Khách hàng bị biến chứng, tử vong
Mới đây, chị V.T.A.D. (31 tuổi) đến phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Nguyên Anh (467 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10) để được tư vấn làm đẹp. Tại đây, một người tự xưng là bác sĩ đã tư vấn chị thực hiện kỹ thuật hút mỡ bụng, cấy mỡ vào vùng trán, thái dương và chị đã đồng ý.
Sau khi thực hiện, chị bị tai biến, trở nặng được đưa đến Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán chị D. bị nhồi máu não diện rộng bán cầu trái do thuyên tắc mỡ sau phẫu thuật cấy mỡ tự thân.
|
Một số cơ sở làm đẹp “chui”, quảng cáo sai sự thật bị Sở Y tế TPHCM phát hiện, cảnh báo - Nguồn ảnh: Sở Y tế TPHCM |
Thanh tra Sở Y tế TPHCM sau đó đã làm việc với bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám này. Người tư vấn, thực hiện thủ thuật cho chị D. là bác sĩ L.T.T.T. (bác sĩ hợp tác của phòng khám), có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa ngoại lồng ngực, chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, tái tạo và thẩm mỹ.
Tuy nhiên, người phụ mổ cho bác sĩ T., cũng như trực tiếp chăm sóc chị D. lại chưa có chứng chỉ hành nghề khám bệnh. Phòng khám này không thực hiện hồ sơ đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của bác sĩ lẫn người phụ mổ. Kỹ thuật hút mỡ bụng và cấy mỡ vùng trán và thái dương cho người bệnh cũng chưa được Sở Y tế TPHCM thẩm định, phê duyệt cho phép thực hiện.
Vừa qua, bà N.T.H.L. (46 tuổi) cũng bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy tại Công ty TNHH Phát triển đào tạo thẩm mỹ Việt Nam (515 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10). Đáng nói, trước đó Sở Y tế TPHCM đã phát hiện cơ sở này sai phạm, xử lý đình chỉ hoạt động 18 tháng nhưng nơi này vẫn tiếp tục hoạt động và gây ra biến chứng cho bà L. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu giám đốc cơ sở đến làm việc nhưng người này không hợp tác.
Đã có cơ sở gây hậu quả, khiến khách hàng tử vong. Gần nhất là ngày 4/6, chị N.T.T.H. (33 tuổi, ở tỉnh Tây Ninh) đến phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ quốc tế Thailand Hospital (86-88 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1) để nâng mũi bằng silicon và sụn vành tai.
Chỉ sau vài phút được gây tê ở vành tai, chị H. xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt. Nghi ngờ chị H. bị sốc phản vệ với thuốc, bác sĩ phòng khám tiến hành hồi sức chống sốc và chuyển nạn nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Do tình trạng sốc quá nặng, chị đã tử vong lúc 22g15 cùng ngày.
Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ quốc tế Thailand Hospital tạm ngưng hoạt động khám, chữa bệnh để làm rõ vụ việc.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã liên tục lập tổ công tác kiểm tra, xử phạt cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp cũng như các bác sĩ, kỹ thuật viên… vi phạm. Trong đó, có nhiều cơ sở chưa được cấp phép, thậm chí đã bị tước giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Đáng chú ý, nhiều phòng khám thẩm mỹ bị phát hiện vi phạm, xử phạt nhưng sau đó vẫn tái phạm hay tìm cách “lách luật” đổi tên cơ sở, chuyển địa điểm để tiếp tục hoạt động.
Đổi tên, chuyển địa điểm, "núp bóng"…
Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, thực trạng các tiệm spa, mát xa… làm thẩm mỹ “chui” trên địa bàn TPHCM không phải vấn đề mới nhưng luôn “nóng” vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Theo quy định, ngoài các bệnh viện thẩm mỹ, thì các cơ sở có thể chia thành 3 nhóm gồm: dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu…), dịch vụ thẩm mỹ (phun, xăm, thêu trên da…) và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, thiết bị can thiệp.
“Trong các nhóm này, cơ sở khám, chữa bệnh ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp thì bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật, hạng mục can thiệp theo quy định của pháp luật” - ông Tăng Chí Thượng cho biết.
Tính đến nay, TPHCM có hơn 7.000 cơ sở hoạt động liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ. Trong đó, có hơn 590 cơ sở do ngành y tế quản lý, còn lại được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Các cơ sở này có thể chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là cơ sở có bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ đảm trách, gồm phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện… do Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM cấp phép và quản lý. Còn lại là spa, chăm sóc da, cơ sở phun, xăm, thêu, gội đầu, cắt tóc… không có bác sĩ chuyên khoa.
Đáng lo ngại, hoạt động thẩm mỹ “chui” đang có xu hướng “núp bóng” tiệm thư giãn, spa. Để “né” cơ quan có thẩm quyền, các chủ cơ sở còn hẹn khách hàng thực hiện làm đẹp tại khách sạn, nhà trọ…
Một cán bộ Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, những cơ sở này hoạt động rất tinh vi, thay bảng hiệu, chuyển địa điểm liên tục nên rất khó kiểm soát. Thời gian qua, Thanh tra Sở Y tế đã rà soát từ các trang mạng quảng cáo, cung cấp dịch vụ thư giãn, làm đẹp… nhằm nắm bắt kịp thời các hành vi sai phạm.
Thanh tra sở cũng phối hợp với UBND các quận, huyện, chính quyền địa phương, lập tổ thanh tra kiểm tra, xử lý, phạt hành chính, thậm chí đình chỉ hoạt động không ít cơ sở. Tuy nhiên, sau khi bị xử lý và cam kết không tái phạm, có cơ sở lại đổi tên, đổi địa điểm, lập tài khoản mạng xã hội mới… nên rất khó kiểm soát.
“Có những cơ sở đăng quảng cáo từ máy chủ đặt ở nước ngoài, mua bán sản phẩm làm đẹp thông qua giao hàng dịch vụ, người mua chỉ tin vào quảng cáo, không biết người bán… Vẫn còn tình huống khi bị biến chứng từ phẫu thuật thẩm mỹ, vào bệnh viện điều trị, vì nhiều lý do, người bệnh không chịu cung cấp thông tin về cơ sở làm đẹp, khiến việc điều tra, xử lý khó khăn.
Bên cạnh đó, mức xử phạt, chế tài các vi phạm trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ còn quá thấp so với lợi nhuận thu được. Vì vậy, các cơ sở làm đẹp đã liên tục vi phạm, đợt tái phạm sau lại tinh vi hơn, khó phát hiện, xử lý hơn” - vị này nói.
Hiện Thanh tra Sở Y tế TPHCM vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cũng như công an địa phương nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn… những cơ sở vi phạm.
Người dân nên chủ động phản ánh với cơ quan chức năng Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người có nhu cầu làm đẹp nên tìm hiểu kỹ cơ sở, trình độ chuyên môn của bác sĩ, hạng mục được cấp phép trước khi đồng ý thực hiện. Quan trọng phải yêu cầu kiểm tra giấy phép hoạt động để đảm bảo cơ sở được phép và đủ điều kiện thực hiện dịch vụ thẩm mỹ. Tuyệt đối không ham giá rẻ, khuyến mãi, không cả nể ủng hộ người thân, quen. Thận trọng với các cơ sở quảng cáo “lố” như: “công nghệ số 1 thế giới”, “bác sĩ quốc tế”, “trị bá bệnh”, “điều trị 1 lần bằng tế bào gốc”, hứa hẹn làm đẹp nhanh có bảo hành… kẻo tiền mất tật mang. Người có nhu cầu làm đẹp nên tra cứu thông tin các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề trên trang tra cứu http://thongtin.medinet.org.vn và tra cứu thông tin công khai xử phạt vi phạm hành chính tại trang https://thanhtra.medinet.gov.vn của Sở Y tế TPHCM. Một khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp có dấu hiệu vi phạm, ngoài báo lên cơ quan chức năng tại địa phương, người dân có thể phản ánh đến đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế TPHCM qua số điện thoại 0989.401.155 hoặc qua ứng dụng Y tế trực tuyến để kịp thời nắm bắt, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định. |
Phạm An