Xót xa phận gái “xóm không chồng”

20/09/2015 - 07:45

PNO - Trẻ em ở khu ấp này rất hoạt bát, nhanh nhẹn và thân thiện. Ngoài ra chúng còn giống nhau ở chỗ: thất học, đói khổ và… không có cha.

Đến ấp Bà Phái, xã Long Huyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, điều khiến chúng tôi xúc động nhất đó là những đứa trẻ vô tư chơi đùa với một trái bóng được kết bằng vải quần áo cũ.

Xot xa phan gai “xom khong chong”
Những đứa trẻ "mồ côi cha", thất học, nghèo đói

Trời đã nhá nhem tối, thế nhưng, chòi bếp các nhà vẫn lạnh tanh. Hỏi ra mới biết, vì mẹ chúng, lao động chính trong gia đình, vẫn chưa đi làm về. Còn bố, khi được hỏi, chúng chỉ cười rồi tiếp tục cùng nhảy vào tranh nhau trái bóng.

Xem bọn trẻ đá bóng, nhìn hướng ra rừng cao su trước mặt, gió chiều đưa đẩy khiến nỗi buồn như ngấm dần vào mỗi chúng tôi. Nhưng dù mang đến nỗi buồn thì cánh rừng cao su này lại là “nồi cơm” và là nơi che chở cho những gia đình “gà mái nuôi con” nơi đây. Hỏi ra mới biết, hầu hết những người phụ nữ trong khu ấp này đều có một nghề duy nhất là mót mủ cao su.

Cả những căn nhà ở đây phần lớn cũng dựa vào cây cao su để chống đỡ cho kiên cố, xung quanh là gỗ cao su đóng vây kín để bít gió. Cuộc sống không cánh tay đàn ông, với họ, như thế đã là ổn lắm rồi.

Ở khu ấp này, ngày thường, tìm được một người lớn ở nhà thật khó. Nhà có mỗi người phụ nữ là lao đồng chính, thế nên, dù nắng dù mưa họ cũng phải lầy lội với cánh rừng cao su để mót gạo cho những đứa con của mình.

Chia sẻ nguồn gốc hình thành nên khu ấp mình, chị Phạm Thị Hà, 30 tuổi, chia sẻ: “Tất cả chúng tôi là những di dân gốc Việt nghèo từ Campuchia dạt về. Mang danh Việt kiều nhưng khi trở về quê hương chẳng ai có nổi một tấc đất cắm dùi, không có bất cứ thứ giấy tờ pháp lý nào. Những phận người đàn bà trôi dạt, những đứa trẻ sinh ra không biết mặt cha, họ đang sống từng ngày lay lắt, đói nghèo bủa vây bởi số phận đưa đẩy đến với những người đàn ông vô trách nhiệm”.

Xot xa phan gai “xom khong chong”
Chị Phạm Thị Hà chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình

Nhìn những đứa trẻ đang xà vầy với trái bóng, chị Hà thở dài, ở tuổi này, đáng ra chúng phải được đến trường học hành tử tế. Thế nhưng, một phần vì kinh tế khó khăn và chẳng có bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào để đăng ký học, nên từ sáng tới tối, chúng chỉ biết chơi đùa cùng nhau dưới gốc cao su như vậy.

Đang dang dở câu chuyện với chị Hà, thì chị Mai Thị Châu, 35 tuổi, đi làm về. Đặt áo nón xuống nền nhà, chị vui vẻ chào đón chúng tôi, trong khi bốn đứa con của chị bỏ đá banh chạy đến quấn lấy chân mẹ. Như đoán biết mục đích chuyến “viếng thăm” của chúng tôi, giọng chị chùng xuống, bảo mấy đứa con đi tắm để không phải nghe những điều “tế nhị”. Bốn cu cậu đen đúa tầm tầm bằng nhau cầm lấy túi bánh của mẹ đưa ngấu nghiến rồi chạy đi tắm.

Chị giải thích: “Ngày trước, khi mới về đây, thỉnh thoảng, nửa đêm có đứa bật dậy khóc nhè rồi gọi “Bố! Bố!”. Tôi nghe mà ứa nước mắt, nhưng phải dằn lòng vỗ về cho chúng ngủ. Cuộc sống vừa làm mẹ vừa làm bố, phải mạnh mẽ lên chứ biết làm sao được. Âu cũng là cái số rồi”, chị nhìn về phía những đứa con mình đang vùng vẫy tắm.

Chia sẻ về cuộc hôn nhân bất hạnh, giọng chị như đứt đoạn, chị từng có một thời gian hạnh phúc trong hôn nhân, đó là những năm đầu chị lấy chồng. Cuộc sống ở nơi đất khách xứ người, chị may mắn gặp và kết hôn với một người đàn ông Campuchia.

Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, sau khi sinh ba đứa con, kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn, túng quẫn, chồng chị bỗng thay tính đổi nết. Chị liên tục bị những trận đòi roi không lý do. Không chịu nổi người chồng vũ phu, nhân lúc những người Việt hồi hương, chị đã cùng mấy người con thu dọn quần áo về quê.

Xot xa phan gai “xom khong chong”
Họ sống dựa vào nghề "mót" mủ cao-su

Về quê, số phận dun dủi, chị gặp một người đàn ông khác rồi đem lòng yêu thương. Ít lâu sau, chị cùng ba người con dọn về sống với gã. Nhưng khi có với nhau một đứa con, gã hiện nguyên hình một tên ‘sở khanh” và cao chạy xa bay cùng một cô gái khác trẻ đẹp hơn chị.

Vết thương mới chồng lên vết thương cũ, chị mang theo những đứa con chạy trốn. Cuối cùng, gặp được những người đồng cảnh ngộ, chị đành bám trụ ở khu rừng cao su này để trốn bỏ dư luận.

Nhìn những đứa con đang tíu tít dội nước cho nhau, chị Châu thầm thĩ: “Dù không cùng giọt máu nhưng chúng nó thương nhau lắm. Cũng bởi vì chúng có biết cha mình là ai đâu mà phân biệt”.

Nói đoạn giọng chị chùng hẳn xuống: “Ở xóm này có bao nhiêu đứa trẻ như vậy. Chỉ mong một ngày chúng được đến trường để được bằng bạn bằng bè. Được như vậy, chúng tôi sẽ bớt phần tủi thân”.

Quang Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI