PNO - Là nữ nghệ sĩ có album dành vị trí quán quân 12 tuần liên tục trên bảng xếp hạng Billboard 200, Taylor Swift bị nhiều người chỉ trích rằng đang dùng thủ thuật ra nhiều biến thể để “độc chiếm” vị trí trên.
Với album The Tortured Poets Department ra mắt vào ngày 19/4, Taylor Swift vừa ghi tên mình vào lịch sử âm nhạc thế giới khi vượt qua Whitney Houston và album nhạc phim The Bodyguard để trở thành nữ nghệ sĩ có album trụ hạng quán quân lâu nhất.
Các album có nhiều biến thể vật lý nhất trong thập niên 2020, trong đó số có màu vàng là album ra mắt trong năm 2024 - Nguồn ảnh: Ammarlovereto13
Theo giới phê bình âm nhạc, nhiều khả năng Taylor Swift sẽ tiếp tục kéo dài kỷ lục thêm 3 tuần nữa, nâng con số này lên 15 tuần, san bằng thành tích mà nữ ca nhạc sĩ Carole King đã từng làm được với album Tapestry vào năm 1971. Dĩ nhiên vào thập niên 1970, thành tích ấy chỉ dựa trên số lượng album vật lý bán ra, nhưng với hiện tại, định dạng nói trên chỉ là một phần của thành tích tổng, bên cạnh số lượt nghe bản phát (streaming) vốn đang chiếm tỉ trọng lớn.
Dấu mốc này cũng kéo theo nhiều điều tiếng khác, khi nhiều người cho rằng Taylor Swift đang cố chặn đứng thành tích của những nghệ sĩ ra album sau mình bằng cách phát hành các phiên bản nhạc số khác nhau vào thời điểm tính thành tích của bảng xếp hạng. Taylor liên tục “kích thích” doanh số bằng các biến thể. Nó có thể dành riêng cho khán giả toàn cầu hoặc thị trường nào đó với các bản phối khác nhau cho từng ca khúc hoặc các bài hát ghi âm trực tiếp, demo... Chính nhờ đó, The Tortured Poets Department vẫn xếp trên nhiều sản phẩm của các tên tuổi khác, như Radical Optimism (Dua Lipa), Hit Me Hard and Soft (Billie Eilish), Brat (Charli XCX), The Story of Us (Gracie Abrams), The Great American Bar Scene (Zach Bryan)...
Duy trì thành tích nhiều tuần nhất có thể sẽ là điều bình thường nếu đó là chiến lược ban đầu của Taylor Swift. Thế nhưng, thực tế thì, khi Charli XCX ra mắt album Brat và gần như chắc chắn sẽ chiếm vị trí quán quân ở thị trường Anh thì Taylor bất ngờ tung thêm các phiên bản nhạc số, đẩy Brat ra khỏi vị trí số 1. Đáng chú ý là phiên bản này không mang tính toàn cầu mà chỉ xuất hiện trong tuần ra mắt album mới của Charli XCX và chỉ tồn tại trên website của Taylor Swift trong khoảng 6 giờ, khiến không ít người cho rằng ê kíp của Taylor Swift cố tình làm thế để chặn đứng thành tích của người còn lại.
Điều tương tự cũng diễn ra trong tuần qua, khi Eminem cho ra mắt album mới nhất mang tên The Death of Slim Shady với lượng bán ra khoảng 300.000 bản và có thể soán ngôi của Taylor Swift. Ngay lập tức, Taylor liền cho ra mắt một biến thể mới gồm 3 ca khúc thu âm trực tiếp tại Stockholm (Thụy Điển) trong khuôn khổ The Eras Tour để chặn đứng khả năng này. Vì vậy, tính từ khi ra mắt đến nay, The Tortured Poets Department đã có đến 19 phiên bản phục vụ cho việc duy trì vị trí quán quân, trong khi sản phẩm của các nghệ sĩ khác chỉ có trung bình từ 3-4 phiên bản kỹ thuật số giúp duy trì sức nóng trên bảng xếp hạng.
Lợi thì có lợi nhưng…
Không chỉ Taylor Swift, vài năm trở lại đây, các nghệ sĩ Âu Mỹ cũng như giới K-pop (ca nhạc sĩ nhạc đại chúng Hàn Quốc) liên tục cho ra nhiều biến thể khác nhau của cùng album, giúp tăng doanh số cho ngành công nghiệp ghi âm lên mức khổng lồ. Đó có thể là CD có các bài hát tặng kèm, đĩa than và băng cassette có màu khác nhau hay các vật phẩm như áo, nón, hoặc các sản phẩm hợp tác độc quyền với các doanh nghiệp bán lẻ...
Các biến thể CD của album The Tortured Poets Department từ Taylor Swift.
Theo báo cáo giữa năm 2024 của Luminate Data - doanh nghiệp thống kê số liệu của ngành công nghiệp ghi âm - 10 album vật lý hàng đầu của năm 2024 thường có trung bình 7 biến thể đĩa than, 2 biến thể cassette và 13 biến thể CD. Nghệ sĩ K-pop mạnh về mảng đĩa CD do thói quen sưu tầm vật phẩm đã là nét văn hóa của người hâm mộ xứ kim chi.
Không chỉ gia tăng doanh thu cho các nghệ sĩ cũng như hãng đĩa, những sản phẩm này cũng giúp mang lại danh tiếng đáng kể với các thành tích về mặt trụ hạng như Taylor Swift đang làm. 1.500 lượt phát trực tuyến được quy đổi ngang bằng 1 phiên bản vật lý được mua trực tiếp. Điều này ngày càng kích thích giới nghệ sĩ ra mắt nhiều phiên bản khác nhau cho 1 album, làm tăng sự lựa chọn cho khán giả nhưng cũng tạo ra nhiều rác trong khâu sản xuất, vận chuyển, góp phần gây ô nhiễm môi trường.
Billie Eilish - một trong những nữ nghệ sĩ đề cao hành động bảo vệ môi trường - từng chia sẻ với người hâm mộ trên mạng xã hội: “Một số nghệ sĩ coi trọng việc tạo ra đủ loại đĩa than với các thiết kế khác nhau bởi nó giúp họ tăng doanh số và kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng bạn có biết nó lãng phí đến thế nào không? Một vài nghệ sĩ lớn đã tạo ra 40 phiên bản đĩa than chỉ với một ít khác biệt để khiến bạn tiếp tục mua thêm”. Thực tế, album của Billie cũng có rất nhiều phiên bản, nhưng nữ ca sĩ thế hệ Z này rất có ý thức khi sản xuất chúng bằng các vật liệu tái chế và thân thiện với môi trường.
Trong việc tạo thêm phiên bản, các nghệ sĩ Âu Mỹ thường bổ sung bài hát hoặc thay đổi thiết kế, còn các nghệ sĩ Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam lại thường tặng kèm card bo góc ngẫu nhiên (in hình nghệ sĩ của nhóm), buộc khán giả phải mua số lượng lớn phiên bản CD để có thể sưu tầm đủ các tặng phẩm này. Trên mạng xã hội, đã hình thành các nhóm trao đổi card bo góc và có tình trạng mua đĩa chỉ để sở hữu các tấm card chứ không quan tâm đến phần âm nhạc trong đĩa CD.
Theo báo cáo mới nhất từ Luminate Data, trong nửa đầu năm 2024, doanh số của sản phẩm vật lý giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, nhiều sản phẩm tồn kho hoặc phải hạ giá.