Xu hướng chọn đến vùng quê thay cho các thành phố đắt đỏ

21/06/2023 - 07:07

PNO - Chúng ta thường bị cám dỗ bởi những bức ảnh quyến rũ về các điểm đến thời thượng trên mạng xã hội và các tạp chí du lịch. Thế nhưng, những địa điểm này không phải lúc nào cũng như mong đợi của du khách.

Khi du khách đã chán nơi đông đúc

Một số du khách đến Paris (Pháp) với rất nhiều kỳ vọng vào chuyến đi. Thế nhưng, có người đã cảm thấy thất vọng dữ dội đến mức xuất hiện triệu chứng buồn nôn, ảo giác và tăng nhịp tim - một tình trạng được gọi là “Hội chứng Paris”.

Khách du lịch chụp ảnh trước nhà ga chính ở Kanazawa, miền Trung Nhật Bản - Ảnh: Kyodo
Khách du lịch chụp ảnh trước nhà ga chính ở Kanazawa, miền Trung Nhật Bản - Ảnh: Kyodo

Mạng lưới theo dõi hành lý Radical Storage đã xem xét 826.000 đánh giá trên trang TripAdvisor về 100 thành phố được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới để tìm thành phố tạo ra “Hội chứng Paris” mạnh mẽ nhất đối với du khách.

Vị trí đầu bảng trong giai đoạn 2022-2023 là thành phố Orlando (Mỹ), nơi có gần 1/5 số du khách cho biết đã trải nghiệm kỳ nghỉ đáng thất vọng. Thành phố mệnh danh “Thủ đô công viên giải trí” của Mỹ còn bị đánh giá kém do sự đông đúc và quyết định tăng giá vé của cả Disney World lẫn Universal vào năm 2022. Ở vị trí thứ hai là thủ đô Jakarta (Indonesia), tiếp theo là khu tiệc tùng nóng bỏng Pattaya (Thái Lan).

Vì những thất vọng như trên, ngày càng nhiều du khách từ bỏ các chuyến đi đến những thành phố, quốc gia nổi tiếng để chọn các tour du lịch nhỏ tại vùng quê, với trải nghiệm hòa mình vào văn hóa của một khu vực cụ thể và giao tiếp với cư dân bản địa. Đây là động lực giúp thúc đẩy các chuyến du lịch nông thôn, đưa du khách đến những nơi tự nhiên không bị đô thị hóa, có mật độ dân số thấp với người dân sống dựa vào nông nghiệp.

Nhiều vùng nông thôn mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo, chẳng hạn như tham quan các khu chợ và lễ hội địa phương, tìm hiểu về các món ăn và nghề thủ công truyền thống, lưu trú trong các tòa nhà lịch sử. Xu hướng này cũng đề cao tính đạo đức và bền vững, lịch trình tự do, khuyến khích các hoạt động ngoài trời, thể thao và khoảng thời gian hòa mình vào thiên nhiên. Từ đó, loại hình sở hữu tiềm năng lớn để làm giàu trải nghiệm cho du khách đồng thời đem lại nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng. 

Dùng trải nghiệm mới để lôi kéo khách

Trong chuyến đi thứ ba đến Nhật Bản, Hannah Cotillon từ Anh rất vui khi được rời khỏi những điểm du lịch lớn nhất của đất nước mặt trời mọc.

Sau đại dịch, mối quan tâm của du khách đối với sức khỏe ngày càng tăng - Ảnh: Nico El Nino/Stock.Adobe.com
Sau đại dịch, mối quan tâm của du khách đối với sức khỏe ngày càng tăng - Ảnh: Nico El Nino/Stock.Adobe.com

Cô cho biết: “Tôi thích đến thăm các thành phố cấp tỉnh vì đó là khoảng thời gian tuyệt vời để thoát khỏi sự hối hả và nhộn nhịp của Tokyo, Osaka hay Kyoto. Chúng tôi có thể nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng ở Onomichi (tỉnh Hiroshima) và Kanazawa (tỉnh Ishikawa). Chúng tôi cũng thích trải nghiệm ẩm thực địa phương và gặp gỡ khách du lịch bản địa trong kỳ nghỉ”.

Những người như Cotillon là nhóm du khách mũi nhọn trong kế hoạch thúc đẩy sự phục hồi bền vững cho ngành du lịch tại Nhật Bản sau đại dịch. Khi khách du lịch quay trở lại Nhật Bản nhiều lần, họ đặt kỳ vọng rất cao về việc khám phá những điểm đến nằm ngoài các đô thị đông đúc. Các khách sạn quốc tế, vốn thường tập trung ở thành phố lớn, đang dần mở rộng sang các địa điểm xa xôi hơn.

Bên cạnh đó, truyền thông xã hội và sự bùng nổ về việc ghé thăm các địa điểm xuất hiện trong những bộ phim hoạt hình, chương trình nổi tiếng cũng mang lại sự thúc đẩy du lịch cho nhiều khu vực ít được biết đến. Ví dụ, những người hâm mộ bộ phim hoạt hình Your name đã đổ xô đến Gifu - một trong số ít các tỉnh không giáp biển của Nhật Bản - kể từ khi bộ phim ra mắt vào năm 2016.

Một điểm đáng chú ý, việc di chuyển đến những khu vực nông thôn đang dần trở nên thuận tiện hơn. Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản sẽ mở rộng nhiều tuyến hơn. Hay SmartRyde - công ty khởi nghiệp giúp gọi taxi từ sân bay đến khách sạn - có kế hoạch mở rộng dịch vụ của mình tại các sân bay nông thôn để đáp ứng nhu cầu du khách.

Hồi tháng Ba, Tổng cục Du lịch Nhật Bản đã chọn 11 điểm du lịch kiểu mẫu để hỗ trợ mạnh trong việc thu hút du khách. Cơ quan này sẽ cử các chuyên gia và cung cấp kinh phí nhằm phát triển, quảng bá du lịch địa phương. Chính phủ đảm bảo ngân sách 700 triệu yên (5 triệu USD) cho chương trình này trong năm tài chính 2023.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong kế hoạch phát triển những điểm tham quan nông thôn. Noriko Yagasaki - giáo sư chính sách du lịch tại Đại học Cơ đốc giáo dành cho phụ nữ Tokyo - cho biết: "Để thu hút du khách ghé thăm nhiều lần, điều quan trọng không chỉ là làm hài lòng họ bằng nội dung hấp dẫn mà còn tránh để họ cảm thấy thất vọng".

Theo bà, các vấn đề cần giải quyết bao gồm dịch thuật thông tin du lịch kém, dịch vụ vận chuyển không đầy đủ và nhiều cửa hàng vẫn chỉ chấp nhận tiền mặt. Việc cải thiện các lĩnh vực này là rất quan trọng để đưa địa phương trở thành điểm đến du lịch thân thiện với khách nước ngoài. 

3 loại hình du lịch nông thôn

Theo trang LinkedIn, có 3 loại hình du lịch nông thôn chính. Đầu tiên, du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch bền vững nhằm cung cấp cho khách du lịch những trải nghiệm đích thực, độc đáo thông qua giao tiếp với cư dân địa phương. Du khách được khuyến khích hòa mình vào văn hóa địa phương và tương tác với người dân địa phương thay vì chỉ quan sát họ từ xa. Khách du lịch thường sẽ ở chung với các gia đình nông thôn. Họ là người trực tiếp truyền bá văn hóa và giúp du khách trải nghiệm tất cả sự độc đáo của cuộc sống trong môi trường mới. Du lịch cộng đồng cũng thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm, chẳng hạn như giảm thiểu tác động đến môi trường và tôn trọng phong tục, truyền thống địa phương. 

Tiếp theo, du lịch nông nghiệp là một hình thức tập trung vào các hoạt động nông nghiệp và cuộc sống nông dân. Du khách đến các điểm du lịch nông nghiệp có thể tham gia các hoạt động nông nghiệp khác nhau, chẳng hạn như thu hoạch mùa màng, chăm sóc gia súc và tìm hiểu về các kỹ thuật canh tác. Du khách có cơ hội nếm thử những món ăn và sản vật địa phương, đồng thời tìm hiểu về lịch sử và văn hóa canh tác trong vùng. 

Cuối cùng, du lịch sinh thái là du lịch đến các khu vực tự nhiên một cách bền vững, có trách nhiệm và quan tâm đến tác động của con người đối với hệ động thực vật bản địa nói riêng, hành tinh nói chung. Loại hình du lịch này bao gồm việc lưu trú tại các nhà nghỉ sinh thái, khách sạn sinh thái hoặc các cơ sở sử dụng năng lượng tái tạo, phù hợp tại các địa điểm ngoài đô thị như núi, rừng hoặc ven biển. Du lịch sinh thái là một cơ hội tuyệt vời để du khách kết nối với thiên nhiên và khám phá những cung đường mới. Tấn Vĩ (theo LinkedIn)

Du lịch chăm sóc sức khỏe phát triển

Sau đại dịch, ngành du lịch chứng kiến làn sóng những du khách trẻ, ở độ tuổi 30-40 và đôi khi là cả thanh thiếu niên, tìm kiếm sự khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần. 

Một nghiên cứu gần đây từ tập đoàn khách sạn Accor (Pháp) cho thấy du khách có mục tiêu là sức khỏe chi tiêu nhiều hơn 55% so với du khách thông thường. Ấn Độ đang chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng đối với xu hướng du lịch rèn luyện sức khỏe, ở những nơi nghỉ dưỡng sang trọng hoặc các khách sạn bao quanh bởi thung lũng tươi tốt, những khu rừng yên tĩnh hoặc trên những bờ biển êm đềm. Gói dịch vụ được ưa thích nhất là trải nghiệm chữa bệnh toàn diện, bao gồm phương pháp điều trị tự nhiên Ayurveda kết hợp cùng một loạt liệu pháp khác như cách chữa bệnh của Phật giáo Tây Tạng, thực hành làm sạch năng lượng chakra, sử dụng rung động âm thanh, yoga... 

Các biện pháp can thiệp nhờ hỗ trợ công nghệ hiện đại cũng được bổ sung để nâng cao tinh thần và năng lượng cho du khách. Chẳng hạn như sử dụng máy massage để giảm đau cơ sau các cuộc chạy marathon và leo núi, nghiên cứu các kiểu hệ thần kinh để đưa ra lịch trình giấc ngủ tốt hơn. Bên cạnh đó, các khóa tu thiền giúp mọi người quên đi nhu cầu sử dụng điện thoại di động và thay vào đó khuyến khích thiền định, ở một mình và đọc sách. 

Cuối cùng, các hoạt động nhóm và cộng đồng không chỉ bao gồm các buổi thiền nhóm hoặc buổi sáng tạo nghệ thuật mà còn tập trung vào trải nghiệm ẩm thực thông qua những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, kết hợp các nguyên liệu tự nhiên theo mùa và những quy tắc của y học cổ truyền Ayurvedic. 

Ngọc Hạ (theo Economic Times)

Linh La (theo Nikkei Asia, Euro News, LinkedIn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI