Hơn một tuần nay, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở hai tỉnh phía Nam là Đồng Nai, Bình Phước. Còn tại miền Bắc, các ổ dịch mới liên tiếp xuất hiện, các tổ công tác chống dịch xử lý không kịp với “tốc độ” lây lan, nhiều hộ chăn nuôi tự mang heo đi chôn, thậm chí thả bừa trên kênh, mương.
Tá hỏa vì dịch bủa vây
Khoảng 20 tấn heo của hàng chục hộ dân ở xã Đức Thắng, H.Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã bị mang đi tiêu hủy. Một tháng qua, 18 thành viên của Hợp tác xã chăn nuôi Đức Thắng mất ăn mất ngủ, nơm nớp lo phòng dịch. Hai tuần nay, trên sông Tân An, đoạn chảy qua xã, lềnh bềnh hàng trăm xác heo, cả một vùng bốc mùi xú uế. Hôm đầu tiên ngửi thấy mùi bất thường, ông Chiến - xã viên Hợp tác xã Đức Thắng - hốt hoảng tưởng trại nhà mình có con heo nào chết. Rà kỹ từng ngóc ngách chuồng trại không thấy, ông và công nhân chia nhau đi tìm thì phát hiện trên sông đầy xác heo trương phình, bụng trắng hếu. Vừa sốc vừa lo sợ, ông tá hỏa chạy đi báo chính quyền.
|
Heo chết liên tục, nhiều địa phương tiêu hủy không kịp |
Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Đức Thắng - thừa nhận, có nhiều xác heo trôi trên quãng sông qua xã, nhưng không biết từ đâu trôi về. Xã đã huy động cán bộ và nhân dân làm tổng vệ sinh, vớt khoảng ba tấn heo chết để xử lý. Không chỉ ở Hưng Yên, nạn thả heo chết trên sông, kênh, mương cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành như Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang. Bà Trần Thị Hảo - nhà ở sát cầu phao sông Hóa (nối H.Thượng Thụy (TP.Hải Phòng) với H.Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) - kể, từ giữa tháng Tư, bà đã thấy nhiều heo chết dạt vào cầu phao, UBND các xã đã phải tổ chức gom vớt, chôn 300 con.
Những ngày này, không chỉ có heo trôi sông, trôi kênh, mà còn rất nhiều heo mắc bệnh dịch tả châu Phi được đưa đi chôn theo lối tự phát. Cả trang trại của ông Nguyễn Đăng Cường - nông dân xuất sắc của tỉnh Bắc Ninh - cũng không tránh được những trận “càn” của dịch tả. Điều đáng nói, gia đình ông phải tự xử lý 70 heo nái và khoảng 300 heo bột. Ông Cường cho biết, việc tiêu hủy heo rất khó khăn bởi bà con không tìm được chỗ chôn. Có những thôn, heo chết được tập hợp ở bãi rác. Nhiều ngày qua, các hộ lũ lượt đưa heo lên xe cải tiến kéo ra các cánh đồng.
Lúng túng trong xử lý
Hỏi nhà ông Thân Văn Hòa nuôi heo ở thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, ai cũng bảo “chết sạch cả chuồng rồi, còn con nào đâu mà hỏi”. Khi tôi đi, họ còn gọi với: “Đừng hỏi chuyện heo chết, hỏi là ông ấy khóc đấy”. Bao năm nuôi heo, chưa khi nào ông Hòa rơi vào cảnh chuồng không, trại trống như hiện nay. Cả trang trại giữa cánh đồng vắng hoe, vôi bột rải trắng từ cổng ngõ. Nghe tôi nhắc chuyện vừa từ trại heo về, ông đã cười rất lớn nhưng nước mắt cứ chực trào.
Từ tháng Tư, heo nhà ông Hòa đã sốt; ông càng chữa trị, heo càng bệnh nặng hơn. Ban đầu chết từng con, sau chết cùng lúc vài con. Ông nhớ như in: “Cùng sốt, ốm rồi chết nhưng mỗi con biểu hiện mỗi khác. Có con đâm đầu vào tường, có con hộc lên như bị chọc tiết, mấy con khác vẫn ăn bình thường nhưng đùng một cái chân run, đi tập tễnh, ngáp, nằm thở, cơ bụng phập phồng, trào máu ra rồi chết”. “Khám nghiệm tử thi” xem nội tạng chúng ra sao, ông Hòa thấy dạ dày của chúng không tiêu được cám, trong ruột toàn máu như bị xuất huyết.
|
Xác heo bị vứt bừa bãi khắp nơi |
Ông Hòa có trại heo, ao cá. Ao nhà ông nuôi cá chim, là loại ăn động vật nên ông mổ, luộc chín heo rồi băm ra làm thức ăn cho cá nhưng đợt này, sau khi băm vài con heo cho cá ăn thì nước ao chuyển màu, bốc mùi. Những ngày sau đó, heo tiếp tục chết, cả gia đình ông phải khiêng hơn 50 con heo chết lên máy cày, chở ra cái hố tiêu hủy ở gần nghĩa trang thôn.
Không riêng người chăn nuôi, cán bộ cơ sở cũng lúng túng khi heo chết nhanh, chết nhiều do dịch tả heo châu Phi. Ông Mai Công Việt - Trạm trưởng Trạm Thú y H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng - không giấu được lo lắng, bởi huyện ông có 20/23 xã có dịch: “Trước đây, việc vận chuyển heo từ huyện này sang huyện khác phải có giấy kiểm dịch nhưng hiện nay, Cục Thú y chỉ yêu cầu kiểm dịch khi vận chuyển đi tỉnh khác. UBND H.Tiên Lãng đã cấm vận chuyển heo ra, vào huyện, trừ những trường hợp đã qua kiểm dịch, nhưng thực tế là không thể kiểm soát nổi, heo vẫn ra, vào huyện bình thường. Cũng không thể kiểm soát được việc giết mổ heo không qua kiểm dịch, không có hướng dẫn nào nói cấm bà con giết mổ”.
Chết sạch đàn heo, vẫn chưa thấy cán bộ đến
Theo ông Hòa, trước khi heo nhà mình chết, ông đã nghe đến dịch tả heo châu Phi. Khi heo chết nhiều, ông cũng thoáng nghĩ đến dịch này. Trại của ông còn có chuyên gia chăn nuôi của tỉnh đã nghỉ hưu, ông thuê về “giám sát”, mà chuyên gia ấy cũng chỉ biết kết luận “heo chết bất thường” sau khi đã đau đầu phân tích, theo dõi.
Gần một tháng trước, con nái sề hơn hai tạ nhà ông không qua khỏi, ông đã đi báo cho UBND xã và nhận được chỉ đạo “giữ nguyên hiện trường”. Con heo chết nằm giữa trại lẫn với những con heo khỏe mạnh, ông Hòa như ngồi trên đống lửa. Sau nhiều cuộc điện thoại, 12 giờ sau, tổ chống dịch mới đến. Họ làm cho ông một biên bản ghi nhận việc heo chết, bảo ông thuê xe để đưa con nái sề đi tiêu hủy vì xã không có xe chuyên dụng. Cả thôn Yên Sơn hôm đó chỉ có một chiếc xe chở thuê đang nhàn rỗi, nhưng chủ xe không chở được, cuối cùng, tổ chống dịch 12 người giải tán, mặc con heo chết trương nằm giữa trại. Cực chẳng đã, ông Hòa gọi điện cho cán bộ UBND H.Việt Yên, 30 phút sau, lãnh đạo huyện gọi lại cho ông và 30 phút sau nữa, tổ công tác của huyện gồm công an, dân phòng đã có mặt tại trại heo nhà ông để phun thuốc khử trùng. Ông Hòa bảo, dường như vẫn chưa có sự đồng bộ.
|
Heo chết như rạ giữa sân, bà con phải tự đưa đi tiêu hủy - Ảnh: Minh Phúc |
Làm việc với chúng tôi, ông Đỗ Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung - nói: “Ở xã Nghĩa Trung, hầu như tháng Ba, tháng Tư năm nào cũng có dịch, nhưng đến giữa tháng Tư năm nay, vẫn chưa xuất hiện dịch bệnh nào, chúng tôi đã nghĩ là do công tác phòng dịch tốt nên khá mừng và yên tâm. Ngày 11/4, con heo nái nhà bà Nụ chết bất thường, đến ngày 18/4 thì xuất hiện ở hộ thứ hai, rồi heo cứ thế chết rải rác từ đó đến nay”. Ông Hùng thừa nhận sự chủ quan trước dịch tả heo châu Phi, cũng như sơ suất trong xử lý dịch: “Việc chậm xử lý heo chết ở vài hộ là có và đó là lỗi của chúng tôi. Những ngày gần đây, mật độ heo chết dày hơn nên chúng tôi đã báo cáo lên huyện, xin tăng cường”.
Một nhân viên thú y ở TP.Bắc Giang cho biết, heo chết liên tục nhiều ngày qua, trong lúc nguy cấp, ông phải thay mặt UBND xã đứng ra thuê máy xúc đào hố, thuê xe chở heo chết, thuê người khuân vác, phun thuốc khử trùng. Số tiền chi cho cả chục ngày xử lý dịch không hề nhỏ, nhưng xã vẫn chưa có kinh phí để chi trả, thế là bỗng dưng ông thành con nợ. Tương tự, ở xã Quỳnh Hội (H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), từng có chốt kiểm dịch do huyện yêu cầu lập, nhưng trong 20 ngày, xã đã phải chi 20 triệu đồng cho các khâu nên đành bỏ chốt do không có kinh phí.
Khi gia đình ông Hòa rơi vào cảnh trại không, chuồng trống, vẫn chưa có ai đến nói cho ông biết về dịch tả heo châu Phi. Khi đàn heo nhà ông chết gần hết, bỗng có cán bộ tỉnh về đòi lấy mẫu. Ông Hòa kể: “Câu đầu tiên họ hỏi tôi là “ai cho phép ông chặt heo ném xuống ao?”. Lúc đó, tôi rất khó chịu trước thái độ cũng như cách làm việc của họ, nhưng cố nén lại, hỏi “heo nhà tôi đã chết gần hết, còn lấy mẫu để làm gì” thì họ trả lời: “Để hợp thức hóa”. Như thế nghĩa là họ chỉ lo “hợp thức” cho công việc của họ chứ có nghĩ đến việc giúp người chăn nuôi phòng, chống dịch gì đâu”.
Khi dịch tả heo châu Phi đã lan đến 29 tỉnh, thành trên cả nước, trang web của Cục Thú y vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về dịch bệnh này. Có thể nói, sự tắc trách của ngành chức năng là một phần nguyên nhân khiến dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh chóng.
Ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên xuất hiện tại miền Tây
Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang xác nhận, tỉnh này đã phát hiện hai ổ dịch tả heo châu Phi ở xã Nhơn Nghĩa A, H.Châu Thành A và xã Vĩnh Xuân, H.Vị Thủy, với 68 con heo nhiễm bệnh. Như vậy, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện dịch tả này. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo ngành thú y phối hợp với đơn vị liên quan triển khai chống dịch, lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển động vật trong bán kính 3km tính từ hai ổ dịch. Hiện sở NN-PTNT các tỉnh lân cận đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng dịch.
Thư Hùng
|
Ngọc Minh Tâm