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là “vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên” nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng và cho người bị hại bởi trường giáo dưỡng là môi trường giáo dục có kỷ luật chặt chẽ do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Người chưa thành niên sẽ được áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng ngay từ giai đoạn điều tra và sớm kết thúc quá trình tố tụng.

Đối tượng được áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, phạm tội rất nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, cướp tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý…

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một số tội không được áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Bà Lê Thị Nga cho hay, dự thảo luật đã tách một số tội từ các tội phạm nêu trên để có thể áp dụng biện pháp xử lý giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc áp dụng hình phạt.

“Quy định của dự thảo luật tuy có sự thay đổi chính sách theo hướng nhân văn hơn với người chưa thành niên phạm tội nhưng không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Những tội này không được phép áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng mà chỉ có thể chấp hành tại trường giáo dưỡng hoặc chấp hành hình phạt” - bà nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự thảo luật đang quy định 3 điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, gồm: có chứng cứ người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội; người chưa thành niên thừa nhận mình có tội; người chưa thành niên đồng ý bằng văn bản về việc xử lý chuyển hướng.

Như vậy, có tới 2/3 điều kiện phụ thuộc vào sự lựa chọn tự nguyện của người chưa thành niên, trong khi đối tượng này chưa có nhận thức đầy đủ. Ông cho rằng, nên bổ sung điều kiện là có sự đồng ý của nạn nhân.

Về vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình lý giải, người bị hại không bao giờ mong muốn người phạm tội được xử lý chuyển hướng, do đó không nên bổ sung quy định như trên. Còn việc quy định người chưa thành niên có văn bản đồng ý xử lý chuyển hướng, là nhằm để tội phạm chưa thành niên tự nguyện, thành tâm phục thiện.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI