Họ còn trải qua được mấy mùa nắng nóng!
Gần trưa, tôi đến số 144/10 đường Hải Phòng - xóm chạy thận - nằm cạnh Bệnh viện Đà Nẵng. Nhễ nhại mồ hôi, bà Sáu và vội bát cơm từ thiện rồi lục soạn đồ đạc để chuẩn bị qua bệnh viện cho kịp giờ chạy thận. 74 tuổi, quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bà Sáu là người có hoàn cảnh éo le nhất tại xóm trọ: không chồng con, gia đình thân thích, một thân một mình chống chọi với bệnh tật.
“Tôi ở đây đã 9 năm rồi. Cũng là ít. Nhiều người đã gắn đời mình với bệnh viện suốt 15-17 năm. Đúng ra thì mỗi tuần 3 ngày, mỗi ngày phải chạy 3 lần, nhưng tôi sức yếu nên chỉ chạy 2 lần. Chạy nhiều đến nỗi khắp cánh tay nổi cục hết. Đau lắm, nhưng quen rồi” - bà Sáu nói khó khăn.
|
Xóm chạy thận chật chội, nóng bức trong 4 bức tường tạm bằng tôn |
Nói là “xóm” nhưng chỉ là một khu nhà trọ 3 tầng lụp xụp. Phần lớn những người thuê trọ đều đến từ tỉnh Quảng Nam, là những bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối, phải thuê trọ gần bệnh viện để lỡ có chuyện bất trắc còn kịp vào viện.
“Xóm có 15 phòng, trước có 30 người ở, nhưng đã lần lượt “đi” dần, nhất là trong dịch COVID-19, nên nay chỉ còn 15 người. Tết vừa rồi có 2 người “đi”, một anh mới hơn 40 tuổi…” - bà Sáu kể.
Những con người khốn khổ, xa lạ, về đây ở với nhau. Phòng nào hẹp thì 2 người ở. Phòng rộng hơn thì 4 người chen chúc để chia sẻ gánh nặng tiền nong. Khổ nhất là vào mùa nắng nóng, từ trưa đến chiều, nắng phả vào phòng hầm hập. Phòng đã chật lại càng thêm chật vì đồ đạc chất chồng. Chỗ dễ thở nhất là lối đi hẹp vây quanh bởi tủ kệ, giường chiếu.
Ngồi thở hắt bên chiếc quạt điện cũ, cô Huỳnh Thị Kim Liên nói: “Chui rúc nóng nảy riết cũng quen. Chủ trọ họ có lắp điều hòa nhưng không dám dùng. Chỉ bật quạt điện thôi mà nhìn đồng hồ nhảy số cũng đủ nóng ruột. Không làm gì ra tiền, ai cho được đồng nào cũng gom góp để trả tiền trọ và tiền điện, rồi còn mua thuốc”. Cô kể, tiền phòng trọ từ 3,5-4 triệu đồng/phòng/tháng, chia ra mỗi người cũng mất gần 1,5 triệu đồng, gồm cả điện, nước. Thế nên mọi người ở đây ai nấy đều sử dụng điện nước hết sức tiết kiệm.
Trên chiếc giường nằm cạnh cửa nhà vệ sinh, ông Trần Phước Hợi - 62 tuổi, quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - ngồi như bất động. 14 năm chiến đấu với bệnh tật, đời ông như ngập trong bóng tối.
Ông ít nói, hay ngồi nhìn xa xăm. Ngồi trong nhà cũng nóng, ra ngoài sân cũng nóng, nên ông thường ngồi trên giường vô tư lự bất chấp mồ hôi ướt áo. Những người khác cũng nằm, ngồi vật vờ nhìn thời gian trôi. Chẳng biết họ còn trải qua được mấy mùa nắng nóng!
Ước mơ nhỏ nhoi
Do không có chồng con, nên xóm trọ trở thành nơi thân thiết của bà Sáu. Quanh năm bà ở đây. Thỉnh thoảng có cháu chắt họ hàng từ quê ra thăm. Quê hương với bà giờ quá xa xôi, dù từ Đà Nẵng vào Điện Bàn chỉ 30km. Nhớ quê, nhớ làng, muốn thắp nén nhang cho cha mẹ cũng không thể về, đôi lúc bà muốn khóc nhưng không còn nước mắt.
Cũng trải qua nhiều mất mát đau thương, nhưng cô Huỳnh Thị Kim Liên vẫn còn niềm an ủi là đứa con gái đang học đại học. Chạy thận suốt 14 năm qua, chồng bỏ đi, ước mơ lớn nhất của cô Liên là được thấy đứa con lớn khôn, học hành giỏi giang: “Bố nó bỏ đi khi nó còn nhỏ. Mình tui nuôi nó và cha già. Rồi tui đổ bệnh ra đây nằm, bỏ cha già bơ vơ trong quê, con nhỏ tự lực học hành. Ngày tháng với tui dài đằng đẵng. Nhưng thời gian làm cho tâm hồn mình chai sạn đi. Giờ chỉ nhìn con khôn lớn là tui vui, mặc kệ đau đớn. Cháu nó học tốt, lấy được học bổng nên đỡ phần tiền học. Cuối tuần nó qua với tui, mẹ con nhìn nhau mà mừng chảy nước mắt”.
|
Những bệnh nhân chạy thận giai đoạn cuối phải sống năm này qua năm khác trong những căn phòng chật chội |
Cùng phòng, hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị Kim Chung - 42 tuổi, quê xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - cũng éo le không kém. Vợ chồng cô sinh được cô con gái. 13 năm cô đi chạy thận, chồng cô (bị cụt tay) ở nhà tần tảo nuôi con. Cách đây 3 tháng, chồng phát hiện bị bệnh phổi và hiện cũng đang chữa trị. Năm nay, con gái sẽ thi đại học, là niềm an ủi duy nhất của vợ chồng cô.
Còn những ông Thịnh, bà Vinh, ông Mười, ông Hợi… những con người bất đắc dĩ phải gắn cuộc đời mình với bệnh viện, xóm trọ, ngày qua ngày phải vượt lên bao đau đớn, nặng trĩu với nợ đời như thế. Mong ước của họ có khi chỉ là một chuyến trở về để nhìn lại mái hiên, bờ tre, giếng nước, gặp lại những người thân quen và hít thở chút hương đồng gió nội mát lành.
Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hiện có khoảng 300 bệnh nhân đang chạy thận. Trước đây, bệnh viện bố trí cho người bệnh ở lại tại tầng 4. Nhưng vào năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát và lây lan khiến nhiều bệnh nhân không qua khỏi, nên bệnh viện không để bệnh nhân chạy thận ở lại bệnh viện nữa. Vì phải chạy thận liên tục nên phần lớn những bệnh nhân giai đoạn cuối ở các tỉnh đều tập trung ở xóm trọ 144/10 đường Hải Phòng. Các bệnh nhân đều có bảo hiểm hộ nghèo, được chạy thận miễn phí, chỉ tự túc chi phí mua thêm thuốc và sinh hoạt hằng ngày. Để hỗ trợ phần nào, phòng công tác xã hội luôn cập nhật và giữ liên lạc với các bệnh nhân. Khi có các mạnh thường quân hoặc đoàn từ thiện đến, bệnh viện cố gắng phân bổ ưu tiên và giới thiệu đến địa chỉ trên. |
Lê Đình Dũng