Xử lý phải đi đôi với hỗ trợ

24/06/2024 - 06:13

PNO - Từ lâu, các xe tự chế chở hàng cồng kềnh đã được ví như “hung thần” trên đường, vừa làm cản trở giao thông, vừa chực chờ gây tai nạn.

Do xây dựng thiếu quy hoạch, phần lớn đường hẻm ở các đô thị của Việt Nam vừa nhỏ hẹp, vừa ngoằn ngoèo khiến các loại xe tải khó lưu thông. Trong khi đó, xe 3-4 bánh tự chế lại dễ dàng len lỏi sâu vào các con hẻm, chi phí vận chuyển rẻ nên được nhiều người thuê.

Bên cạnh đó, phần lớn người lái xe chở hàng tự chế có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học vấn thấp, không có tay nghề, sẵn sàng chấp nhận làm “chui” để sống qua ngày. Khi bị xử lý, các tài xế xe tự chế thường viện dẫn lý do “miếng cơm, manh áo” để biện minh cho hành vi lái xe không đạt chuẩn, vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thế nhưng, dù có biện hộ thế nào thì không thể phủ nhận thực tế là những xe chở hàng tự chế này thường xuyên gây ra tai nạn chết người và những cái chết này đều rất bi thảm. Những vụ tai nạn do xe chở hàng tự chế gây ra gần đây tiếp tục dấy lên câu hỏi: “Phải chăng pháp luật “bó tay” với những chủ xe tự chế bất chấp tính mạng con người?”.

Thực ra, từ cách đây 15 năm, Luật Giao thông đường bộ và các nghị định, thông tư đã có các điều khoản để quản lý xe ba gác, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh.

Cụ thể, khi lưu thông, xe ba gác phải đảm bảo các quy định pháp luật về chất lượng, độ an toàn kỹ thuật và không gây hại môi trường; chủ xe phải đăng ký xe và chịu sự quản lý của cơ quan cảnh sát giao thông.

Khi chở hàng, xe ba gác cần phải tuân thủ điều kiện không vượt quá 0,3m mỗi bên ở chiều ngang và không vượt quá giá chở hàng 0,5m ở phía sau, chiều cao không vượt quá 1,5m tính từ mặt đường. Theo quy định hiện hành, người vi phạm bị xử phạt 2-3 triệu đồng kèm các khoản phạt bổ sung.

Xét theo thu nhập bấp bênh của giới tài xế xe ba gác, khoản tiền phạt này là không nhỏ, nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ tính răn đe để buộc họ không tái phạm.

Với hàng loạt hậu quả, hiểm họa mà phương tiện này gây ra, đã đến lúc Chính phủ cần quyết liệt, mạnh tay hơn đối với chủ các phương tiện này, chẳng hạn có quy định tịch thu và cấm lưu thông vĩnh viễn đối với xe 3-4 bánh tự chế, thậm chí tiêu hủy loại xe này khi vi phạm pháp luật giao thông.

Cùng với đó, chính quyền, đoàn thể các cấp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho các đối tượng đang hành nghề chở hàng bằng xe tự chế.

Cấm xe ba gác nói riêng, xe tự chế chở hàng nói chung không chỉ nhằm bảo vệ tính mạng của người đi đường mà còn bảo vệ chủ xe tự chế bởi khi xảy ra tai nạn giao thông, bên cạnh nghĩa vụ về mặt tài chính, chủ xe tự chế có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, rơi vào vòng lao lý và còn chịu sự dằn vặt về hậu quả mà mình gây ra.

Bên cạnh quy định pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật, mỗi địa phương cần xây dựng chính sách hỗ trợ để những người hành nghề chở hàng bằng phương tiện thô sơ, tự chế chuyển đổi công việc phù hợp, có thu nhập ổn định từ nghề mới.

Xử phạt, tuyên truyền phải song hành với chính sách, hành động cụ thể tạo sinh kế mới an toàn, bền vững cho những người yếu thế trên đường mưu sinh. Nếu không, vòng luẩn quẩn vẫn tiếp diễn và đường phố vẫn nhan nhản xe tự chế chở hàng.

Nam Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI