Xu hướng chọn ngành nghề 2018: Nghĩ tới 'đầu ra', chọn nghề thực tế

09/05/2018 - 08:53

PNO - Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay thí sinh đã có lựa chọn thực tế hơn khi đăng ký xét tuyển đại học.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2018 cả nước có 688.641 đăng ký xét tuyển/925.961 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Các thí sinh này đăng ký 2.750.444 nguyện vọng xét tuyển, tăng 7,1 % so với năm trước.

Không còn chọn nghề theo phong trào

Ba nhóm ngành được thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) nhiều nhất là: 1. kinh doanh và quản lý, pháp luật; 2. nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng; 3. toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y. 

Xu huong chon nganh nghe 2018: Nghi toi 'dau ra', chon nghe thuc te
Thí sinh đã thực tế hơn khi đăng ký xét tuyển đại học - Ảnh: Phùng Huy

Ba nhóm ngành này đã chiếm tới 2.338.368 nguyện vọng/368.314 chỉ tiêu. Con số này được các chuyên gia nhận định là đã cho thấy sự dịch chuyển rất lớn trong tư duy chọn ngành, chọn nghề của thí sinh.

Song song với lựa chọn ngành nghề này, năm nay tổ hợp có lượng thí sinh chọn đăng ký nhiều nhất là: A00 (toán, lý, hóa - 34,59%), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh - 23,82%), A01 (toán, lý, tiếng Anh - 11,2%), B00 (toán, hóa, sinh - 11,08%); C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý - 10.87%).

Một chuyên gia tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, nhìn vào bảng thống kê của Bộ GD-ĐT có thể thấy thí sinh đã tính toán kỹ càng khi lựa chọn tổ hợp xét tuyển cũng như nhóm ngành theo học trong năm nay. Các tổ hợp xét tuyển và nhóm ngành thí sinh lựa chọn đều nằm trong danh mục các ngành nghề mà nhu cầu nhân lực trong tương lai đang rất cần như dịch vụ xã hội, khách sạn, du lịch, dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật…

Lựa chọn này cũng cho thấy, học sinh đã thực tế hơn khi chọn ngành phù hợp với mình cũng như nhu cầu nhân lực trong tương lai. “Rõ ràng thí sinh đã không còn chọn ngành theo xu hướng, tâm lý đám đông, mà đã có sự cân nhắc kỹ. Điều này được thể hiện rõ nét ở xu hướng gia tăng của nhóm ngành nghề vốn không được xem là “hot”, là ngành “hái ra tiền” ở thời điểm này nhưng lại rất cần trong tương lai như ngành dịch vụ, sản xuất - chế biến, kiến trúc - xây dựng, nông lâm - thủy sản, thú y…” - chuyên gia này cho hay.

Lý giải việc thí sinh lựa chọn các trường an ninh quốc phòng ngày càng nhiều, một chuyên gia cho rằng, việc không phải đóng học phí, sinh hoạt phí trong suốt thời gian học, lại được “bao cấp” đầu ra, mức lương cao… là những ký do khiến thí sinh giỏi đua nhau nộp hồ sơ vào các trường này. Ngoài ra, phụ huynh cho con học trường quân đội cũng yên tâm hơn vì con mình được quản lý chặt chẽ, hầu như không bị ảnh hưởng xấu do những tác động của xã hội. 

Không quá lo cho ngành sư phạm

Năm 2018, tổng chỉ tiêu vào các trường sư phạm là 35.590, số chỉ tiêu xét kết quả thi THPT quốc gia là 24.369 (giảm 22,8% so với năm ngoái), xét từ các phương thức khác là 11.221 (giảm 55,3% so với năm 2018). Tổng số nguyện vọng sư phạm là 125.261, giảm 29% so với năm trước.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho hay, căn cứ để xác định chỉ tiêu năm 2018 dựa vào tổng nhu cầu của địa phương (được tính là tổng số của số sinh viên dự kiến tuyển mới), số sinh viên dự kiến tốt nghiệp và số sinh viên đã tốt nghiệp chưa có việc làm trong những năm qua.

Theo tính toán thì còn khoảng 40.000 sinh viên sư phạm chưa có việc làm (kể cả năm 2018-2019), trong đó 50% sẵn sàng quay lại sư phạm nếu có cơ hội, tức có khoảng 20.000. Vì vậy, năm 2018 chỉ giao hơn 35.000 chỉ tiêu sư phạm, phù hợp với nhu cầu sử dụng của 63 tỉnh, thành và hút số sinh viên sư phạm ra trường sẵn sàng quay lại ngành sư phạm.

Các trường đào tạo sư phạm bị giảm chỉ tiêu nhiều nhất là  Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), chỉ tiêu đào tạo hệ ĐH khối ngành sư phạm của trường này chỉ còn 100 chỉ tiêu, cao đẳng (CĐ) là 491, tổng chỉ tiêu giảm 75% so với chỉ tiêu mà trường công bố.

Trường ĐH Quảng Nam giảm 58%, Trường ĐH Cần Thơ giảm 46,3%, Trường ĐH Sài Gòn giảm khoảng 34%. Những trường có truyền thống đào tạo sư phạm từ lâu trên cả nước cũng nằm trong danh sách bị cắt giảm nhiều chỉ tiêu như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển 1.415 giảm 21%, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) giảm 37,5%, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) giảm 31,4%, Trường ĐH Thủ đô giảm 19,5%. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM giảm 7,6%...

Các trường CĐ sư phạm cũng bị cắt giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh 2018. Trường CĐ Sư phạm Hà Giang giảm 73%, CĐ Sư phạm Bắc Ninh giảm 66%, CĐ Sư phạm Thái Bình giảm 45%...

Tuy nhiên, theo bà Phụng điều đáng mừng là chỉ tiêu dù giảm tới 38% nhưng tổng số nguyện vọng vào sư phạm chỉ giảm 29%. Nếu tính số nguyện vọng trên tổng số chỉ tiêu thì số dư còn cao hơn cả năm trước. 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI