Xu hướng làm việc kiêm nghỉ dưỡng thịnh hành mùa dịch COVID-19

05/10/2020 - 09:20

PNO - Đại dịch COVID-19 khiến nhân viên trên toàn cầu phải làm việc ở nhà và điều này làm nhiều người cảm thấy áp lực. Tình cảnh này làm nảy sinh xu hướng du lịch mới “workation”. Thay vì bốn bức tường của phòng ngủ, bạn có thể tham gia các cuộc họp từ một bãi biển hoặc gửi nhanh báo cáo trước khi đi bộ xuyên qua vùng núi tuyệt đẹp.

Thay vì nhốt mình trong bốn bức tường, “workation” giúp mọi người tận hưởng không gian du lịch mà vẫn hoàn thành công việc và tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội - Ảnh: The Nautilus Maldives
Thay vì nhốt mình trong bốn bức tường, “workation” giúp mọi người tận hưởng không gian du lịch mà vẫn hoàn thành công việc và tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội - Ảnh: The Nautilus Maldives
 

Những điểm đến thú vị
Khi các quốc gia trên toàn cầu dần mở cửa lại những điểm du lịch cho du khách trong nước và quốc tế, có vẻ như khái niệm về nơi làm việc kết hợp nghỉ dưỡng sẽ là một xu hướng ngày càng tăng. Hiện hầu hết các công ty lữ hành và cơ sở nghỉ dưỡng đều đang hoạt động dưới 50% công suất và luôn tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch, cung cấp môi trường an toàn, vệ sinh, kết nối internet tốc độ cao, cùng nhiều hoạt động giải trí khác đi kèm. 

Quần đảo Maldives giới thiệu gói dịch vụ du lịch giúp mọi người hoàn thành công việc. Gói “workation” bao gồm trợ lý cá nhân riêng, đồ giải khát không giới hạn và dịch vụ giặt ủi miễn phí. Bạn có thể đặt gói này trong tối đa 21 ngày và có thể làm việc trên bãi cát yên tĩnh trong vài giờ mỗi ngày. Ngoài ra, vì sự an toàn, mọi thứ đều tuân thủ quy định giãn cách xã hội, bao gồm xét nghiệm COVID-19 miễn phí. Tuy nhiên, bạn sẽ phải trả 23.250 USD cho kỳ nghỉ bảy đêm trong ngôi nhà trên bãi biển của khu nghỉ mát.

Ở Nhật Bản, mọi người có thể làm việc từ ban-công của một căn phòng nhìn ra quang cảnh tuyệt đẹp của các vườn quốc gia. Chính phủ nước này hiện đang hỗ trợ về mặt tài chính cho các công viên trên toàn quốc để trở nên thân thiện hơn với khách làm việc và giúp hồi sinh nền kinh tế địa phương. Chẳng hạn, khách sạn Chuzenji Kanaya nằm trong công viên quốc gia Nikko ở tỉnh Tochigi đã thiết lập một không gian làm việc dành riêng cho tối đa ba người, tách biệt với các phòng thông thường. Không gian này có máy chiếu và loa để tiến hành các cuộc họp trên internet. 

Với những ai quan tâm đến vùng biển Caribe của châu Mỹ, quốc đảo Aruba khởi động chương trình “Công việc hạnh phúc” dành cho bất kỳ công dân nào có hộ chiếu hợp lệ. Không có khu vực làm việc cụ thể nhưng nhiều chỗ lưu trú trên đảo có trung tâm dịch vụ doanh nhân dành cho người đến làm việc. Khách cũng có thể lướt ván buồm qua các vùng biển Nam Caribe và ngắm nhìn phong cảnh đẹp tuyệt vời trong chuyến tham quan có hướng dẫn viên. Thời gian lưu trú tối thiểu là một tuần và du khách có thể kéo dài kỳ “workation” đến 90 ngày.

Liệu xu hướng “workation” sẽ kéo dài?
Tại Philippines, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang phát triển gói sản phẩm, dịch vụ để thích ứng với những nhu cầu và lối sống thay đổi trong trạng thái bình thường mới, bao gồm đẩy mạnh các khía cạnh về làm việc, học tập và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh tiện ích văn phòng, khi các trường học chuyển sang đào tạo từ xa, khách sạn và khu nghỉ dưỡng có thể trở thành không gian thay thế cho trẻ em vui chơi, học tập. Giữa lúc người dân trên thế giới đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, các khách sạn cũng đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn y tế tại chỗ. Nathan Boublil - đồng sáng lập và là giám đốc điều hành Zen Hospitality Solutions - nói, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh nâng cao, giúp họ có lợi thế hơn so với căn hộ dịch vụ và Airbnb (ứng dụng đặt phòng và cho thuê phòng).

Andrea Mastellone - Tổng giám đốc cấp cao của Tập đoàn Khách sạn và khu nghỉ dưỡng Ayala - Seda Hotels (Philippines) - ghi nhận sự gia tăng nhu cầu về du lịch làm việc. Tuy nhiên, khi được hỏi về triển vọng phát triển ở tương lai, ông lưu ý, trong khi xu hướng này có thể “đem lại sự sống cho các khách sạn” giữa đại dịch, nó vẫn “không bền vững” và “có thể suy giảm trong ngắn hạn” bởi lợi nhuận thu được chỉ mang tính cầm cự. 

Linh La (theo Vice, India Today, Business Insider, TTG Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI