Xu hướng “xanh hóa thời trang”

10/05/2022 - 06:14

PNO - Nhiều hãng dệt may đang dùng các loại nguyên liệu thiên nhiên như lá sen, cói, bã mía, vỏ cà phê, cây bạc hà hoặc đồ tái chế như chỉ thừa để làm thành vải may quần áo, giày dép, túi xách.

Dệt vải từ vỏ bắp, xơ dừa, bã mía

Các hãng thời trang lớn của Nhật như Muji, Uniqlo gần đây liên tục cho ra các dòng sản phẩm được làm từ nguyên liệu tái chế, như túi xách thời trang làm từ nguyên liệu chứa 30% chỉ thừa, có giá 199.000 đồng/cái. Quần, áo hiệu Muji được làm từ linen thiên nhiên - loại vải được dệt từ thân của cây lanh - có kiểu dáng, mẫu mã đơn giản, giá khá cao nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng (NTD) ủng hộ. 

Theo đại diện Uniqlo, không dễ để sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu tái chế. Chẳng hạn, sau khi được thu thập, chỉ thừa được loại bỏ tạp chất, phân loại,  sau đó tạo sợi vải mới rồi dùng vải này may túi xách. 

Các sản phẩm thời trang làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường vẫn chưa phổ biến trên thị trường Việt Nam do giá cao
Các sản phẩm thời trang làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường vẫn chưa phổ biến trên thị trường Việt Nam do giá cao

Các công ty dệt may của Việt Nam cũng đẩy mạnh xu hướng “xanh hóa thời trang” này. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) - đã có nhiều đơn hàng cung cấp cho đối tác nước ngoài các sản phẩm may mặc được làm từ vỏ bắp, bã mía kết hợp với sợi tái chế từ quần áo cũ; Công ty cổ phần Kết nối Thời trang (Faslink) đẩy mạnh sản xuất và cung ứng sợi vải làm từ cây bạc hà, vỏ cà phê, vỏ hàu, xơ dừa.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng Giám đốc Faslink - cho biết trong năm 2021, Faslink đã cung ứng cho thị trường khoảng 8 triệu mét vải thành phẩm từ những nguyên liệu này. Theo ông Trần Như Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM, kiêm Trưởng ban Phát triển bền vững của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) - “thời trang xanh” đang là xu hướng, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới đang ưu tiên các doanh nghiệp (DN) xanh, tức DN thực hiện tốt các tiêu chí bảo vệ môi trường. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh của TCM đã nghiên cứu, chế tạo ra vải từ những nguyên liệu thân thiện môi trường như vỏ của trái bắp, bã mía kết hợp với sợi tái chế từ quần áo cũ để sản xuất quần áo theo đơn đặt hàng. 

Đơn hàng nhiều nhưng thiếu nguyên liệu 

Cũng theo ông Trần Như Tùng, ngày càng có nhiều hãng thời trang của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu nêu yêu cầu khắt khe hơn về các sản phẩm may mặc, theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường. Chẳng hạn, họ yêu cầu nhà sản xuất tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm điện, giảm thải rác ra môi trường và không chấp nhận việc dùng than làm khí đốt.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony - cho biết một số khách hàng từ châu Âu, Mỹ đặt mua sản phẩm làm từ nguyên liệu tái chế nhưng cái khó là Việt Nam còn thiếu công nghệ và chưa có nhiều nhà cung cấp nguyên liệu thân thiện môi trường. Hơn nữa, đối tác nước ngoài còn yêu cầu có các giấy chứng nhận liên quan, như chứng nhận thân thiện môi trường. 

“Ngoài các yếu tố thân thiện môi trường, đối tác còn yêu cầu nguyên liệu vải phải có bề mặt đẹp, độ bền cao, ăn thuốc nhuộm. Với công nghệ, chi phí hiện tại, sản phẩm làm từ nguyên liệu tái chế chưa bán ra đại trà cho NTD được mà cần có thời gian” - ông Phạm Quang Anh nói. 

Theo ông Trần Như Tùng, giá vải làm từ các nguyên liệu thân thiện môi trường cao hơn nhiều so với vải thông thường nên quần áo làm từ nguyên liệu “xanh” cũng có giá khá cao. Tại Việt Nam, chưa có máy móc, thiết bị sản xuất loại sợi được dệt từ nguyên liệu thiên nhiên hoặc tái chế. Phần lớn sợi tái chế được nhập từ nước ngoài. TCM cũng phải mua sợi tái chế từ Nhật Bản về để kết hợp với vỏ bắp, bã mía dệt thành vải. Các chứng nhận liên quan là do bên công ty làm sợi tái chế cung cấp chứ Việt Nam chưa cung cấp những chứng nhận về vải thân thiện môi trường. Do đó, cần có thời gian để DN thực hiện từng bước, sau đó mới nhân rộng việc tạo nguyên liệu và sản phẩm “xanh”.

Ngoài giá cao, các sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên, tái chế có mặt hạn chế là chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng chưa đa dạng. Ông Phạm Xuân Hồng -  Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cũng cho rằng nguồn nguyên liệu “xanh” có những điểm hạn chế, hiện chưa thể đáp ứng được hết các kiểu dáng thời trang theo nhu cầu đa dạng của NTD; giá nguyên liệu “xanh” còn khá cao do phải qua nhiều khâu nghiên cứu, sản xuất cho phù hợp, đạt chất lượng. 
 “Với sự phát triển của công nghệ, các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được sản xuất với chi phí thấp hơn hiện nay và sẽ đến tay NTD nhiều hơn. Nhưng, dòng sản phẩm này sẽ có mặt song song với các dòng sản phẩm hiện có chứ không thể thay thế hoàn toàn, bởi nhu cầu của NTD rất đa dạng và sản phẩm thời trang lệ thuộc vào mùa, vào tính tiện dụng và mục đích sử dụng” - ông Trần Như Tùng nhận định. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI