Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm quy định

15/05/2024 - 06:18

PNO - Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không chỉ đáp ứng yêu cầu của EC mà còn giúp cho hoạt động quản lý, khai thác thủy sản bền vững, minh bạch.

Các địa phương tăng cường quản lý chặt tàu cá khai thác thủy hải sản trên biển
Các địa phương tăng cường quản lý chặt tàu cá khai thác thủy hải sản trên biển

Sáng 6/5, rất đông người dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã dự phiên tòa lưu động xét xử ông Phạm Văn Nghệ về hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài khai thác hải sản trái phép”.

Theo cáo trạng, thông qua một ngư dân, ông Nghệ quen bà Nguyễn Thùy Trang (đang sống ở Malaysia). Trang thuê ông Nghệ làm tài công và nhờ tìm 6 ngư dân sang Malaysia đánh bắt thủy hải sản. Tối 9/2/2023, ông Nghệ và các ngư dân này sang Malaysia khai thác hải sản trái phép. Trong quá trình đánh bắt, do việc ăn chia không đúng như lời hứa, các ngư dân làm thuê đã điều khiển tàu cá nhập cảnh trái phép về lại Việt Nam, bị các ngành chức năng phát hiện, lập biên bản cách cửa biển Sông Đốc khoảng 4 hải lý.

Trước đó, giữa tháng 3/2024, UBND tỉnh Cà Mau đã phạt bà Trần Hồng Diễm - ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, chủ tàu cá CM 92114 TS - hơn 971 triệu đồng về 4 hành vi, gồm khai thác thủy sản ở vùng biển nước khác mà không có giấy phép, sử dụng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không đúng nghề ghi trong giấy phép, tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu mà không có sự giám sát của đơn vị lắp đặt, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

Ngày 9/5, trong cuộc họp của ban chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - yêu cầu các ngành chức năng tăng cường quản lý, thực hiện tốt IUU, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ năm sắp tới. Theo ông, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không chỉ đáp ứng yêu cầu của EC mà còn giúp cho hoạt động quản lý, khai thác thủy sản bền vững, minh bạch.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 1.519 tàu cá dài từ 15m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ 100%. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng tăng cường ứng dụng công nghệ, báo cáo chính xác sản lượng hải sản, truy xuất nguồn gốc hải sản sau khai thác.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết, toàn tỉnh có hơn 9.500 tàu cá. Thời gian qua, các sở, ngành và địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. UBND tỉnh đã ban hành đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình cho tàu cá. Đến nay, có 100% tàu cá đã đăng ký, 100% tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, 95,5% tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Đại tá Huỳnh Văn Đông - Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang - cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến; xử phạt nghiêm, không cho xuất bến các tàu cá không đủ điều kiện; đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có đầy đủ giấy tờ khi xuất nhập bến, có lắp đặt thiết bị giám sát.

Kiên Giang có diện tích vùng biển 63.290km2, là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm đánh bắt hải sản của cả nước nên ngoài việc kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh còn giám sát hoạt động của tàu cá các tỉnh khác hoạt động ở Kiên Giang.

Phú Hữu - Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI