Xử lý kiên quyết lò gạch “thổ phỉ”, không có vùng cấm hay miễn trừ

25/03/2016 - 08:06

PNO - "Những vụ việc như lò gạch “thổ phỉ” phải xử lý kiên quyết, nghiêm khắc với tất cả các trường hợp vi phạm. Không có vùng cấm hay miễn trừ nào hết".

Xu ly kien quyet lo gach “tho phi”, khong co vung cam hay mien tru
Ông Nguyễn Sỹ Cương

Ông Nguyễn Sỹ Cương (ảnh) - Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc Hội cho rằng, giải pháp thích hợp nhất để các vụ việc như lò gạch “thổ phỉ” không “chìm xuồng” là người lãnh đạo phải xử lý nghiêm mọi sai phạm, không được phép bao che, nể nang.

* Thưa ông, Hà Nội từng xảy ra hàng loạt vụ tiêu cực liên quan tới kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức như nhận tiền “chạy” công chức hàng trăm triệu đồng, “bôi trơn” sổ đỏ và mới nhất là vụ thanh tra xây dựng nhận tiền để bảo kê lò gạch trái phép mà báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh. Ông bình luận gì về những vụ việc kiểu này?

- Cán bộ, công chức bây giờ sai phạm ngày càng nhiều. Đáng tiếc, việc xử lý vi phạm vẫn bị buông lỏng, không đến nơi đến chốn, không nghiêm túc nên người ta vẫn cứ ngang nhiên vi phạm.

* Từng trực tiếp nhận kiến nghị của cử tri phản ánh tình trạng “bôi trơn” sổ đỏ, cá nhân ông đã vào cuộc quyết liệt nhưng cuối cùng vụ việc cũng không đi tới đâu, ông nghĩ sao khi hầu hết các vụ việc dạng này đều bị “chìm xuồng”?

- Tại kỳ họp thứ 10, ở phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2015 - PV), tôi đã đòi “nợ” Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang về vấn đề này nhưng rồi sự việc vẫn rơi vào im lặng. Phải nói thêm là từ thời điểm tôi nêu ra đến phiên chất vấn nói trên là gần 14 tháng nhưng không có câu trả lời thỏa đáng nào cả.

* Chế tài pháp luật có đủ nhưng vì sao lại khó xử lý rốt ráo đến vậy? Phải chăng có lợi ích nhóm và sự né tránh, nể nang trong xử lý đối tượng vi phạm, thưa ông?

- Quy định pháp luật, chế tài không thiếu gì cả. Vấn đề là có xử lý nghiêm hay không mà thôi. Tôi không thể kết luận có lợi ích nhóm hay không nhưng nếu người lãnh đạo không xử lý tức là ít nhiều có sự bao che cho sai phạm. Đó chính là mầm mống cho những sai phạm tiếp theo của cán bộ, công chức. Những vụ việc nghe thì bức xúc như thế, dư luận nêu nhiều như thế, nào là thanh tra vào cuộc, rồi chuyển cơ quan điều tra, đưa cả ra Quốc hội cũng là to chuyện rồi sau đó vẫn... chìm nghỉm. Vì thế, người vi phạm càng không coi pháp luật ra gì.

* Ông có giải pháp, kiến nghị nào để chấn chỉnh kỷ luật thực thi công vụ, để công chức không dám và không thể nhũng nhiễu, tiêu cực, bảo kê...?

- Giải pháp thì vô cùng. Theo tôi, những vụ việc như lò gạch “thổ phỉ” phải xử lý kiên quyết, nghiêm khắc đối với tất cả các trường hợp vi phạm. Không có vùng cấm hay miễn trừ nào hết. Đó là giải pháp cơ bản và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nếu chừng nào vẫn còn kẽ hở hay sự bao che, nương nhẹ cho vi phạm thì sẽ còn phát sinh rất nhiều vụ tiêu cực khác và bức xúc xã hội không bao giờ giảm được.

* Xin cảm ơn ông

Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Lò gạch có bé như con kiến đâu mà bảo không thấy!”

Văn bản pháp luật ban hành ngày càng nhiều nhưng thực thi chưa tới đâu. Đâu phải không có luật để xử lý vấn đề “chạy” công chức hay bảo kê lò gạch trái phép, mà do ta không vận dụng hết để xử lý nghiêm khắc những sai phạm đó, thành ra không có tính răn đe. Những công trình xây dựng sai phép như lò gạch “thổ phỉ” có phải bé như con kiến đâu mà bảo không thấy. Luật pháp cũng đơn giản, dễ hiểu chứ đâu có khúc mắc gì, không phải thiếu căn cứ để xử lý.

Mình làm qua loa, đại khái rồi lại còn “bảo kê” nữa thì bảo sao đối tượng vi phạm không nhờn luật. Đáng ra, tất cả các vi phạm kiểu đó phải được xử lý thật nghiêm khắc bằng chế tài hành chính hoặc nếu đáng xử lý hình sự thì chuyển cơ quan điều tra làm theo đúng pháp luật. Phải xử nghiêm một người để người khác thấy mà sợ, không dám vi phạm.

Nếu cứ xử lý theo kiểu điều đi để khuất mắt người dân; cán bộ vi phạm chỗ này điều đi chỗ khác, có trường hợp còn được lên chức thì không có tính giáo dục. Nguyên nhân chính khiến những vụ việc dạng này dễ “chìm xuồng” là vì có sự nể nang trong quá trình xử lý. Thứ hai, ở đây, có thể có câu chuyện lợi ích nhóm nên mới có sự du di lẫn nhau.

Phương Mai (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI