Xu hướng chọn bài thi KHXH: Có thể gây nhiều hệ luỵ

18/05/2022 - 18:54

PNO - Xu hướng chọn môn khoa học xã hội làm bài dự thi tốt nghiệp THPT không hẳn do học sinh yêu thích và có thể gây ra nhiều hệ luỵ.

Chọn không hẳn vì yêu thích

Theo thống kê tại Trường THPT Nguyễn Huệ (TPHCM), năm nay số học sinh chọn bài thi khoa học xã hội (KHXH) có gia tăng so với năm học trước. Nhiều học sinh trước đó đã theo học khối tự nhiên nhưng đến hết học kỳ 1 năm lớp 12 lại xin chuyển sang học lớp xã hội.

Cô Dương Thị Hải Quý, Hiệu trưởng, cho hay xu hướng học sinh chọn bài thi KHXH tăng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do dịch COVID-19, việc học trực tuyến kéo dài khiến sức học của học sinh bị ảnh hưởng, nhất là với các bộ môn liên quan đến tư duy, tính toán.

Đặc biệt, trường đại học đang ngày càng đa dạng hóa phương thức xét tuyển, học sinh trúng tuyển bằng nhiều phương thức chứ không còn bị bó buộc chỉ riêng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT như trước đây.

Xu hướng chọn bài thi KHXH khi dự thi tốt nghiệp THPT đang ngày càng lên ngôi
Xu hướng chọn bài thi KHXH khi dự thi tốt nghiệp THPT đang ngày càng "lên ngôi"

“Mỗi học sinh khối 12 của trường hiện nay đăng ký xét tuyển vào trường đại học với rất nhiều phương thức, từ xét học bạ 3 học kỳ, 5 học kỳ; dùng kết quả thi đánh giá năng lực; chứng chỉ ngoại ngữ; ưu tiên xét tuyển; điểm thi tốt nghiệp THPT… Vì thế, việc học sinh chọn tổ hợp KHXH chỉ hướng đến việc tốt nghiệp THPT chứ không hẳn chỉ phục vụ mục đích xét tuyển đại học vào các ngành học mà học sinh yêu thích”, cô Quý cho hay.

Tương tự, thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (TPHCM) cũng nhìn nhận, xu hướng học sinh chọn bài thi KHXH khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT chỉ để phục vụ mục đích trước mắt là xét tốt nghiệp, chứ không hẳn là do học sinh yêu thích tổ hợp này. Điều đó sẽ tác động đến việc chọn nguyện vọng sau khi có điểm thi.

“Thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn năm học trước để chọn ngành học phù hợp với bản thân, nên chọn nhiều ngành trong cùng một trường để có có hội trúng tuyển cao hơn. Luôn luôn lưu ý chọn ngành học trước rồi mới chọn trường. Sắp xếp thứ tự ưu tiên theo nghề yêu thích và muốn học kèm theo điểm chuẩn năm trước làm cơ sở tham khảo”, thầy Trung lưu ý.

Có thể gây ra nhiều hệ luỵ

Nhìn nhận về xu hướng học sinh ngày càng “chuộng” bài thi KHXH khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, ThS. Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM cho rằng, đa số học sinh đăng ký bài thi KHXH chủ yếu nhằm mục đích hoàn tất chương trình và tốt nghiệp THPT.

Theo chuyên gia này, dù dịch COVID-19 có ít nhiều ảnh hưởng đến kết qủa học tập của học sinh khối 12 song không tác động lớn đến sự lựa chọn bài thi của học sinh.

“Vài năm gần đây, số học sinh đăng ký tổ hợp KHTN khá thấp trong khi đó bài thi KHXH thì “lên ngôi”. Việc các trường đại học đa dạng phương thức xét tuyển, một ngành học có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức mở ra nhiều lựa chọn cho học sinh, ngoài phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Với cách đăng ký xét tuyển mới trong năm 2022, điểm chuẩn của các ngành liên quan đến bài thi KHTN có khả năng sẽ tương tự năm 2021 - tức điểm chuẩn cho phương thức điểm thi THPT sẽ tương đối cao. Đây cũng là những lý do để học sinh lựa chọn bài thi KHXH”, ThS. Phùng Quán chia sẻ. 

Với xu hướng này, ThS. Quán đánh giá sẽ là điểm mấu chốt trong việc đăng ký ít nguyện vọng vào nhóm ngành như: Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường - các nhóm ngành vốn ít được học sinh quan tâm trong nhiều năm nay.

Trong khi đó, ThS. Cao Quảng Tư (Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn) cho rằng xu hướng học sinh chọn bài thi KHXH có thể là “phong trào” vì tư duy cho rằng học tổ hợp KHXH dễ hơn, khi thi dễ lấy điểm hơn chứ không phải là thực sự yêu thích tổ hợp này. 

ThS. Cao Quảng Tư đánh giá, xu hướng này có thể gây ra nhiều hệ luỵ
ThS. Cao Quảng Tư đánh giá, xu hướng này có thể gây ra nhiều hệ luỵ

Phong trào chọn môn KHXH làm bài dự thi tốt nghiệp THPT sẽ gây khó khăn trong tuyển sinh các ngành khoa học ở các trường đại học. Các trường sẽ vất vả hơn trong khâu đào tạo vì phải nỗ lực giúp người học vượt qua hạn chế về nền tảng kiến thức.

“Sự chênh lệch trong lựa chọn giữa bài thi KHTN và KHXH của thí sinh khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT sẽ dẫn đến việc mất cân bằng giữa các tổ hợp, nhất là những ngành học trước đây nghiêng về bài thi KHTN. Nhiều trường đại học sẽ tìm cách xét tuyển bằng các tổ hợp KHXH hoặc kết hợp giữa tổ hợp KHXH và KHTN để phù hợp với thực tế lựa chọn của thí sinh. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác đào tạo, chất lượng đầu ra, thậm chí khi vào học nhiều em sẽ không đủ năng lực hoàn thành chương trình đào tạo, làm ảnh hưởng đến tài nguyên tri thức của nhà trường và xã hội”, ThS. Cao Quảng Tư phân tích. 

Số liệu của Bộ GD-ĐT, trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thì số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHTN là 319.676 (chiếm 31,94%); số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHXH là 555.813 (chiếm 55,53%). Số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là 103.374 (chiếm 10,33%). Tổng số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh: 859.531 (chiếm 85,87%).

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI