Xu hướng tất yếu

16/08/2022 - 06:02

PNO - Đến nay, kinh tế TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã hồi sinh mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến.

 

Trở lại TPHCM khi chính quyền dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội vào tháng 10/2021, ông Steve Nguyen - chủ một doanh nghiệp chế biến nông sản, thủy sản - ngạc nhiên khi thấy mọi thứ ở TPHCM gần như trở lại bình thường. Đường phố nhộn nhịp, người xe hối hả. Đến nay, kinh tế TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã hồi sinh mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp của ông Steve Nguyen, nhiều khó khăn vẫn hiện hữu. Đó là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng sản xuất, sự thiếu hụt nguồn lao động, cả kỹ sư lẫn công nhân. Việc tuyển lao động mới cũng chật vật. Vùng sản xuất nguyên liệu truyền thống của công ty cũng bị thu hẹp, nông dân bỏ ruộng, đại lý thu mua bỏ nghề… 

Đây cũng là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp sau đại dịch. Một số doanh nghiệp ngành dệt may, giày da không dám nhận đơn hàng lớn do lo ngại không đủ nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Một số nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng quy mô đầu tư nhưng lo ngại không tìm được nguồn nhân lực. Ngoài vấn đề đào tạo, việc giữ chân người lao động cũng lắm gian nan. Chi phí lao động ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã không còn rẻ so với khu vực. Hiện nay, Campuchia, Malaysia… cũng đang thu hút đầu tư nước ngoài mạnh vì họ có ưu thế cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống đường cao tốc vận tải, logistics cũng rất khá.

Đó là chưa kể, hiện nay các nước đều nâng cao tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu, yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa và bảo vệ môi trường. Các sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và được tái chế, không gây ô nhiễm môi trường. Do đó, Việt Nam cũng phải hướng tới tăng trưởng xanh để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các nước phát triển.

Một chuyên gia môi trường từng tham gia đánh giá tác động môi trường ở nhiều dự án ngành dệt nhuộm nói với tôi rằng, trước đây có không ít tỉnh thành vì muốn phát triển “nóng” nên đã có những đánh đổi không nhỏ về môi trường, dễ dàng cấp phép cho các dự án nước ngoài có nguy cơ ô nhiễm cao. Hậu quả, sau đó, nhiều khu vực nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, việc khắc phục hậu quả rất tốn kém.

Tại TPHCM, từ nhiều năm trước chính quyền thành phố đã có chủ trương nói không với dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, như không cấp phép cho các nhà máy dệt nhuộm có công nghệ lạc hậu. Nhờ sự quyết liệt trong việc từ chối các dự án thuộc những ngành nghề ô nhiễm cao cũng như siết chặt các quy định về thu gom xử lý nước thải công nghiệp, đến nay tình hình ô nhiễm nguồn nước do hoạt động sản xuất công nghiệp cơ bản đã được kiểm soát, nhiều kênh rạch ở TPHCM cũng đã dần hồi sinh.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực về phục hồi kinh tế sau đại dịch nhưng theo phân tích của giới chuyên gia, vẫn còn không ít khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt như: những ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 cần nhiều thời gian để khắc phục; tác động không nhỏ từ chiến sự Nga - Ukraine đến kinh tế thế giới và Việt Nam và cuối cùng là quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh - cũng chính là tăng trưởng bền vững. Dù đây là một xu hướng đúng, nhưng việc chuyển đổi không hề dễ do năng lực, trình độ của chúng ta so với thế giới vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến Việt Nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30%, nên 70% còn lại phải huy động từ các nguồn lực khác.

Hội tụ các nguồn lực và chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch là giải pháp căn cơ và lâu dài để tăng sức chống chịu cho nền kinh tế và cũng là giải pháp tất yếu để đất nước phát triển bền vững hơn. 

Minh Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI