Xót xa khi các bé bị mẹ bỏ rơi ngay trong bệnh viện

28/07/2023 - 06:32

PNO - Em bé nằm một mình ở khoa sanh của bệnh viện, khát sữa, khóc ngằn ngặt. Các điều dưỡng vừa dỗ bé, vừa thay nhau đi tìm người mẹ. Nhiều giờ đồng hồ trôi qua, một hộ lý phát hiện đồ đồng phục của sản phụ được nhét ở góc cầu thang. Mọi người ngưng tìm kiếm, xót xa.

 

Những em bé bị mẹ bỏ lại được nhân viên y tế chăm sóc tại Bệnh viện Hùng Vương  - ẢNH: T.T.
Những em bé bị mẹ bỏ lại được nhân viên y tế chăm sóc tại Bệnh viện Hùng Vương - Ảnh: T.T.

Không tiền, giận chồng… nên bỏ con
Mẹ của em bé đáng thương nói trên được người quen đưa đến Bệnh viện (BV) Hùng Vương khi trở dạ, không có giấy tờ, chỉ cung cấp họ tên, năm sinh… bằng miệng. Các nhân viên y tế đã ngờ ngợ. Không ngờ, chỉ sau khi sinh em bé được 2 ngày, sản phụ đã bỏ con, rời viện. 

“Một số bệnh nhân vì lý do cá nhân, sinh con xong âm thầm bỏ con lại. Vì vậy, với bệnh nhân không người thân, không giấy tờ… chúng tôi thường để mắt, nhằm tìm hiểu, hỗ trợ kịp thời cho các chị ấy. Chúng tôi đang hy vọng người mẹ nghĩ lại và đến BV đón con mình” - 1 nhân viên điều dưỡng tại Khoa Sanh cho biết.

Trong hơn 1 tháng sau đó, nhân viên BV đã nhiều lần gọi điện thoại cho sản phụ, khuyên chị nên quay lại đón con. Ban đầu, chị còn hứa hẹn, sau đó không nghe máy, bỏ sim, mất liên lạc.

Theo chị Trần Thị Thanh Thuyên - Phó trưởng phòng Điều dưỡng BV Hùng Vương - có nhiều lý do sản phụ bỏ con, trốn viện như khó khăn về tài chính, giận chồng, buồn gia đình. Có người còn nghĩ để con lại sẽ được gia đình khá giả khác nhận nuôi… Không ít trường hợp bác sĩ, điều dưỡng đã kịp thời phát hiện, khuyên can, giúp đỡ về chi phí, tư vấn tâm lý để sản phụ thay đổi ý định.

Bác sĩ Phạm Thị Hải Châu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Hùng Vương - cho biết, đa số bệnh nhân trốn viện thường là người cận nghèo, nghèo hoặc lang thang, cơ nhỡ. Vì vậy, rất khó để liên lạc, vận động sản phụ quay lại nhận con. Từ khi công tác xã hội của BV phát triển kèm theo quy định đóng tiền tạm ứng viện phí, số lượng sản phụ trốn viện đã giảm rõ rệt. 

Năm 2022, Phòng Công tác xã hội của BV Hùng Vương đã hỗ trợ cho hơn 170 bệnh nhân khó khăn. Trong đó, nhờ kịp thời phát hiện giúp đỡ và động viên, không ít sản phụ đã thay đổi ý định bỏ con, trốn viện. Hiện trung bình mỗi năm BV ghi nhận dưới 10 trường hợp bỏ con, trốn viện. Năm 2022 có 6 sản phụ trốn viện, sau đó, 4 người đã quay lại nhận con. 

Các bé bị mẹ bỏ lại sẽ được nhân viên y tế chăm sóc, nuôi dưỡng cứng cáp rồi liên hệ chính quyền địa phương làm thủ tục chuyển vào trung tâm bảo trợ hoặc được các gia đình khác nhận nuôi. 

Các bé chịu hậu quả lớn, lâu dài

Tại BV Nhân dân Gia Định, thỉnh thoảng vẫn có trường hợp sản phụ trốn viện. Đa phần có hoàn cảnh khó khăn, là mẹ đơn thân hoặc người mẹ còn quá trẻ. Tiến sĩ, bác sĩ Mai Phan Tường Anh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV - cho hay, sản phụ trốn viện sẽ gặp rất nhiều nguy cơ về sức khỏe như sản dịch, các vấn đề về tiêu hóa, dinh dưỡng, nặng hơn là nhiễm trùng, băng huyết… Em bé ngoài mất đi tình yêu thương của mẹ còn có thể không được chăm sóc thiết yếu sớm như tiêm ngừa sớm trong 24 giờ, khám tầm soát sơ sinh… 

Một tác động lâu dài là trẻ bị bỏ rơi dễ bị các vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 2 - kể: “Tôi từng gặp 1 trường hợp rất đáng thương là bé gái hơn 2 tuổi bị mẹ bỏ rơi tại BV, được cô nhi viện nhận nuôi. Bé không tiếp xúc với ai ngoài người chăm sóc mình. Đặt bé xuống đất thì bé chỉ đứng bất động với ánh mắt sợ hãi. Đêm đến, bé trằn trọc, lâu lâu khóc ré lên sợ hãi. Mọi người nghi ngờ bé bị tự kỷ nên đưa đến BV đánh giá. Sau khi tiếp xúc, tôi nhận ra bé không bị tự kỷ, mà là thoái lùi phát triển vận động, thoái lùi tương tác xã hội, chậm phát triển về ngôn ngữ và tương tác xã hội, rối loạn lo âu…”.

Có lần chuyên gia tâm lý này bất ngờ khi một nhóm 5 trẻ khoảng 9-10 tuổi được cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi đưa đến nhờ đánh giá tâm lý. Những em này chỉ chơi chung với nhau, không lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ người ngoài, học lực yếu… Sau thăm khám, chuyên gia nhận ra các em có vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, thường hay căng thẳng, chậm tiếp thu, dễ phản kháng… 

Để hạn chế tình trạng trẻ bị bỏ rơi vì người mẹ mang thai không mong đợi, chuyên gia tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh cho rằng gia đình nên quan tâm, chăm sóc con, nhất là con gái. Giúp trẻ mới lớn phân biệt đâu là tình yêu học trò, tình yêu chân thật, tình yêu vụ lợi…, tránh bị lợi dụng để xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Các bé gái đến độ tuổi vị thành niên cần được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản để biết cách phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn. 

Nếu không được như ý trong tình cảm, hôn nhân, hay không thể nuôi con, cha mẹ hãy nhớ rằng cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ của bé là trách nhiệm và tình yêu thương cuối cùng làm cho con. Bởi giấy tờ tùy thân rất quan trọng và ảnh hưởng đến tương lai sau của trẻ. Một em bé sinh ra không có lỗi, hành động nhất thời của người lớn mới là sai lầm. 

Thuyết phục, hỗ trợ để mẹ không bỏ con

Mấy tháng trước, ê kíp bác sĩ trực tại BV Hùng Vương tiếp nhận thai phụ N.T.K. (40 tuổi, ở Hóc Môn) được một người dân đưa đến khi sắp sinh con. Chị K. không có giấy tờ tùy thân, chỉ mang theo vài chục ngàn đồng. Thấy chị trở dạ, BV ưu tiên sức khỏe mẹ con chị trước. 
Chị K. sinh được 1 bé trai khỏe mạnh, bụ bẫm. Nhiều ngày nằm viện, y bác sĩ không thấy người thân vào chăm sóc chị. Còn chị cứ thẫn thờ nhìn con rồi nhìn ra phía cổng.

“Bắt được tín hiệu” không tốt, các chị điều dưỡng hỏi thăm mới biết chị K. vốn ở miền Tây, rời gia đình đi lập nghiệp. Sau đó, chị lập gia đình và sống ở TPHCM. Chị với chồng đã có 1 em bé, kiếm ăn từng bữa. Khi chị mang thai bé thứ hai được 5 tháng, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Chị bỏ nhà, đến gầm cầu ở huyện Hóc Môn dựng lều ở, nhặt ve chai kiếm sống cho tới khi sinh. 

Khi biết chị có ý định bỏ con, nhân viên tại khoa liên hệ với Phòng Công tác xã hội của BV, tìm cách hỗ trợ chi phí để chị yên tâm ở lại. Chị Nguyễn Ngọc Minh Thảo - Phòng Công tác xã hội của BV - kể: “Mỗi lần nói chuyện, tôi thấy chị K. vẫn rất quan tâm đến đứa bé. Chị ấy thường lén nhìn mỗi khi em bé khóc. Nắm được “điểm yếu”, khi bé đói khóc, chúng tôi thường mang đến cho chị; tặng tã, sữa để chị tin mọi người thật lòng muốn giúp. Dần dần, chị mới cung cấp thông tin quê quán để mọi người hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân cho chị”.

Cuối cùng, mẹ con chị K. đã được chính quyền địa phương hỗ trợ làm lại giấy tờ tùy thân. Em bé có đầy đủ giấy chứng sinh, giấy khai sinh. Trước khi 2 mẹ con xuất viện, BV cũng kịp vận động tã, sữa, một số tiền hỗ trợ giúp chị trang trải cuộc sống. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI